1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Tại sao luôn luôn là... anh ta

(Dân trí) - Man City vốn dĩ không phải một đội bóng xấu chơi, cũng chẳng lắm chiêu trò, nhưng tất cả đã thay đổi từ khi có mặt của Balotelli. “Cậu bé hư” ngày nào vẫn chẳng hề thay đổi tâm tính và liên tục gây ra tiếng xấu cho đội chủ sân Etihad...

Man City đang cố gắng vươn lên tại Premier League, tiền bạc đã được các ông chủ người UAE đầu tư không tiếc tay và Etihad trở thành nơi ồn ào của những bản hợp đồng đắt giá. Nhưng trong khi những nỗ lực ấy còn chưa đem lại được thành công thì Man City lại phải chịu những điều tiếng về lối chơi xấu, phi thể thao và người đưa Man City vào những vụ Scandal chẳng ai khác ngoài Balotelli.

 

“Tại sao luôn luôn là... anh ta”? Có lẽ các cổ động viên trung thành của Man City, những người sẵn sàng đứng dậy vỗ tay vì một pha bóng đẹp dẫu là của đối phương giờ đây sẽ phải hỏi câu hỏi ấy. Từ gây gổ, ném phi tiêu vào đồng đội, chạy xe quá tốc độ, bật lại huấn luyện viên, vượt rào đi chơi đêm, đốt pháo hoa trong nhà và mới nhất là vụ đạp thẳng lên đầu Scott Parker, có lẽ chẳng còn thiếu trò gì mà cựu tiền đạo của Inter không thể hiện.
 
Tại sao luôn luôn là... anh ta - 1
Pha đạp thẳng vào đầu Parker cho thấy bản chất côn đồ của Balotelli

 

Cũng cần phải nhớ lại rằng tại Inter, chính tính cách ngổ ngáo của Balotelli, từ việc bật lại HLV (Mourinho), mặc áo của đối thủ (AC Milan) khiến anh không thể tồn tại ở Giuseppe Meazza và may mắn Roberto Mancini đã rộng vòng tay đón cầu thủ này đón anh sang Man City. Đúng là tật xấu khó bỏ, dù mới hôm nào Balotelli còn tuyên bố sẽ tu tỉnh, sẽ tập trung quan tâm tới chuyên môn, song các vụ rắc rối xung quanh anh thì vẫn cứ liên tiếp xảy ra.

 

Trong bóng đá, Balotelli cũng không phải cầu thủ đầu tiên thuộc dạng “lắm tài nhiều tật”, nhưng thẳng thắn mà xét thì tài năng của tiền đạo này đã vượt trên tật hay chưa, và liệu Man City có nên tiếp tục phải chịu đựng Balotelli với hy vọng sử dụng tài năng của anh để che lấp đi những khuyết điểm, giống như biết bao đội bóng trên thể giới này đã và đang làm đối với các cầu thủ có tính cách mạnh.

 

Như ở thành phố Manchester trước đây cũng từng có một trường hợp cá tính mạnh mẽ và sống mãi trong lòng người hâm mộ, đó là Eric Cantona, người đã có 5 năm gắn bó cùng Man Utd. Cantona là một con người rất cá tính trên sân cỏ và nóng nảy, MU từng ảnh hưởng rất nặng nề bởi tính cách rất đặc biệt của tiền đạo người Pháp. Ông từng có cú kungfu bằng hai chân thẳng vào một cổ động viên của Crystan Palace (25/1/1995) để rồi nhận án phạt đến 8 tháng treo giò.
 
Tại sao luôn luôn là... anh ta - 2
Nếu ví Cantona như biển lớn thì Balotelli giờ chỉ là dòng sông nhỏ

 

Vì mất Cantona trong nửa cuối mùa giải 1994/95, Man Utd đã phần nào bị ảnh hưởng và mất chức vô địch vào tay Blackburn Rover. Nhưng cổ động viên của Man Utd vẫn dành nhiều tình cảm cho Cantona, xưng ông lên làm King Eric, khi ông chán nản với án phạt nặng trên và có ý định giải nghệ thì HLV Ferguson đã phải thân chinh sang tận nước Pháp để thuyết phục học trò.

 

Tại sao đội chủ sân Old Trafford và một người khó tính như Ferguson phải chịu đựng điều đó. Câu trả lời thật đơn giản, vì những gì mà Cantona đóng góp cho Man Utd thật lớn, ông đã đưa MU đoạt 4 chức vô địch Premier League trong 5 năm gắn bó cùng đội bóng. Quan trọng hơn cả Cantona là người nóng tính chứ không “bẩn” tính.

 

Man City có thể nhìn vào gương của Man Utd để học tập và áp dụng cho trường hợp của Balotelli? Tiền đạo trẻ mang quốc tịch Italia này đã tới Manchester được 2 năm, những đóng góp của anh cho Man City đã tăng theo thời gian. Tuy Balotelli mang trong mình tố chất của một cầu thủ lớn (về bóng đá), nhưng thật khó để anh được Man City đối xử như MU đối với Cantona (dù cũng được HLV Mancini cưng chiều hết mức), bởi hoàn cảnh và địa vị của hai người rất khác nhau.
 
Tại sao luôn luôn là... anh ta - 3
Tại sao luôn luôn là Balotelli mang về những rắc rối không cần thiết cho Man City?
 

Balotelli dẫu sao cũng chỉ là một tài năng trẻ, anh thăng hoa ở mùa giải này, nhưng vị trí trên hàng công vẫn phải xếp sau Aguero và Dzeko, mức độ đóng góp cũng ít hơn hai người đồng đội (Balotelli có 9 bàn, Dzeko 11 bàn, Aguero 14 bàn). Tầm ảnh hưởng của anh tại Man City không lớn như những gì mà Cantona làm được tại MU trước đây. Ngoài ra bây giờ có rất nhiều đối thủ mạnh canh tranh ở Premier League, việc mất một trong những cầu thủ vì án phạt dài sẽ khá nguy hiểm.

 

Như Man City giờ đây chỉ còn duy nhất Dzeko là tiền đạo cắm, nếu cầu thủ người Bosnia gặp phải chấn thương hoặc “tịt ngòi”, Mancini sẽ buộc phải đôn Aguero lên chơi ở vị trí cao nhất. Nếu điều đó xảy ra, Man City sẽ yếu đi rõ ràng, mà trong giai đoạn cạnh tranh khốc liệt tại Premier League hiện nay, những cú xảy chân là điều các đội bóng nuôi mộng vô địch không được phép để xảy ra.

 

Những thứ Balotelli mang lại cho Man City chưa nhiều song điều tiếng xấu tiền đạo này kéo về chẳng ít. Giới hạn chịu đựng của một CLB bao giờ cũng có giới hạn, Man City không phải nơi các cầu thủ quậy phá thích làm gì cũng được, như trường hợp của Joe Barton (tài năng trẻ được đánh giá rất cao tại Man City trước đây) hay mới nhất là Carlos Tevez, tất cả đều bị Man City thanh trừng.

 

Nên có thể trong thời gian tới sẽ đến lượt Balotelli, xem ra những câu hỏi “Tại sao lại... vẫn là anh ta” rồi sẽ nhanh chóng biến khỏi tâm trí người hâm mộ The Citizens

 

Phù Sa