(Dân trí) - Pep Guardiola đã bước sang mùa giải thứ 7 dẫn dắt Manchester City và với bản tính không ngừng tư duy, ông đang trình làng phiên bản 3.0 hoàn hảo của đội bóng này.
Pep Guardiola đã bước sang mùa giải thứ 7 dẫn dắt Manchester City và với bản tính không ngừng tư duy, ông đang trình làng phiên bản 3.0 hoàn hảo của đội bóng này.
Pep Guardiola là một trong những vị chiến lược gia vĩ đại nhất lịch sử túc cầu, không chỉ vì những danh hiệu giành được mà còn cả cách truyền tải phong cách chơi bóng cho các đội bóng ông dẫn dắt, cũng như mang lại niềm vui cho người hâm mộ.
Tuy nhiên, tại sao Guardiola lại đứng trên đỉnh cao một thời gian dài và thành công ở nhiều môi trường bóng đá khác nhau như vậy? 4 năm hoàng kim cùng Barcelona. 3 năm huấn luyện Bayern Munich. Và hiện tại là năm thứ 7 dẫn dắt Man City. Câu trả lời nằm ở thiên chất và bản tính không ngừng tư duy, không ngừng đổi mới.
"Tư chất nhà vô địch, tính cách tỉ mỉ từng chi tiết, đó là phẩm chất của cậu ấy ngay từ khi còn nhỏ", Albert Benaiges, cựu Giám đốc học viện đào tạo trẻ Barca chia sẻ. "Cậu ấy có thể thay đổi vì mỗi con người đều trưởng thành, cũng như kinh nghiệm tích lũy lâu dài với tư cách một HLV, nhưng một số đặc điểm thì không đổi. Đối với tôi, cậu ấy vẫn vậy. Pep là nhà lãnh đạo thiên bẩm và đam mê bóng đá tới tột cùng".
"Tôi gặp Pep lần đầu khi cậu ấy 13 tuổi, khi đó tôi chưa đến Barca, tôi làm việc tại một trường học cách La Masia chừng một cây số và trong trường có một sân bóng rổ", người đàn ông có 19 năm làm việc tại La Masia tiếp tục bộc bạch về cậu học trò xuất chúng.
"Khoảng 10 cầu thủ đến từ La Masia, một số đã thi đấu cho đội B, chúng muốn dùng sân bóng rổ để đá bóng. Vấn đề là những đứa lớn, 17, 18 tuổi, không ai đứng ra đề nghị. Đứa nhỏ nhất mới là người đàm phán. Pep rất, rất tự tin, nhưng cậu ấy cực kỳ cứng đầu".
Thuở bé, Guardiola luôn được giao nhiệm vụ chọn đội đá giao hữu tại quê nhà Santpedor, và sau khi chuyến đến La Masia năm 13 tuổi, cậu nhanh chóng trở nên nổi bật. Trong các trận đấu, cậu yêu cầu đồng đội tạo ra chu trình cố định mà cậu học được từ đội hình xuất phát của đội B, điều này đã gây sự chú ý lớn đối với các đối thủ của cậu.
Pep là cầu thủ rất giỏi và luôn biết mình muốn gì, mặc dù cậu luôn suy tư.
"Khi còn rất trẻ, cậu ấy đã có vẻ già hơn tuổi rất nhiều, cả về tính cách lẫn đặc điểm nhận dạng", Guillermo Amor, bạn đồng môn cùng tốt nghiệp La Masia với Guardiola nói. "Cậu ấy thông minh, có học thức, để ý đến mọi thứ, luôn muốn học hỏi và đổi mới để trở thành cầu thủ giỏi nhất. Pep là vậy đó".
Trong cuốn sách của Marti Perarnau, với tựa đề "Pep Guardiola - Sự tiến hóa", cây bút thể thao người Tây Ban Nha này lý giải rằng người Catalonia luôn bị thúc ép bởi cảm giác bên trong rằng anh ta bằng cách nào đó vẫn chưa đủ tốt, vì vậy làm việc chăm chỉ gấp đôi, gấp ba để bù đắp cho những khiếm khuyết anh ta nhận thức.
David Trueba, người bạn thân của Pep Guardiola thì nói: "Khi phân tích hoặc đánh giá về Guardiola, bạn phải nhớ rằng đằng sau bộ vest lịch lãm, chiếc áo khoác len cashmere và cà vạt, là con trai của một thợ nề. Bên trong đôi giày Italy đắt tiền đó có trái tim bằng espadrilles (đôi giày bện vải bình dân rất phổ biến ở Tây Ban Nha)".
"Đối với Pep, bố cậu ấy là tấm gương về sự chính trực và chăm chỉ. Sinh trưởng trong một gia đình cần lao ở Santpedor đã thấm nhuần những giá trị truyền thống trong cậu ấy, những giá trị từ thời mà cha mẹ không có tiền hay tài sản để trao lại cho con cái".
Thế nên, trước khi bước lên đỉnh vinh quang, Guardiola đã trải qua cả một hành trình gian lao đi khắp thế giới để tầm sư học đạo. Đôi chân của Pep đã đến Italy những năm tháng cuối sự nghiệp để biết trên đời có kiểu hợp đồng nếu HLV Mazzone rời băng ghế chỉ đạo, Roberto Baggio chấm dứt hợp đồng ngay lập tức. Tại đây, ông cảm nhận niềm vui giản đơn của một đội bóng đấu tranh để tồn tại.
Ông sang tận Mexico để làm việc với Juanma Lillo, đến Argentina để gặp huyền thoại Cesar Menotti hay Marcelo Bielsa, những người cung cấp thêm cho Pep những khái niệm mới lạ như "triển khai bóng từ tuyến sau", "tổ chức gây áp lực tuyến trên" hay đơn giản là cách chuyển tải ý chí và chiến thuật đến các học trò một cách si mê như những nhà hùng biện. "Những cú vung tay vào không trung sẽ lan tỏa thông điệp nhanh chóng hơn", Menotti đã căn dặn Guardiola như vậy.
Pep đã thành công tại Barca, Bayern và đang thành công với Man City, nhưng không hề có chung một công thức cho những thành công ấy. Cho dù triết lý và nguyên tắc không đổi, song vị chiến lược gia đại tài người Tây Ban Nha đã cho thấy khả năng thích ứng với các môi trường.
"Tại Munich trong những tháng đầu tiên, tôi muốn triển khai lối chơi tương tự Barca", Pep bộc bạch. "Rồi một ngày nọ khi thức dậy, tôi tự thấy phải thích nghi với các học trò. Chúng tôi đã làm được điều này và đây là nhiệm vụ quan trọng nhất đối với một nhà quản lý, bất kể là CLB nào, họ cần thích nghi với cách bạn muốn chơi bóng".
Tại Barca, Guardiola thành công với sơ đồ 4-3-3 cổ điển của lối đá kiểm soát bóng và định hướng vị trí, kèm phát kiến vị trí "số 9 ảo" với Messi. Tại Bayern, 4-3-3 chỉ là một trong hàng chục sơ đồ vị chiến lược gia người Tây Ban Nha áp dụng. Lewandowski dưới sự dẫn dắt của Pep trở thành "số 9" xuất sắc nhất hành tinh. Lahm trở thành tiền vệ trụ. David Alaba rồi Xabi Alonso đều chơi thường xuyên ở vị trí trung vệ.
Tại Man City, ông chứng minh lối chơi tấn công, với mọi thứ được tổ chức xung quanh trái bóng có thể phát huy tác dụng tại Anh. Dĩ nhiên, Pep cũng phải trải qua những bỡ ngỡ trong mùa giải đầu tiên tại xứ sương mù, về bóng hai, về sự va đập, về tốc độ và cường độ khủng khiếp của Ngoại hạng Anh. Mùa ấy, The Citizens chỉ về đích ở vị trí thứ ba.
Tuy nhiên, hai mùa giải tiếp theo, đế chế Man City dưới kỷ nguyên Pep Guardiola thành hình với hai chức vô địch Premier League liên tiếp. Một đội hình phối trộn giữa những cựu binh từ thời Pellegrini như Vincent Kompany, Sergio Aguero, Kevin de Bruyne, David Silva và những tân binh như thủ thành "biết chơi chân" Ederson, Kyle Walker, Gabriel Jesus, Riyah Mahrez được hình thành. Đó chính là Pep Guardiola 1.0 ở Man City.
Pep Guardiola 2.0 chính là giai đoạn 3 năm tiếp theo, từ 2019 đến 2022. Đó là khoảng thời gian Man City đi vào ổn định và cũng hoạch định được đối thủ lớn nhất là Liverpool của Juergen Klopp. The Citizens của giai đoạn này trẻ trung hơn, đậm chất Guardiola hơn, với sự hiện diện của Rodri, Joao Cancelo hay Ruben Dias.
"Trong thời của tôi, điều tôi sẽ nhớ là sự kình địch với Liverpool. Chắc chắn như vậy", Guardiola nói. "Chúng tôi nâng cao tiêu chuẩn của một nhà vô địch. Chúng tôi giành 100 điểm, trước đó, ví dụ là khoảng 80 đến 91. Sau khi chúng tôi giành 98 điểm là phải phấn đấu lên 100. Liverpool với 97 rồi 99. Vì vậy, bây giờ các đội biết phải đạt 90-100 điểm để trở thành nhà vô địch".
Và vị chiến lược gia người Tây Ban Nha cũng tự nhận: "Khi còn làm việc tại Barca những năm đầu, tôi âu lo hơn về mọi thứ, nhạy cảm hơn về mọi thứ. Bây giờ tôi xử lý tình huống điềm tĩnh hơn. Tôi học được nhiều ở Man City. Tôi là nhà quản lý hoàn toàn khác trước đây và tôi cảm thấy bản thân tốt hơn so với thời điểm bắt đầu nhờ kinh nghiệm. Ở Đức hay Tây Ban Nha và hiện tại, đó là những thử thách hoàn toàn khác nhau. Tôi phải nói rằng điều đó thật tuyệt vì sẽ không bị nhàm chán".
Bởi vậy, Man City và Pep Guardiola lại tiếp tục đổi mới. "Luôn luôn phải tiến hóa trong suốt quá trình. Tiến hóa để đạt được thành công, nhưng đặc biệt, để bạn không nhàm chán. Cuộc sống là những trải nghiệm và học hỏi để cải thiện những sự khác biệt", ông nói.
Hai tháng đã trôi qua, sự hưng phấn vẫn chưa phai. Hạ tuần tháng Bảy, trong không khí hân hoan và hứa hẹn trước thềm mùa giải mới, Man City phát hành "Together: Champions Again" (Cùng nhau: Đăng quang lần nữa), bộ phim tài liệu kể về chi tiết hành trình ly kỳ đến danh hiệu Premier League mà thầy trò Pep Guardiola đã giành được vào tháng Năm. Vẫn còn đó những giọt niềm vui khơi dậy từ đám mây ký ức vui vẻ vừa hình thành, ngay cả khi suy nghĩ của người hâm mộ Man City bắt đầu trôi theo cuộc vui trước mắt: mùa giải 2022/23.
Nhưng khá kỳ lạ, giữa thung lũng hạnh phúc hình thành từ hai triền đỉnh núi hân hoan chiến thắng và khấp khởi mong đợi, Man City lại vương đôi chút u sầu. Cứ vài tuần, vị chiến lược gia người Catalonia lại xuất hiện để tri ân ngôi sao ra đi: đầu tiên là Gabriel Jesus, tiếp đến là Raheem Sterling, và gần đây nhất là Oleksandr Zinchenko.
"Cầu thủ đáng yêu nhất từ trước đến nay tôi từng làm việc cùng", Guardiola nói về Jesus. "Một tiếng vang", vị chiến lược gia người Tây Ban Nha miêu tả về Sterling. "Một cầu thủ quan trọng trong phòng thay đồ", ông tri ân Zinchenko. Các cầu thủ cũng cảm nhận được sự biến chuyển. "Đã có rất nhiều thay đổi trong năm nay", Kevin De Bruyne chia sẻ. "Thật buồn vì tôi có mối quan hệ tuyệt vời với những cầu thủ vừa ra đi".
Đây không phải là cách chia tay quen thuộc tại Man City trong những năm gần đây. Tất nhiên, có nỗi buồn man mác khi Yaya Toure và Vincent Kompany ra đi, David Silva theo chân, và Sergio Aguero nói lời tạ từ. Đó là những huyền thoại của đội bóng và xứng đáng được dựng tượng ở Etihad, như thực tế đã diễn ra.
Tuy nhiên, sự ra đi của những huyền thoại là điều tất yếu, thuận tự nhiên và hoàn toàn có thể đoán trước. Mặt trời đã lặn trên sự nghiệp của những tượng đài này, Man City, với vị thế của một ông lớn, cần những nhân tố mới trẻ trung hơn để đội bóng tiếp tục phát triển và chinh phục những đỉnh cao.
Sterling, Jesus và Zinchenko thì khác. Không ai trong số này sẵn sàng về hưu. Không ai đánh mất giá trị. Thay vào đó, họ rời đi vì cảm thấy bản thân có thể hữu ích hơn ở một nơi khác. Man City mùa này là một Man City rất khác đội bóng đá đăng quang mùa trước hay mùa trước nữa.
Biểu trưng cho sự đổi thay là tân binh Erling Haaland. Quan điểm cho rằng Man City nhiều năm qua thi đấu "không tiền đạo cắm" hoàn toàn sai. Sergio Aguero hay Gabriel Jesus là những tiền đạo cắm. Nhưng Man City chưa có mẫu trung phong như Haaland, kiểu "số 9" to lớn, sung mãn và giỏi săn bàn.
Đối với Guardiola, Jesus là mẫu cầu thủ có thể "áp sát 3 hậu vệ trong 10 giây" và chơi ở 3 vị trí khác nhau. Haaland sẽ được sử dụng theo cách khác. Tương tự như vậy, Fernandinho, người đã chọn dành những năm cuối cùng sự nghiệp tại quê nhà Brazil, được thay thế bằng Kalvin Phillips, một mẫu tiền vệ thi đấu trực diện hơn.
Tất nhiên, tất cả xáo trộn nhân sự này ảnh hưởng như thế nào đến lối chơi của Man City vẫn cần thời gian chứng minh. Quan điểm của Guardiola rất rõ ràng rằng ông mong đợi những tân binh phù hợp với hệ thống ông xây dựng. Vị chiến lược gia người Tây Ban Nha sẽ không tái tạo kiệt tác của mình, hay định nghĩa lại triết lý của bản thân, cho phù hợp với những tân binh.
Guardiola có thể đã thừa nhận rằng "khả năng di chuyển và chất lượng các pha xử lý trong vòng cấm" của Haaland buộc Man City phải "đưa bóng vào vòng cấm càng nhiều càng tốt". Tuy nhiên, sẽ không có chuyện Pep tái tạo bản thân để trở thành mẫu chiến lược gia chơi bóng dài và khuyến khích các cầu thủ chạy cánh tạt từ mọi phía cho trung phong, hay thường được gọi hài hước là lối chơi taca-dada (tạt cánh đánh đầu).
"Chúng tôi sẽ điều chỉnh phẩm chất mà các cầu thủ tham gia vào cách chúng tôi chơi bóng", Guardiola cho biết. "Chúng tôi sẽ không thay đổi lối chơi". Điều đó có thể đúng, nhưng đồng thời không thể hình dung Pep lại cực đoan đến như vậy trong việc phản ánh đặc trưng trong đội hình Man City.
Chắc chắn, Haaland sẽ phải học cách làm việc với Guardiola, nhưng dường như khó có thể gợi ý rằng vị chiến lược gia người Tây Ban Nha sẽ phải học cách khơi gợi những phẩm chất tốt nhất từ tiền đạo của ông. Ví dụ, chiến thuật gây áp lực (pressing) của Man City có thể cần hiệu chỉnh hay không. Tương tự là cách xoay chuyển hướng tấn công và các phương pháp triển khai bóng quen thuộc.
Kết quả, không nghi ngờ gì nữa, luôn luôn đội bóng của Guardiola sẽ là đội chiếm ưu thế về kiểm soát bóng, ghi nhiều bàn thắng, và đăng quang hoặc tiến rất gần đến chức vô địch tại hầu hết mọi đấu trường tham dự. Vấn đề được quan tâm nhất vẫn nằm ở cách nào để Man City chinh phục các mục tiêu.
Guardiola có một lý lịch phức tạp khi làm việc với những "số 9": Ông đã biết Robert Lewandowski trở thành cầu thủ xuất sắc nhất hành tinh ở vị trí này, gặt hái được những thành quả không nhỏ với David Villa và Aguero, nhưng chật vật với Zlatan Ibrahimovic và Samuel Eto'o.
Việc nhà cầm quân gốc Catalonia chấp thuận ký hợp đồng với Haaland và mức độ thấp hơn là Julian Alvarez, tân binh được kỳ vọng là họng súng giấu trong tay áo của Man City ở mùa giải này, cho thấy Guardiola nhận ra sự cần thiết phải điều chỉnh lối chơi.
Không phải vì một số thiếu sót - như ông đã nói, Man City đã thực hiện "khá tốt" dưới sự dẫn dắt của ông - mà bởi vì Pep tự vấn liệu có cách nào để đội bóng thi đấu ấn tượng hơn, thậm chí hủy diệt tàn khốc hơn. Mùa hè đầy hưng phấn đã đem đến mùa giải đáng chờ đợi tại Etihad, và dĩ nhiên cũng là mùa hè đổi thay. Sự đổi thay ấy được thực hiện với niềm tin rằng những gì xuất hiện sẽ khác với trước đây. Khác nhưng cũng tuyệt diệu hơn. Đó là Pep Guardiola 3.0 ở Man City.
Nội dung: Khải Hưng
Thiết kế: Tuấn Huy