Thất bại của HA Gia Lai: Bài học về đào tạo trẻ

(Dân trí) - Phải khẳng định lứa cầu thủ của bầu Đức đang đá V-League có triển vọng. Nhưng triển vọng và một lẽ, còn phát huy khả năng của họ ra sao lại là một lẽ khác. Thất bại của HA Gia Lai cho thấy khâu sử dụng không giống với khâu đào tạo.

Một thất bại… quý giá

Nếu chỉ bàn về chất lượng kỹ thuật, có thể nói những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường thuộc vào loại hàng hiếm của bóng đá Việt Nam, trong bối cảnh mà bóng đá nội mấy năm gần đây có dấu hiệu sa sút về mặt này.

Nhưng thế hệ gồm nhiều cầu thủ có kỹ thuật ấy vẫn không thể nào trụ vững ở môi trường đỉnh cao, vì cơ bản bóng đá đỉnh cao không chỉ có kỹ thuật mà còn cần đến nhiều yếu tố tổng hợp khác, mà có lẽ cũng không cần phải bàn thêm ở đây.

Thành ra, thất bại của HA Gia Lai ở V-League xét một góc độ nào đó là điều may, chứ không đơn thuần chỉ có nỗi thất vọng. Nó may ở chỗ, thất bại vừa nêu giúp cho người xung quanh nhìn ra những khiếm khuyết của Gỗ, và bản thân Gỗ thôi không mơ mộng về chính mình nữa.

Khiếm khuyết đấy không chỉ là việc Gỗ vội vã đôn một lứa cầu thủ chưa đủ chín đá một giải đấu cao hơn trình độ của họ, mà còn nằm ở chỗ Gỗ ngộ nhận về trình độ thực của từng con người trong chính lứa ấy.

 

dt18-7dd1e
Tuấn Anh (8) là cầu thủ rất triển vọng, nhưng vì không được sử dụng đúng nên chưa thể phát triển tốt (ảnh: Anh Hải)

 

Ví dụ như Đông Triều không thể gọi là một trung vệ tốt, nhưng vẫn cố bị ép đá trung vệ, cố bị ép phải có mặt bên cạnh những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường từ đội hình này đến đội hình khác. Và Đông Triều không phải là trung vệ tốt vì cơ bản học viện bóng đá HA Gia Lai đâu có đào tạo cầu thủ chuyên về phòng ngự.

Rồi ví dụ như Văn Toàn càng không phải là cầu thủ có kỹ thuật, bởi một cầu thủ giàu kỹ thuật, lại chơi ở vị trí tiền đạo, thì dứt khoát không thể có cảnh đá suốt 21 vòng đấu tại V-League, nhưng không ghi bàn nào. Nên đừng vội cho rằng cầu thủ nào xuất thân từ lò của Gỗ cũng giàu kỹ thuật.

Cái sai của Gỗ nằm ở chỗ họ không đánh giá đúng về con người mà họ đang có, họ lầm lẫn giữa việc đào tạo và việc sử dụng. Nếu cầu thủ nào sau khi vừa kết thúc quá trình đào tạo cũng sử dụng được ngay, nếu cùng một lò đào tạo mà chất lượng người nào cũng giống người nào, thì cớ gì lò La Masia của Barcelona không “nhân bản” hàng loạt Messi, mà cả thế giới bóng đá chỉ có 1 Messi?

Chuyên môn hóa là cần thiết

Cũng cần thẳng thắn với nhau chỗ may mà HA Gia Lai cùng với lứa Công Phương và các đồng đội thất bại, người xung quanh mới nhận ra cái triết lý đá đẹp đến bất chấp kết quả, đến mức có thua hay có rớt hạng cũng sướng là quan điểm… sai bét.

Thể thao đỉnh cao nói chung và bóng đá đỉnh cao nói riêng là hướng đến chiến thắng, là môn chơi đòi hỏi tính cạnh tranh. Nếu đội bóng nào cũng ra sân mà không màn đến chiến thắng, thì tính cạnh tranh nằm ở điểm nào? – Mà không có cạnh tranh thì làm gì có cơ sở để đánh giá sự phát triển?

May mà Gỗ thất bại để cả làng cầu cùng sửa, chứ có thời một bộ phận không nhỏ từ các quan chức điều hành nền bóng đá cho đến một bộ phận không nhỏ người xem cứ tung hê triết lý ấy, để rồi mãi chạy theo triết lý sai của Gỗ thì nguy hiểm lắm!

Thành ra, cần rạch ròi ở chỗ đào tạo cầu thủ khác và sử dụng cầu thủ sẽ khác. Càng cần rạch ròi giữa chất lượng học viện bóng đá thuộc sở hữu của bầu Đức và chất lượng đội bóng đỉnh cao cũng thuộc bầu Đức. Học viện đấy có khả năng đào tạo ra những cầu thủ tốt, nhưng đội bóng đỉnh cao nọ hiện không phải là đội bóng giỏi.

Gỗ thất bại cho đến thời điểm này vì Gỗ không rạch ròi giữa khâu đào tạo và khâu sử dụng con người, trước khi bê nguyên si mô hình đào tạo của mình nhồi vào sân chơi đỉnh cao.

Đấy cũng là vấn đề chung của bóng đá nội hiện tại, chúng ta cần đội ngũ ngày một chuyên môn hóa ở từng lĩnh vực cụ thể này, sau khi đã có bài học từ đội bóng nổi tiếng nhất nước HA Gia Lai. Chuyên môn hóa ở đội ngũ chuyên làm trẻ, tách bạch hoàn toàn với đội ngũ chuyên phục vụ bóng đá đỉnh cao, vì phương pháp đào tạo con người và phương sử dụng con người trong từng môi trường cụ thể là khác hẳn nhau.

Trọng Vũ

 

logobanthethao-62196