1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Mèo trắng hay đen, miễn là bắt được chuột

(Dân trí) - Mới đây, nghe rộ lên một ý tưởng rất bùi tai: Hợp pháp hoá việc cá độ bóng đá. Ngay sau khi ý kiến này được đề xuất, dư luận đã bàn tán xôn xao. Nhưng một trong những chủ đề được bàn luận nhiệt tình nhất lại là chọn cái tên gì cho “trò chơi dân gian” này.

Đầu tiên, người ta định đặt cho nó cái tên cá cược hay cá độ cho đúng với nghĩa “nguyên bản” của nó. Nhưng sau lại thôi vì cái nghĩa “nguyên bản” này đã bị “tiêu cực hoá” đi quá nhiều sau những sự vụ kiểu như Bán độ của một số cầu thủ U23 VN tại SEA Games 23 hay mới đây là vụ cá độ hàng triệu đôla của mấy vị quan chức lắm tiền.

 

Chính vì vậy mà sau một hồi đắn đo cân nhắc, từ “đặt cược” xem ra được ưu ái hơn cả. Dù bản chất chẳng khác gì nhau nhưng nghe cái từ này sao mà nó “dễ thương” hơn (có lẽ do nó hay được dùng cho việc đặt cược điểm trong các trò chơi truyền hình).

 

Nhưng xem ra, chuyện đặt cho nó cái tên gì thì cũng có quan trọng lắm đâu, quan trọng là tiến hành nó như thế nào. Nó là con mèo chưa có màu, bảo nó trắng thì nó trắng, bảo nó đen thì nó đen, nhưng làm sao cho nó bắt được chuột mới khó.

 

Việc làm này còn mới mẻ với nước ta, nhưng đã chẳng còn gì xa lạ với dân ta. Không có các dịch vụ “đặt cược” hợp pháp, dân ta đã có nhiều “động” phi pháp. Và tiền dân cứ thế chui vào tay các ông trùm cá độ.

 

Thậm chí, còn có người quả quyết rằng những vụ cá cược “triệu đô” kia thì không thể là tiền cá nhân, vì ở một nước nghèo như VN, thu nhập hợp pháp hàng triệu đôla xem ra là điều không tưởng.

 

Và cái chuyện cá độ này nó chỉ phi pháp bởi vì nó chưa có trong luật thôi, nhưng cũng chẳng có điều luật cụ thể nào ngăn cấm nó cả, vì dân cá độ nếu bị bắt thì lại bị quy vào tội đánh bạc cơ mà.

 

Xem ra, từ “cá độ” đến “đánh bạc” còn xa gấp mấy lần từ “cá cược” đến “đặt cược”, vậy mà ta vẫn làm được, vậy cái tên mới này xá gì.

 

Chuyện hợp pháp hoá đặt cược bóng đá không khỏi khiến người ta nhớ lại việc cho phát hành xổ số lô-tô vài năm trước đây. Nói cho cùng 2 việc này không khác gì nhau, đều là việc bổ sung thêm vào luật những điều trước nay chưa có.

 

Chưa có là chưa có trong luật, còn dân tình thì đã quá quen thuộc, quen đến nỗi người ta làm những việc như ghi đề, đánh lô-tô (tư nhân) hay cá cược bóng đá một cách “vô tư” như chẳng hề có gì là sai trái cả.

 

Nói như vậy, có lẽ luật ta đang chạy theo thực trạng xã hội, khi mà cái thực trạng đó đã phát triển mạnh quá đến nỗi không còn kiểm soát nổi.

 

Xét về mặt bản chất, như vậy là luật pháp đã không đảm nhận tốt vai trò của mình, nhưng có một việc nhỏ hơn cần phải nghĩ, đó là liệu “đặt cược Nhà nước” có giúp dẹp bỏ được tình trạng “cá độ tư nhân” hay không?

 

Chuyện này thì đợi tương lai trả lời, vì việc áp dụng “chiêu” này vẫn còn dè dặt lắm. Nhưng quay lại chuyện lôtô  và số đề, lại thấy sợ một tiền đồ không quá sáng sủa đặt cược bóng đá.

 

Sau mấy năm lô-tô đi vào hoạt động, loại hình xổ số này không mấy thu hút sự quan tâm của người dân, mà ngược lại, lô đề tư nhân lại phát triển mạnh hơn về quy mô lẫn loại hình.

 

Giới “đề đóm” cho đến “hàng nước ven đường” không ai không biết bao nhiêu hình thức lô đề mới ra đời: “lô xiên”, “lô trượt”, “đề truyền thống”, “lô 3 chữ”…

 

Với các hình thức đa dạng như thế, trách sao “tư nhân” chẳng lấn lướt “Nhà nước” trong “cuộc đua” này.

 

Tương tự, sợ rằng việc đặt cược bóng đá cũng sẽ sớm trở thành “cuộc chơi của những người nghèo”. Nỗi lo này có 2 lý do. Về phía Nhà nước, dù muốn dù không, chúng ta cũng không thể đặt ra những mức cược quá cao so với thu nhập “trên giấy tờ” của người VN. Làm như thế e lại khiến những người có thu nhập “sạch” chạnh lòng.

 

Còn về phía người tham gia, chắc cũng chẳng ai dũng cảm đến mức dám đứng ra đặt những cọc tiền quá lớn, vì làm như thế e lại sợ những liên luỵ ngoài bóng đá.

 

Nước ta sẽ cho phép đặt cược, nhưng làm sao cho phép những khoản “thu nhập bất thường” hàng triệu đôla mà không biết rõ nguồn gốc?

 

Không biết rồi ý định tốt đẹp này sẽ được triển khai đến đâu, hay lại “việc ông ông làm, việc tôi tôi làm” thì nghĩ cũng vô ích. Không khéo “con mèo” này lại được sinh ra để bắt những “con chuột tép riu”.

 

Hồng Kỹ