Lối chơi riêng cho các đội tuyển Việt Nam: Cái khó… bó cái khôn

(Dân trí) - Thái Lan và thậm chí Singapore trong nhiều năm qua đều đã định hình phong cách riêng, trong khi các đội tuyển bóng đá Việt Nam cứ mỗi đời HLV lại thay đổi một phong cách và một lối chơi.

Chưa thấy phong cách riêng

Có lẽ cũng không cần đặt vấn đề xa xôi, ngay ở Đông Nam Á, một số nền bóng đá trong khu vực nhiều năm qua đã hình thành lối chơi riêng, phong cách riêng rất rõ ràng. Ví dụ như các đội bóng Singapore ở mọi cấp độ đều đá theo phong cách của bóng đá châu Âu, thiên về sức mạnh và thiên về bóng bổng.

Bóng đá Malaysia cũng tương tự như vậy, trong khi các đội tuyển của Thái Lan chuộng lối chơi la-tinh, ban bật ngắn, đá nhanh, dựa trên nền tảng thể lực và kỹ thuật tốt (so với mặt bằng bóng đá Đông Nam Á và châu Á).

Nhờ lối chơi riêng và việc định hình phong cách riêng mà các đội bóng của Singapore hay của Thái Lan tạo được sự xuyên suốt qua nhiều thế hệ khác nhau.

Những gì mà chúng ta thấy nơi đội tuyển U19 Thái Lan ở giải U19 Đông Nam Á vừa kết thúc cũng là những gì mà chúng ta vẫn được thấy nơi đội tuyển U23 Thái Lan tại SEA Games, hoặc đội tuyển quốc gia xứ Chùa Vàng ở AFF Cup, hay vòng loại World Cup. Họ có cùng một phong cách chơi bóng.

 

dtvn-tl-7-9-15-1441603501844
Khác với bóng đá Thái Lan, bóng đá Việt Nam chưa đủ nguồn lực để xây dựng lối chơi mang phong cách riêng cho các đội tuyển (ảnh: Gia Hưng)

 

Nhờ tạo được lối chơi chủ đạo mà các cầu thủ trẻ Thái Lan khi lên đối tuyển rất dễ bắt nhịp với lối chơi chung của các đàn anh, do họ đã được tiếp cận với cách chơi quen thuộc này ngay khi còn nhỏ.

Điều đó giúp cho họ tránh được sự lạc lỏng, dễ tìm được kết dính và dễ tìm thấy công thức chung, tìm thấy nhau trong thi đấu, trong các pha phố hợp.

Đáng tiếc rằng những gì mà các nền bóng đá trong khu vực làm được thì bóng đá Việt Nam chưa làm được. Các đội tuyển Việt Nam dưới mỗi thời HLV khác nhau lại xài một lối đá hoàn toàn khác nhau, rồi đội trẻ lại không giống với đội tuyển quốc gia, khiến cho cứ mỗi thời HLV, thậm chí từng đợt tập trung lại gần như làm lại từ đầu.

Cái khó… bó cái khôn

Cái khó nhất đối với các đội tuyển Việt Nam, cũng như từng HLV nắm các đội tuyển Việt Nam nằm ở chỗ bóng đá nội ngày càng khó khăn về mặt con người. Thành ra, các HLV buộc phải làm cái việc là xây dựng lối chơi phù hợp nhất cho chỉ khoảng vài chục cầu thủ trong từng giai đoạn nắm các đội tuyển.

Khi may mắn có một nhóm cầu thủ giàu kỹ thuật, chúng ta xây dựng lối đá dựa trên kỹ thuật. Còn lúc sở hữu nhóm cầu thủ không giàu kỹ thuật, thì buộc phải sử dụng bóng dài nhiều hơn, theo kiểu chạy nhiều ra vấn đề.

Thông tin U19 Thái Lan tuyển quân tham dự giải Đông Nam Á với hơn cả ngàn hồ sơ dự tuyển, của các cầu thủ đến từ nhiều lò đào tạo trẻ của nhiều CLB khác nhau, càng khiến cho những người quan tâm đến bóng đá Việt Nam thêm chạnh lòng.

Đặt trường hợp bóng đá nội có nguồn lực lớn cỡ đó, có thể chúng ta sẽ dễ dàng hơn trong việc tính đến chuyện xây dựng lối chơi mang bản sắc riêng.

Và để tạo nên nguồn lực lớn về cầu thủ trẻ như người Thái đang có, bóng đá Việt Nam cần nhiều hơn những lò đào tạo trẻ khác nhau, cần nhiều hơn những CLB làm tốt công tác đào tạo trẻ (vì nói cho cùng nhiệm vụ đào tạo trước tiên phải thuộc về từng CLB).

Vai trò của những người điều hành bóng đá nội, cụ thể là của VFF ở đây là tạo định hướng trong việc đào tạo trẻ, như siết chặt quy định với các CLB, biến việc đào tạo trẻ ở từng CLB trở thành tự giác.

Quy định đấy phải rõ ràng, chứ không phải kiểu làm cho có và dễ xí xóa như cho đến thời điểm này. Đã gọi là siết chặt khâu đào tạo trẻ thì không thể vì một hay một vài CLB tuyên bố bỏ giải trẻ này khác là lại đi sửa quy chế bóng đá chuyên nghiệp, hòng giúp các CLB lách luật.

Cũng nên siết lại chuyện các đội bóng cứ mượn quân của nhau để đá các giải trẻ cấp quốc gia, bởi làm thế cũng chỉ là đối phó, chứ không phải nâng chất các lò đào tạo.

Chứ như bây giờ, khi không đủ tiềm lực về mặt con người, các đội tuyển Việt Nam, hay nói rộng ra là bóng đá Việt Nam muốn định hình phong cách riêng cũng khó. Với chừng này con người, khi nguồn nhân lực cầu thủ không dồi dào thì quả là cái khó nó bó cái khôn, các HLV lo “liệu cơm gắp mắm” là chính, chứ không đủ nhân lực để tính chuyện xây dựng phong cách riêng!

Kim Điền

 

logobanthethao-840e5