1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Từ cú nhảy cao 1,94m:

Tại sao Nhung “lên thác, xuống ghềnh”?

Tháng 9/2003, Bùi Thị Nhung đoạt HCV nhảy cao châu Á với cú nhảy 1,88m. Ba tháng sau, Nhung thảm bại ở SEA Games 22...

Đến với Olympic Athens, Nhung tiếp tục thất bại và lại trượt dài đến tận giải điền kinh Hà Nội mở rộng cách đây mười ngày với cú nhảy chỉ đạt 1,75m. Vì vậy, việc Nhung đi dự giải điền kinh Thái Lan mở rộng không hề khiến người hâm mộ quan tâm. Vậy mà...

 

Cú nhảy tự hào

 

Báo Bangkok Post của Thái Lan ra hôm 4/5 đã tường thuật khá chi tiết về cú nhảy của Nhung tại Giải điền kinh Thái Lan mở rộng 2005. Theo đó, khi mức xà nâng lên 1,89m thì trên bãi nhảy cao chỉ còn duy nhất Bùi Thị Nhung của VN.

 

Sau khi chinh phục thành công độ cao này, Nhung đã quyết định nâng mức xà lên 1,92m - hơn kỷ lục Đông Nam Á của Nurungthai (Thái Lan) lập cách đây một năm vỏn vẹn 1cm!

 

Sau lần nhảy đầu thất bại, Nhung đã thành công ở lần thứ hai và được cả sân reo hò chúc mừng. Tiếp đến, cô nâng mức xà lên 1,94m và thành công ở lần nhảy thứ ba. Sau đó mức xà còn nâng lên 1,95m nhưng cô đã không thành công.

 

1,94m - đó là kỷ lục mới của nhảy cao nữ Đông Nam Á và chỉ còn kém kỷ lục châu Á có 3cm nữa thôi. Không quá lời để nói rằng cú nhảy của Nhung đáng được xem là niềm tự hào số 1 của thể thao VN trong 30 năm qua.

 

Vâng, nhớ lại năm 1980, cô gái cao 1,70m Trịnh Kim Loan khi qua mức xà 1,60m đã được xem là một kỳ tích. 25 năm sau, thành tích đã được nâng lên đến 24cm và được thực hiện bởi cô gái 22 tuổi, cao 1,69m.

 

Nỗi âu lo của người thầy

 

Dù thật hạnh phúc và tự hào nhưng không khỏi có một điều gì đó “vương vướng” thể hiện qua những cú nhảy "lên thác xuống ghềnh" không ổn định của Bùi Thị Nhung, kể từ khi cô trở thành tân kỷ lục gia nhảy cao nữ VN ở Giải điền kinh trẻ năm 2001.

 

 

Tại sao Nhung “lên thác, xuống ghềnh”? - 1
 

... và xuống ghềnh.

 

 

Nhiều lần tiếp xúc với tập thể tổ nhảy cao, chúng tôi đã tìm được câu trả lời: đó là vấn đề tâm lý. Việc được báo chí ca ngợi nhiều sau thành công ở Giải châu Á 2003 khiến cô "ngợp" và thất bại ở SEA Games 22.

 

Hơn một năm sau thất bại này, cô rơi vào tâm trạng khủng hoảng, thiếu niềm tin vào chính mình. Mà trong nhảy cao chỉ cần hơi vui hoặc hơi buồn là cũng đủ làm cho cú giậm nhảy thiếu chính xác, dẫn đến thất bại. So với người thầy đầu tiên, cựu VĐV nhảy cao nổi tiếng Vũ Mỹ Hạnh, Nhung đã không có được tâm lý lạnh lùng cần có.

 

Vì vậy ngay từ bây giờ, HLV Mỹ Hạnh đã cho biết: "Tôi cùng chuyên gia Misa đang tính đến việc đưa cả tổ nhảy cao sang Trung Quốc tập huấn trước SEA Games vào cuối năm nay nhằm cách ly các VĐV với dư luận và sẽ trở về nước sát giờ đi Philippines".

 

Ngoài điểm yếu tâm lý, HLV Mỹ Hạnh còn cho biết thêm một nỗi lo khác: "Năm 2001 Nhung bị chấn thương nặng ở gối trái. Vì vậy, trong tập luyện, Nhung luôn sợ những bài tập nặng. Gần đây, nhờ tắm nước khoáng và tắm bùn ở Tháp Bà (Nha Trang) mà chấn thương ấy mới thật sự bình phục. Nhưng vừa trị xong gối thì xương ống quyển bắt đầu đau, chấn thương này thể hiện sự quá tải của Nhung. Chuyện này, theo tôi,  xuất phát từ hoàn cảnh khách quan, đó là sự thiếu thốn dinh dưỡng khi còn nhỏ".

 

Chúng tôi thật sự chia sẻ với Mỹ Hạnh về nỗi khốn khó này, bởi nó không chỉ xảy ra với Nhung mà còn với rất nhiều VĐV đỉnh cao khác khi bước vào thể thao đỉnh cao từ nền tảng thiếu thốn.

 

Theo H.Thọ - Tuổi trẻ