1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Những cựu thần đồng Việt Nam không bao giờ… lớn

(Dân trí) - Việc các cầu thủ U19 của bầu Đức nổi đình nổi đám năm ngoái, nhưng không thể tỏa sáng ở V-League năm nay, khiến nhiều người nhớ về những thần đồng bóng đá nội trong quá khứ, nhưng sau đó vĩnh viễn không thể tỏa sáng nơi bóng đá đỉnh cao.

Mãi mãi dừng ở mức… thần đồng

Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam từng có những cầu thủ rất được kỳ vòng lúc còn đá ở các giải trẻ, nhưng đến khi lên đỉnh cao thì những cầu thủ này tỏ ra không phù hợp rồi thui chột dần.

Trường hợp đáng tiếc nhất liên quan đến cái tên Phan Như Thuật. Đấy cũng là một trong những cầu thủ chơi hay nhất của đội tuyển U16 Việt Nam, vào bán kết giải U19 châu Á năm 2000 ở sân Chi Lăng – Đà Nẵng.

Như Thuật khi đó được đánh giá rất cao ở nhãn quan chiến thuật, kỹ thuật và tư duy chơi bóng. Thời đấy, người ta còn ví Như Thuật là một “Hồng Sơn thứ hai” của bóng đá Việt Nam.

Nhưng về sau, khi đã bước qua lứa tuổi trẻ để lên chơi bóng trong môi trường đỉnh cao, chơi bóng ở V-League, Như Thuật chìm nghỉm. Khi đó, những nhược điểm lớn nhất của Như Thuật mới lộ ra và chính những nhược điểm này khiến cho cầu thủ của SL Nghệ An không thể nào thích nghi với môi trường bóng đá đỉnh cao.

Những cựu thần đồng Việt Nam không bao giờ… lớn
Như Thuật từng chơi cực hay tại các giải trẻ, cũng không bê bối trong sinh hoạt, nhưng chưa bao giờ tỏa sáng trong môi trường đỉnh cao

Cách chơi bóng như thể một thư sinh, một chàng lãng tử của Như Thuật không hợp với bóng đá đỉnh cao, bởi Như Thuật hầu như không có khả năng va chạm, không biết tranh chấp và hầu như không thể tham gia phòng ngự.

Có điểm gì đấy ở Như Thuật khá giống với các cầu thủ của HA Gia Lai bây giờ, nhất là giống với Xuân Trường. Như Thuật chuyền dài rất hay, nhãn quan chiến thuật tốt, nhưng khi không chịu nổi các pha va chạm, cầu thủ này hầu như không có đủ thời gian và không gian, cũng như không đủ độ “lì” để thực hiện các phẩm chất tốt nhất của mình.

Cầu thủ của SL Nghệ An cũng rất hay bị những chấn thương lắc nhắc, trong khi bóng đá đỉnh cao cần người ta rắn rỏi hơn, vì bóng đá đỉnh cao phải va chạm nhiều hơn hẳn so với các giải trẻ.

Một cựu thần đồng khác là Ánh Cường hầu như cũng không tỏa sáng như kỳ vọng. Cũng tại giải U16 châu Á năm 2000, Ánh Cường là một trong những cầu thủ đá tốt nhất. Tại giải đấy, Ánh Cường chơi rất ăn ý với Phạm Văn Quyến.

Nhưng khi gia nhập bóng đá đỉnh cao, Ánh Cường vấp phải những nhược điểm y hệt như Phan Như Thuật. Thể hình quá hạn chế, cộng với việc thiếu sức mạnh trong các pha tranh chấp tay đôi khiến cho Ánh Cường không thể thực hiện những cú nước rút và những pha đi bóng quen thuộc như lúc anh đá ở các giải trẻ.

Cần có sự bứt phá

Ngay cả Phạm Văn Quyến cũng chưa tỏa sáng đúng với sự chờ đợi trong màu áo đội tuyển quốc gia. 2 giải đấu mà Quyến gây tiếng vang lớn nhất là 2 kỳ SEA Games 2003 và 2005. Những giải đấu ấy nói cho cùng vẫn thuộc về các đội bóng U23.

Thành ra, ở cấp độ đội tuyển quốc gia, người ta vẫn chưa được kiểm chứng Văn Quyến hay hoặc dở như thế nào? Dù ai cũng bảo Quyến là tài năng đặc biệt.

Khoảng cách về trình độ giữa sân chơi đỉnh cao và các giải đấu trẻ là rất lớn. Một cầu thủ tỏa sáng ở một số giải đấu trẻ thì vẫn chưa có gì đảm bảo rằng cầu thủ ấy sẽ trở thành cầu thủ lớn ở sân chơi đỉnh cao. Mà muốn tỏa sáng ở bóng đá đỉnh cao, những tài năng, kể cả những thần đồng cần phải có sự thích nghi để phù hợp với môi trường đỉnh cao.

Lê Công Vinh là một ví dụ. Từ một “chú còm” ngày nào, Công Vinh giờ trở nên mạnh mẽ hơn hẳn. Cầu thủ này biết cách biến các nhược điểm của mình trở thành những điểm mạnh, như khả năng không chiến (đánh đầu ghi bàn tuyệt đẹp trong trận chung kết lượt về AFF Cup 2008), khả năng đua tốc độ và tranh chấp tay đôi.

Đấy là những điều mà người ta mong rằng các cầu thủ thuộc lứa U19 của bầu Đức năm ngoái biết cách học hỏi, khi gia nhập môi trường đỉnh cao.

Lứa cầu thủ của bầu Đức nổi đình nổi đám ở các giải trẻ, nhưng lúc bằng tuổi với các cầu thủ của bầu Đức, những Như Thuật, Ánh Cường, Văn Quyến thậm chí còn nổi hơn, hay hơn.

Thành ra, nếu không biết cách thích nghi với bóng đá đỉnh cao và có được những người thầy thực sự phù hợp, chính những cầu thủ dạng Công Phượng, Xuân Trường sẽ phải chịu thiệt với nguy cơ mãi mãi chỉ dừng ở mức… tiềm năng!

Kim Điền