Mức giá 7 tỷ đồng bản quyền King’s Cup và chiêu trò thương mại

(Dân trí) - Sau khi xuất hiện thông tin giá bản quyền truyền hình King’s Cup được chào bán ở Việt Nam với giá vào khoảng 7 tỷ đồng, chuyên gia trong nước cho rằng Thái Lan quá khôn ngoan, trong việc chọn khách mời và thổi sức nóng, cũng như thổi giá của King’s Cup lên cao vút.

Ngày hôm qua, nhiều tin đồn xuất hiện về việc một đơn vị ở Việt Nam đã mua bản quyền King’s Cup 2019 với mức giá 280.000 USD (gần 7 tỷ đồng). Đây được coi là số tiền bản quyền kỷ lục của giải đấu này, khi bản quyền King’s Cup các năm trước chỉ dao động ở mức 40.000 USD.

Dư luận có khá nhiều ý kiến trái chiều bởi dù sao đây cũng chỉ là giải đấu giao hữu và chỉ có hai trận đấu có sự tham gia của đội tuyển Việt Nam. Sự quan tâm của người hâm mộ Việt Nam cho King’s Cup không phải quá lớn, nếu so với ảnh hưởng của AFF Cup 2018 hay Asian Cup 2019.

Giới chuyên môn đánh giá truyền thông Thái Lan đã quá khôn ngoan để nâng cao giá trị tại thị trường Việt Nam trước khi bán lại cho đối tác với giá "cắt cổ". Bên cạnh đó, tính xác thực của thông tin bản quyền King's Cup 2019 được đơn vị Việt Nam mua với giá gần 7 tỷ đồng vẫn còn phải đặt dấu hỏi.

Mức giá 7 tỷ đồng bản quyền King’s Cup và chiêu trò thương mại - 1

Thái Lan muốn gặp đội tuyển Việt Nam tại King's Cup là có lý do

Cựu HLV Đoàn Minh Xương nhận định: “Tôi cho rằng đây là bài toán quá khôn ngoan của những người làm bóng đá Thái Lan, với mức giá 7 tỷ đồng cho chỉ cho 2 lượt trận đấu của một giải giao hữu”.

“Đúng là làm bóng đá bây giờ không chỉ là làm chuyên môn, mà còn là làm thương mại và làm thương hiệu. Giá trị thương mại của King’s Cup được đẩy lên cao vùn vụt sau khi Thái Lan mời các đội tuyển Ấn Độ và Việt Nam tham dự giải” – ông Xương phân tích thêm.

Ở Asian Cup 2019, Thái Lan từng bất ngờ thua đậm Ấn Độ ở vòng bảng. Còn từ năm 2018 đến nay, Thái Lan liên tục thua bóng đá Việt Nam ở sự thể hiện và thành tích cụ thể ở các giải đấu quốc tế.

Điều đó khiến cho nhu cầu được sớm đối đầu với các đội tuyển Ấn Độ và đội tuyển Việt Nam càng tăng cao với người hâm mộ bóng đá Thái Lan.

Cựu HLV Đoàn Minh Xương phân tích thêm: “Thái Lan khi họ mời đội tuyển Việt Nam và đội tuyển Ấn Độ dự King’s Cup, họ đã dự báo giải đấu sẽ nóng lên. Họ đánh đúng vào quy luật thị trường, rằng cái gì mà người ta cần, cái gì đang nóng thì dễ bán, bán với giá cao”.

“Đây là chiêu trò làm thương mại của những người tổ chức King’s Cup, đặt những đối tác quan tâm đến giải đấu vào thế phải chạy đua về giá để mua bản quyền phát sóng. Với sức nóng của trận Thái Lan – Việt Nam mà báo chí Thái Lan cứ thổi lên trong thời gian qua, phía nhà tổ chức đúng là tha hồ hét giá” – vẫn là lời cựu HLV Đoàn Minh Xương.

Ngoài ra, ông Xương nhận định tiếp: “Tôi cho rằng việc Thái Lan muốn King’s Cup có đội tuyển Ấn Độ và đội tuyển Việt Nam dự giải, sau đó còn tổ chức bốc thăm lại để gặp đội tuyển Việt Nam tại bán kết không chỉ đơn thuần rằng họ muốn đòi nợ về chuyên môn, đòi nợ cho các trận thua ở những giải trước, mà còn tập trung vào tính thương mại của giải”.

King’s Cup chỉ diễn ra với 2 lượt trận, vào đầu tháng 6 tới đây, cụ thể có 2 cặp đấu bán kết giữa Thái Lan gặp đội tuyển Việt Nam và giữa Curacao gặp Ấn Độ. 2 đội thắng ở bán kết vào đá chung kết, còn 2 đội thua ở bán kết sẽ đá trận tranh hạng ba.

Trọng Vũ (ghi)

Mức giá 7 tỷ đồng bản quyền King’s Cup và chiêu trò thương mại - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm