Man Utd thua sốc: Không sa thải Solskjaer thì đến bao giờ?
(Dân trí) - Dù Man Utd mới thua trận đầu ở Premier League nhưng nó đã đẩy CLB xuống đáy thất vọng. Nó có thể đẩy nhanh quá trình "bay ghế" của HLV Solskjaer.
"Thật không may, việc đưa ra quyết định của VAR lại khiến chúng tôi phải trả giá đắt" - HLV Solskjaer chia sẻ sau trận đấu với Aston Villa. Tất nhiên, theo tâm lý chung của con người, việc tìm cớ để lý giải cho thất bại cũng là điều… bình thường.
Thế nhưng, để ý thấy, trong thời gian qua, Solsa đã nói nhiều hơn. Cách đây vài ngày, ông đổ lỗi cho việc Man Utd không được hưởng phạt đền vì… HLV Jurgen Klopp (phàn nàn về việc Man Utd hưởng nhiều phạt đền ở mùa trước). Và rồi, ông cũng được toại nguyện ở trận đấu Aston Villa. Rồi thì sao? Dù Bruno Fernandes đá hỏng nhưng nó không nghĩa rằng nó là lý do biện minh cho những yếu kém của Man Utd.
Và khi một HLV bắt đầu nói nhiều hơn, phàn nàn nhiều hơn, có nghĩa rằng đội bóng của họ đang gặp bất ổn. Đơn giản, nếu mọi thứ trơn tru, không ai phàn nàn về… thành công của mình. Động thái của chiến lược gia người Na Uy chỉ để chứng minh một điều rằng, Quỷ đỏ đang "rối trí" thực sự khi đã thua 3/4 trận gần nhất.
Nhiều người cho rằng Solskjaer thật may mắn khi đón C.Ronaldo, Varane, Sancho… trong mùa Hè qua nhưng rõ ràng, chuyện gì cũng có hai mặt của nó. Càng đón nhiều ngôi sao, sức ép lên chiếc ghế của Solsa càng lớn hơn.
Nhưng rõ ràng, thực tế chứng minh, Solskjaer không đủ tầm để biến tập thể toàn sao trở nên lung linh hơn. Đây không phải là lần đầu tiên, người ta nói về điều này. Man Utd dưới thời Solskjaer là một vòng tuần hoàn. Thất vọng cùng cực - sắp bị sa thải - hồi sinh mạnh mẽ - tương lai an toàn - thất vọng cùng cực…
Để chế ngự con hổ, ít nhất bạn cần phải dũng cảm và thông minh hơn nó. Để giúp các ngôi sao lấp lánh, bạn phải có tố chất của vị thủ lĩnh. Solskjaer không có điều đó. Hay nói đúng hơn, "lá gan" và cả tham vọng của ông không đủ lớn để giúp vươn tầm tập thể lên tầm vĩ đại như người thầy của ông, Sir Alex Ferguson.
Có một điều ai cũng có thể nhận ra, Man Utd luôn gặp khó khi đối đầu với những đối thủ chủ trương chơi phòng ngự số đông. Tất nhiên, Solskjaer không thể đổ lỗi cho ai cả, ngoài chính ông vì sự yếu kém này.
Dù có đội hình gồm nhiều tiền vệ tấn công tốt, nhưng Solsa vẫn "ôm khư khư" lối tư duy cũ kỹ của mình, đó là việc bố trí tới hai tiền vệ phòng ngự là Fred và McTominay (hoặc Matic). Trong 8 trận đấu của Quỷ đỏ ở mùa này thì có 6 trận HLV người Na Uy sắp xếp như vậy.
Câu hỏi đặt ra là vì sao trước những đối thủ chủ trương lùi sâu như Southampton, Aston Villa… Man Utd vẫn phải đá như vậy. Chính tâm lý chắc ăn của Solskjaer đã góp phần khiến Man Utd ngày càng trở nên bế tắc.
Thậm chí, ở trận gặp Aston Villa hôm qua, dù Man Utd đã bế tắc cùng cực trong cả trận đấu nhưng tới tận phút 81, Solsa mới rút McTominay rời sân để nhường vị trí cho Cavani, để tăng cường sức tấn công.
Có quá nhiều lần, giới chuyên gia đã nói về sự điều chỉnh quá thận trọng, tới mức chậm chạp của HLV Solskjaer. Có một thực tế rằng, dưới thời của HLV người Na Uy, Man Utd chưa bao giờ thể hiện tố chất của cửa trên, muốn "bóp nghẹt" đối thủ trong nỗi sợ hãi.
Điển hình là ở trận đấu với Young Boys, Man Utd bỗng dưng lùi sâu phòng thủ, nhường cả thế trận cho đối thủ khi mất người. Tâm lý ấy chỉ xuất hiện ở những kẻ nhược tiểu. Với đội bóng lớn, đôi khi chỉ cần cái uy, cũng đủ khiến những "kẻ bé nhỏ" như Young Boys sợ hãi và không dám dồn ép như vậy.
Một món đồ quý chỉ có thể phát huy tác dụng nếu đặt vào tay người biết sử dụng. Còn với những kẻ không biết, dù nó có quý thế nào thì cũng không hiểu giá trị. Với tầm của Solskjaer, ngay cả khi trao cho ông cả đội hình nạm vàng, thì tình hình vẫn… vậy thôi.
Man Utd đã đặt trọn niềm tin vào Solskjaer trong những năm qua nhưng rõ ràng, đã đến lúc, họ cần nhân vật tầm cỡ hơn, biết nghĩ lớn hơn để làm nên chuyện.