1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Sức ép và thiệt hại khủng khiếp của UEFA sau khi hoãn Euro 2020

(Dân trí) - UEFA thừa nhận họ đã phải hy sinh lớn để hoãn Euro 2020 bởi nó có thể khiến họ đối diện với sức ép và thiệt hại vô cùng lớn. Dân trí xin lược dịch bài phân tích sâu của tờ ESPN để làm rõ vấn đề này.

Mới đây, UEFA đã quyết định hoãn Euro 2020 sang năm sau. Cơ quan quyền lực cao nhất của bóng đá châu Âu đã phải thừa nhận rằng đó là “quyết định đau đớn” và thể hiện sự hy sinh lớn của cơ quan này với các Liên đoàn thành viên.

Sức ép và thiệt hại khủng khiếp của UEFA sau khi hoãn Euro 2020 - 1

UEFA đối diện với thách thức cực lớn về tài chính

Có lẽ, nếu quay ngược thời gian, UEFA thực sự muốn dịch Covid-19 chưa từng tồn tại và giải đấu có thể diễn ra theo kế hoạch. Hãy nhìn những phân tích kinh tế dưới đây để thấy sự tổn thất lớn về kinh tế của UEFA sau khi hoãn giải đấu thêm một năm.

Cụ thể, theo ước tính, nếu như hoãn Euro 2020 thêm 1 năm, UEFA sẽ thiệt hại 300 triệu euro vì vấn đề thương mại, đền bù bản quyền truyền hình. Nhưng nếu hủy bỏ sự kiện này, số tiền thiệt hại của UEFA vào khoảng 400 triệu euro.

Dù chấp nhận chịu thiệt khi giải đấu hoãn 1 năm nhưng không đời nào UEFA hủy bỏ Euro 2020 bởi khi ấy, họ sẽ thâm hụt số tiền rất lớn. Nếu như Euro được tổ chức vào năm 2021, UEFA vẫn có thể thu về số tiền 2,1 tỷ euro. Trừ đi 300 triệu euro tiền lỗ khi hoãn giải đấu 1 năm, họ vẫn thua về 1,8 tỷ euro. Còn không tổ chức, coi như UEFA không những mất trắng, mà còn phải bù tiền túi ra trả nợ.

Tại sao tiền lại quan trọng? Bởi lẽ, số tiền ấy phần lớn dùng để nuôi các CLB cũng như Liên đoàn bóng đá thành viên. Số tiền được phân chia dựa trên số tiền thưởng của các CLB ở Champions League, Europa League hay lệ phí để các Liên đoàn bóng đá cử đội bóng tham dự giải đấu của UEFA.

Về cơ bản, UEFA là tổ chức có tài chính rõ ràng. Trong mùa giải 2017/18, họ đã dùng 85% doanh thu để phân chia cho các đội bóng ở cấp CLB, ĐTQG tham dự các giải đấu của UEFA. Chi phí để tổ chức các trận đấu, thuê trọng tài, công nghệ kỹ thuật rơi vào khoảng 9,4%. Còn lại, mức lương và phúc lợi của các nhân viên UEFA chỉ chiếm khoảng 3%.

Sức ép và thiệt hại khủng khiếp của UEFA sau khi hoãn Euro 2020 - 2

Những CLB lớn như Liverpool mang lại nguồn lợi lớn cho UEFA có thể sẽ đòi hỏi lớn hơn các CLB nhỏ

Tuy nhiên, việc “lỗ” 300 triệu euro do không thể tổ chức Euro 2020 đúng dự kiến cũng mang tới cơn đau đầu lớn cho UEFA về việc phân chia tiền thưởng. Đó mới chỉ là con số ước tính được. Còn nếu như các nhà đài, đối tác tài trợ đòi lại tiền vì Champions League, Europa League không diễn ra đúng số trận (nếu giảm chỉ còn 1 trận/1 lượt, thay vì thể thức đá lượt đi và về), UEFA sẽ tổn thất số tiền lớn hơn thế.

Điều đó đòi hỏi UEFA sẽ phải tìm thêm rất nhiều đối tác tài trợ khác, để bù vào khoảng 300 triệu euro “thâm hụt”. Bằng không, họ cũng sẽ gặp khó trong việc phân chia tiền bởi “miếng bánh” không còn như cũ. Câu hỏi đặt ra là làm sao UEFA có thể phân chia số tiền ấy một cách hợp lý: theo tỷ lệ hay theo nhu cầu?

Ví dụ như mùa 2017/18, Liên đoàn bóng đá Liechtenstein nhận được 1,14 triệu euro, còn Liên đoàn bóng đá Moldova nhận được 1,3 triệu euro. Dân số Moldova cao hơn khoảng 70 lần so với Liechtenstein nhưng GDP bình quân đầu người chỉ bằng 1/30 Liechtenstein. Nếu phải cắt giảm thì ai là người chịu thiệt?

Bài toán này còn phức tạp hơn ở Champions League và Europa League bởi các CLB lớn mang tới nguồn thu khổng lồ cho UEFA. Điều đó không sai. Các đài truyền hình từ Luxembourg hay Latvia bỏ tiền ra mua bản quyền Champions League để những người dân theo dõi các trận đấu của Liverpool hay Real Madrid, chứ không phải Krasnodar (Nga) và Dinamo Zagreb (Croatia).

Trong điều kiện suy thoái toàn cầu, các giải VĐQG cũng hoãn, các CLB đều chịu thâm hụt khoản tiền lớn. Do đó, việc phân chia miếng bánh (với khoản thiếu hụt 300 triệu euro) không phải là điều đơn giản.

Cũng đừng nghĩ tới chuyện các CLB nhượng bộ nhau. Trong cuộc chơi, tình trạng “cá lớn nuốt cá bé” hay “ăn thịt lẫn nhau” luôn xuất hiện. Các CLB cũng phải kiếm tiền để xây dựng đội bóng và chống lại luật Công bằng tài chính của UEFA, chứ không phải là những kẻ đi làm từ thiện.

UEFA từng tốn rất nhiều công sức để giúp những đội bóng nhỏ ở châu Âu phát triển (bằng việc tạo điều kiện cho các CLB nhỏ dự Champions League hay gia tăng số đội tham dự Euro 2020) nhưng với tình hình hiện tại, có thể nỗ lực của họ sẽ biến thành công cốc. Bởi lẽ, các đội bóng nhỏ khó đủ sức duy trì, trước sức ép khủng khiếp về tài chính.

Rõ ràng, việc hoãn Euro 2020 khiến UEFA thực sự đau đầu nhưng vấn đề giải quyết tài chính, giúp nhiều CLB thoát khỏi khủng hoảng hay phân chia miếng bánh về kinh tế, khiến họ đối diện với thách thức cực lớn.

H.Long