Sự giống nhau kì lạ giữa Việt Nam và Malaysia ở AFF Cup
(Dân trí) - Có những điểm tương đồng rất kì lạ về thành tích của đội tuyển Malaysia và Việt Nam ở đấu trường AFF Cup. Tuy nhiên, với việc hai đội sẽ gặp nhau ở trận bán kết lượt về vào tối nay ở Mỹ Đình thì chắc chắn sự khác biệt sẽ được tạo ra.
Đủ 10 lần tham dự
Tính cả AFF Cup 2014, Việt Nam và Malaysia đều đã tham dự đủ 10 lần AFF Cup được khởi tranh. Tất nhiên trong khu vực thì cũng chỉ có một vài quốc gia không tham dự đủ sân chơi này, còn hầu hết các nền bóng đá mạnh trong khu vực như Malasia, Việt Nam, Thái Lan... đều có mặt đầy đủ.
Hai lần không vượt qua vòng bảng
Đội tuyển Malaysia tham dự AFF Cup năm 1998
Đối với Malaysia, lần đầu tiên họ không vượt qua vòng bảng diễn ra vào năm 1998. Tại Hà Nội, Malaysia đã chỉ có một điểm trước Lào và để thua cả Việt Nam lẫn Singapore. Malaysia đã phải ra về khi đứng ở vị trí thứ ba của bảng đấu.
Năm 2008, Malaysia nằm chung bảng với Thái Lan, Việt Nam và Lào. Bảng đấu này được tổ chức tại Phuket, Thái Lan. Malaysia đã khởi đầu hoàn hảo với chiến thắng Lào 3-0 trong trận ra quân, tuy nhiên họ đã thua Việt Nam và Thái Lan trong hai lượt trận sau nên không vượt qua được vòng bảng (kém điểm Việt Nam và Thái Lan).
Đối với Việt Nam, lần đầu tiên đội tuyển của chúng ta không qua nổi vòng đấu bảng diễn ra vào năm 2004. Khi đó, Việt Nam được thi đấu trên sân nhà trong vòng bảng có Indonesia, Singapore, Lào và Campuchia. Chỉ có được 7 điểm sau bốn lượt đấu, Việt Nam đã phải ngậm ngùi đứng thứ ba sau Indonesia và Singapore. Trong các trận đấu của Việt Nam ở vòng bảng năm ấy thì trận thua 0-3 trước Indonesia ở Mỹ Đình là trận đấu gây thất vọng mạnh nhất.
Lần thứ hai đội tuyển Việt Nam gây thất vọng mạnh ở AFF Cup diễn ra vào năm 2012. Trên đất Thái Lan, đội tuyển Việt Nam đã nằm chung với đội chủ nhà, Philippines và Myanmar. Thua cả Thái Lan, Philippines và chỉ hòa được Myanmar, Việt Nam đã phải về nước sớm.
Thành tích thấp nhất là một điểm.
Năm 1998, ở Hàng Đẫy Malaysia chỉ kiếm được một điểm sau ba trận đấu và đứng thứ ba của bảng đấu. Trong khi đó Việt Nam tại Thái Lan năm 2012 cũng giành một kết quả tương tự, thua hai, hòa một và đứng thứ ba của bảng đấu. Đây là thành tích tệ nhất của hai đội tại đấu trường AFF Cup.
Hai lần vào chung kết, một vô địch
Khi lần đầu tiên AFF Cup được tổ chức tại Singapore năm 1996, Malaysia đã thi đấu tuyệt vời để lọt vào chung kết với thành tích bất bại. Họ gặp lại Thái Lan, đối thủ đã hòa ở vòng bảng. Trận chung kết đã diễn ra quyết liệt và chỉ có một bàn thắng được ghi, đó là pha lập công của Kiatisuk, người đang là huấn luyện viên trưởng của tuyển Thái Lan hiện nay (ở phút thứ 9). Bàn thắng đó đã giúp Thái Lan giành ngôi vô địch và Malaysia ngậm ngùi về nhì.
Hai năm sau tại Mỹ Đình, Việt Nam đi trên con đường hệt như Malaysia đã thể hiện hai năm trước. Đội tuyển Việt Nam đã đứng nhì bảng với thành tích bất bại, đứng sau Singapore. Trận đấu giữa Việt Nam và Singapore đã kết thúc mà không có bàn thắng. Hai đội bóng tiếp tục vượt qua bán kết và gặp lại nhau ở chung kết, bàn thắng duy nhất từ cái lưng của Sasi Kumar ở phút 83 đã khiến Việt Nam cay đắng về nhì.
Năm 2008, Việt Nam dù không thi đấu nổi bật nhưng đã tiến những bước rất chắc chắn để rồi có được trận chung kết thứ hai trong lịch sử. Việt Nam đối đầu với Thái Lan và đã thắng 2-1 trên đất khách, trận lượt về hòa 1-1 tại Mỹ Đình đã giúp Việt Nam lần đầu tiên đăng quang tại sân chơi AFF Cup. Một chức vô địch được ví như cơn mưa rào trong cái khát chiến thắng đến cùng cực của người hâm mộ Việt Nam.
Hai năm sau khi Việt Nam lên ngôi, Malaysia đã khởi đầu không mấy thuận lợi, thậm chí họ còn thua đậm tới 1-5 trước Indonesia. Tuy nhiên đội bóng này càng chơi càng ổn định và cuối cùng họ đã gặp lại chính Indonesia ở chung kết. Thắng chung cuộc 4-2 sau hai lượt trận, đội tuyển quốc gia Malaysia cũng đã lần đầu tiên vô địch đấu trường khu vực. Nhìn vào hành trình của Malaysia tiến đến ngôi Vương, có một chút gì đó rất giống với thành công của Việt Nam hai năm trước đó.
Việt Nam và Malaysia cùng một lần đăng quang ngôi vô địch AFF Cup
Hai hạng ba, một lần hạng tư
Giai đoạn đầu của AFF Cup (trước năm 2007), các trận tranh hạng ba tư vẫn còn được tổ chức. Năm 2004, Việt Nam gặp Malaysia ở trận chiến giành tấm huy chương đồng an ủi sau khi thua cay đắng ở bán kết. Đội tuyển Malaysia đã chơi tốt hơn, Rosdi Talib mở tỉ số ở phút 42, và cú đúp của Rusdi Suparman (59', 90') đã giúp đội bóng này giành tấm HCĐ, đẩy Việt Nam xuống thứ 4.
Điều rất thú vị là hai năm sau tại AFF Cup 2002, vẫn là Việt Nam và Malaysia tranh nhau tấm huy chương đồng. Trường Giang mở tỉ số ở phút 45, Indra gỡ hòa cho Malaysia ở phút 55 nhưng rồi Minh Phương đã giúp tuyển Việt Nam thắng 2-1 với bàn thắng ở phút 59. Malaysia nhận vị trí thứ tư, cũng giống như Việt Nam đây là lần đầu tiên và duy nhất họ xếp ở vị trí này.
Khi những trận tranh hạng ba còn tổ chức chứ ngoài việc hai đội đã hạ nhau để mỗi đội có một lần đứng hạng ba thì cả hai đều có thêm một lần giành huy chương đồng nữa. Việt Nam thắng Indonesia vào năm 1996 để giành HCĐ, còn năm 2004 Malaysia đã thắng Myanmar để có tấm huy chương đồng thứ hai.
Kể từ năm 2007 khi những đội thua tại bán kết thì Việt Nam và Malaysia tính đến nay đều có thêm hai lần vào bán kết, trong đó Việt Nam vào bán kết năm 2007 và năm 2010, còn với Malaysia là năm 2007 và năm 2012. Tính tổng cộng sau 9 lần tham dự, Việt Nam và Malaysia đều có 7 lần vượt qua bán kết.
Đội | Vô địch | Nhì | Hạng ba/bán kết | Hạng bốn |
Vietnam | 1 (2008) | 1 (1998) | 4 (1996, 2002, 2007, 2010) | 1 (2000) |
Malaysia | 1 (2010) | 1 (1996) | 4 (2000, 2004, 2007, 2012) | 1 (2002) |
Phù Sa