Sông Lam dùng tiền mua Cúp- Công quỹ đi về đâu?

Khi những lãnh đạo cao nhất của ngành thể thao Nghệ An và đội bóng Sông Lam Nghệ An (SLNA) chính thức bị khởi tố vì chỉ đạo dùng tiền mua cúp ở mùa bóng 2001, dư luận lại đặt nhiều câu hỏi vào vấn đề quản lý ngân sách nhà nước.

Trước khi Hữu Thắng cầm 300 triệu đồng, một khoản tiền khá lớn ở thời điểm năm 2001, vào Thành phố Hồ Chí Minh đưa cho tiền đạo đội Cảng Sài Gòn (CSG) Trương Tấn Hải, lãnh đạo Sở Thể dục Thể thao (TDTT) Nghệ An có cuộc họp gấp với lãnh đạo đội SLNA.

 

Vấn đề dùng tiền chích trận CSG - Nam Định ở vòng đấu cuối cùng mùa bóng 2001 được lãnh đạo sở đứng đầu là ông Nguyễn Hoàng Thụ và lãnh đạo đội bóng gồm huấn luyện viên trưởng Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc điều hành Nguyễn Hồng Thanh nhất trí thông qua.

 

Chỉ có điều hình như số tiền đem đi trích là bao nhiêu chưa được thống nhất nên Hữu Thắng sau chuyến nam du nói xài hết hơn 300 triệu đồng, những người ở nhà đều chê đắt và cho rằng giá của trận đấu đó chỉ trên 100 triệu đồng.

 

Số tiền ấy ở đâu ra? Chưa có phát ngôn chính thức nào về nguồn gốc của số tiền này nhưng hầu như tất cả mọi người đều hiểu đó là tiền từ công quỹ.

 

Đó là chưa kể đến việc SLNA bồi dưỡng các cầu thủ Công an Thành phố Hồ Chí Minh 60 triệu đồng cho trận thua của đội này tại sân Vinh cũng ở vòng đấu cuối cùng V-League 2001.

 

Rồi còn nhiều nghi vấn vào việc SLNA không chỉ mua thắng mà còn mua thua. Nam Định đang tràn trề cơ hội đoạt ngôi vô địch lại bất ngờ thảm bại 0-5 trước CSG đã hết động lực.

 

Trước đó một vòng, Công an Hải Phòng lại để cho đội khách SLNA giành chiến thắng sít sao 2-1 trong một trận đấu được cho là "đúng kịch bản".

 

Xâu chuỗi tất cả các sự việc, người ta không thể không nghi ngờ một âm mưu mua cúp được thống nhất từ trên xuống dưới, từ lãnh đạo cao nhất của thể thao tỉnh nhà cho tới thành viên đội bóng. Vì thế, những hành động móc ngoặc, che chắn cho nhau để sử dụng công quỹ vào việc này cũng là điều dễ lý giải.

 

Lúc đó SLNA chưa nhận được một tỷ đồng tiền thưởng cho chức vô địch. Mà kể cả khi nhận được khoản thưởng này, đó cũng là số tiền của tập thể đội bóng.

 

Chiếc xe Ford được lãnh đạo tỉnh cho mượn sau này được cho hẳn mới đem đi bán. Mà mùa giải 2001 mới là mùa bóng chuyên nghiệp đầu tiên, mỗi đội bóng chưa có được những khoản tài trợ lớn như hiện nay.

 

Vậy dù bất cứ dưới phương thức nào, hẳn đây cũng là tiền từ công quỹ. Bản thân SLNA lúc đó hoàn toàn phụ thuộc vào bầu sữa mẹ là sở TDTT. Tiền của đội bóng, dù đó là tiền thưởng, danh chính ngôn thuận cũng chính là tiền của sở TDTT.

 

Chả lẽ lại tách điều đó ra trong khi thành tích của đội bóng cũng được tính gộp vào nhiều thành tích khác giúp Sở TDTT Nghệ An nhận Huân chương Lao động hạng Nhì ngay sau đó.

 

Nhưng vì sao việc sử dụng công quỹ vào những việc không minh bạch này vẫn được hợp lý hoá qua các hoá đơn chứng từ mà vừa qua có kiểm tra, rà soát vẫn không bị phát hiện?

 

Có lẽ người ta rất hài lòng với chức vô địch của đội bóng, ngành thể thao tỉnh được nhận Huân chương Lao động nên tự bảo ban nhau “lờ” những tiêu cực phí, bóp mồm bóp miệng với khoản tiền thưởng được khấu trừ còn tiền cứ để chảy vào túi các cầu thủ CSG.

 

Nhưng có lẽ sự thống nhất ấy đồng thời lại rất lỏng lẻo để cho Hữu Thắng muốn ôm bao nhiêu tiền đi là tuỳ ý anh ta. Liệu có phải trong vụ việc này công quỹ được sử dụng một cách bừa bãi, bạ ai nấy tiêu nấy biết.

 

Nếu ông Thụ, ông Thanh là những người quản lý chặt chẽ hẳn hai ông không sửng sốt với cái giá ngất ngưởng 300 triệu đồng và cho rằng Hữu Thắng qua mặt mình.

 

Tất nhiên đây mới chỉ là những nghi vấn được dư luận xã hội đặt ra từ hàng loạt sự kiện. Nếu các cơ quan điều tra cho thấy điều này là đúng thì những người liên quan trong vụ việc này, bên cạnh tội đưa hối lộ còn phải chịu trách nhiệm pháp lý về việc sử dụng công quỹ sai mục đích.

 

Theo Hoàng Linh

Netnam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm