Maria Sharapova và 10 scandal doping chấn động làng thể thao
(Dân trí) - Ngày hôm qua, Maria Sharapova đã công khai đã sử dụng chất cấm “meldonium”. Tuyên bố của cô đã khiến cả làng banh nỉ chấn động. Lịch sử thể thao chứng kiến không ít cú sốc như vậy khi VĐV hàng đầu sử dụng doping.
Justin Gatlin hai lần bị cấm thi đấu vì sử dụng doping
Floyd Landis bị tước áo vàng Tour de France 2006
Chỉ 5 ngày sau khi giành vô địch Tour de France 2006, Floyd Landis bị phát hiện có tỷ lệ “testosterone/epitestosterone bất thường” ở mẫu thử ở chặng 17. Kết quả, tay đua này đã bị tước áo vàng và đồng thời bị cấm thi đấu 2 năm. Trước khi Lance Armstrong bị “đưa ra ngoài ánh sáng”, đây là scandal doping gây sốc nhất làng đua xe đạp.
89 VĐV bị phát hiện sử dụng doping ở giải bóng chày Mỹ
Theo kết quả điều tra của cựu Thượng nghị sĩ Mỹ George Mitchell ở giải bóng chày Mỹ vào năm 2003, có 7% VĐV có mẫu thử dương tính với chất cấm. Sau đó, ông đã công khai 89 VĐV “nhúm chàm”, trong đó có cả huyền thoại Barry Bonds.
Vụ điều tra Operation Puerto
Cuộc điều tra kéo dài 7 năm có tên Operation Puerto nhắm vào bác sĩ người Tây Ban Nha, Eufemiano Fuentes đã mang tới kết quả chấn động. Người đàn ông này cùng em gái của mình đã mở ra trung tâm để… cung cấp các chất cấm như EPO, testosterone, hormone tăng trưởng và insulin cho những VĐV có nhu cầu. Điều đáng nói, sau đó, Tòa án Tây Ban Nha đã không truy cứu tới cùng vụ này và chỉ phạt bác sĩ Eufemiano Fuentes 1 năm án tù treo. Đây là vụ điều tra doping lớn nhất trong lịch sử làng thể thao nhưng rõ ràng, án phạt cuối cùng lại không làm hài lòng mọi người.
Bê bối BALCO
Tháng 6/2003, nhà chức trách Mỹ nhận được nhiều cuộc điện thoại tố cáo một vài VĐV hàng đầu của nước này đã sử dụng loại doping mới do phòng thí nghiệm BALCO cung cấp. Kết quả, sau cuộc điều tra sau đó, nhiều VĐV nổi tiếng như hai VĐV điền kinh Marion Jones (bị tước 3 HCV Olympic), Tim Montgomery (cấm thi đấu 2 năm) hay VĐV bóng chày, Barry Bonds.
Ở World Cup 1994, huyền thoại bóng đá Diego Maradona đã bị đuổi khỏi giải sau khi bị phát hiện dương tính với chất Ephedrine. Sau scanal này, ông đã chính thức nói lời chia tay sân cỏ.
Scandal doping của Đông Đức
Cuộc điều tra cho thấy trong gần 2 thập kỷ (năm 1970-1989), hàng nghìn VĐV của Đông Đức đã bị ép sử dụng Anabolic Steroid (tăng trưởng cơ bắp, thúc đẩy phân chia tế bào…) để giành thành tích cao ở đấu trường quốc tế. Nó để lại hậu quả vô cùng nghiêm trọng, khiến cho nhiều VĐV mất cân bằng nội tiết tố, vô sinh ở nữ hay bị ung thư… Tới năm 2007, Ủy ban Olympic Đức đã thông báo bồi thường cho những nạn nhân của vụ này số tiền 2,7 triệu euro.
Ben Johnson bị tước HCV Olympic 1988
VĐV người Canada, Ben Johnson đã giành Huy chương vàng nội dung 100 mét ở Olympic 1988 với thành tích 9’79. Nhưng sau đó, ông đã bị phát hiện dương tính với chất stanozolol (giúp phát triển cơ bắp) và ngay lập tức đã bị tước Huy chương vàng
Tay đua Lance Armstrong bị tước 7 chức vô địch Tour de France
Tấm gương sáng về nỗ lực vượt qua căn bệnh ung thư để vươn lên giành thành tích cao của Lance Armstrong đã sụp đổ vào năm 2012, khi cua-rơ này bị phát hiện đã rất nhiều lần tránh được những đợt kiểm tra doping trong quá khứ. Thậm chí, theo lời khai của 26 nhân chứng, Lance Armstrong đã ép đồng đội làm theo những kế hoạch “trốn tránh” kiểm tra doping của mình (như việc cung cấp lời khai giả). Tượng đài lớn nhất làng đua xe đạp đã sụp đổ theo cách không thể tồi tệ hơn.
Scandal doping làng điền kinh Nga
Năm ngoái, cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) vừa công bố bản báo cáo dài 335 trang về “Chương trình doping được nhà nước bảo trợ” tại Nga. Ngoài ra, cơ quan này còn tố cáo ông Grigory Rodchenkov, Giám đốc trung tâm xét nghiệm doping Moscow đã ra lệnh hủy 1417 mẫu thử doping của các VĐV Nga trước khi WADA cử nhóm điều tra tới trung tâm này hồi tháng 12/2014. Ngay sau đó, Liên đoàn điền kinh thế giới đã cấm VĐV Nga thi đấu ở mọi giải đấu quốc tế (bao gồm Olympic 2016).