Người dân thân thiện, chủ nhà Campuchia ghi dấu ấn đậm nét
(Dân trí) - Người dân thân thiện, nồng hậu, khâu tổ chức nhiệt tình, quốc gia chủ nhà của kỳ SEA Games 32 ghi dấu ấn mạnh trong lòng truyền thông và du khách.
Cho đến thời điểm này, ngay trước giờ khai mạc SEA Games 32, không khí của Đại hội thể thao Đông Nam Á đã rộn rã trên khắp các phố phường Phnom Penh (Campuchia).
Người dân xứ sở Chùa Tháp háo hức và tự hào với kỳ đại hội thể thao lớn đầu tiên được tổ chức trên mảnh đất của họ. Trên đường từ sân bay về trung tâm thành phố, anh tài xế Phaty luôn miệng nói với tôi về SEA Games.
Phaty giới thiệu: "Chúng tôi có sân vận động to lắm, nằm cách trung tâm khoảng hơn 20km. Anh muốn đến đấy luôn không? - Tôi chở anh đến sân".
"Anh cứ lưu số điện thoại của tôi lại, khi nào anh cần di chuyển xuống sân, cứ gọi cho tôi. Nhưng các trận bóng đá đều diễn ra xung quanh đây mà, anh đi coi bóng đá đi, đông vui lắm" - Phaty hồ hởi giới thiệu.
Trước đó, thông qua truyền thông, người dân Việt Nam có lẽ cũng đã được thấy cảnh cổ động viên (CĐV) Campuchia xếp hàng rồng rắn bên ngoài các điểm phát vé bóng đá như thế nào, để được sở hữu trên tay tấm vé vào xem đội nhà thi đấu ở SEA Games năm nay.
Các trận đấu của đội U22 Việt Nam cũng vậy. Không như những gì khán giả thấy trên truyền hình, sân không kín chỗ, thật ra số lượng người thực tế có nhu cầu xem đội bóng của HLV Philippe Troussier thi đấu rất lớn, đủ sức lắp đầy các khán đài sân Visakha (hay còn gọi là sân Prince) ở Phnom Penh, có sức chứa 15.000 chỗ ngồi.
Vì lý do an toàn, lực lượng an ninh xung quanh sân không dám để khán giả vào ồ ạt, nên số lượng người hâm mộ Việt Nam vẫn còn ở bên ngoài sân xung quanh hai trận đấu đầu tiên của U22 Việt Nam (gặp Lào và Singapore) rất đông.
Để tránh quá tải, chủ nhà Campuchia cho dựng các màn hình LED khổng lồ ở các điểm công cộng (bên ngoài các sân vận động, dọc 2 bên bờ sông, trước khu vực chợ đêm…). Đấy là chủ trương của Thủ tướng Campuchia, ông Hun Sen, với mục đích giúp cho mọi người có nhu cầu đều có thể xem tường thuật SEA Games.
Cách đây vài ngày, ông Hun Sen còn nhắc các đài truyền hình ở Campuchia phải phát sóng các trận của các đội nước ngoài thi đấu, chứ không chỉ phát các trận đấu của đội chủ nhà.
Người Campuchia tự hào về SEA Games và họ muốn mọi thứ diễn ra tốt nhất trong khả năng có thể, muốn được phục vụ chu đáo nhất những ai ghé đến Campuchia trong dịp này, nhất là đến Campuchia vì SEA Games.
Ở sân bay Phnom Penh, tôi hỏi một tình nguyện viên về phương tiện di chuyển đến khu liên hợp thể thao quốc gia Morodok Techo, cô gái tên Ponnleu cho biết: "Hiện chúng tôi không tổ chức xe buýt con thoi (Shuttle Bus) đưa anh về thẳng Morodok Techo, nhưng chúng tôi chuẩn bị đón các VĐV Malaysia ở đây rồi đưa về đó. Nếu anh không ngại, anh có thể đi cùng".
Tôi không lên chuyến xe ấy, nhưng những lời giải thích như thế khiến người nghe luôn cảm thấy ấm lòng. Không phải ở chuyện đi hay không đi một chuyến xe, mà ở chỗ người nghe cảm nhận được sự nhiệt tình từ người được hỏi, cảm nhận được rằng họ thật lòng muốn giúp mình.
Sự nhiệt tình, nồng hậu cũng là từ có thể miêu tả chung về các tình nguyện viên tại SEA Games 32. Anh bạn trẻ Seang Kimsinh luôn miệng nói lời "xin lỗi" vì không thể in thẻ tác nghiệp cho tôi được sớm hơn (để hoàn tất việc in thẻ nếu chưa nhận được thẻ tại Việt Nam, phải mất vài tiếng làm việc ở trung tâm báo chí SEA Games tại Campuchia).
Dĩ nhiên, lỗi không ở anh ấy. Với số lượng phóng viên, quan chức, tình nguyện viên xuất hiện cùng lúc vào thời điểm này lên đến vài trăm, thậm chí hàng ngàn, không phải cứ nói in và kích hoạt thẻ là làm được ngay lập tức.
Nhưng tại sao họ vẫn nói những từ ngữ ấm lòng như thế, vì họ mến khách, vì họ thật sự trân trọng những người từ khắp nơi đến Campuchia để làm nhiệm vụ, cùng nhau chứng kiến đất nước Campuchia nồng hậu như thế nào, nghiêm túc như thế nào cho một kỳ SEA Games mà họ chơi đẹp chưa từng thấy (miễn phí ăn, ở cho các VĐV, HLV, miễn phí vé cho CĐV), trước khi nét đẹp của đất nước Campuchia từ đây lan xa!