1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Lionel Messi và con cờ "chính trị" tại Barcelona

H.Long

(Dân trí) - Không phải ngẫu nhiên khi thông tin về mức lương của Messi lại bị phơi bày trên mặt báo. El Pulga có thể được sử dụng như con cờ "chính trị" của những ứng cử viên chạy đua về ghế Chủ tịch CLB.

Nội bộ Barcelona bỗng dưng nổi sóng

Chỉ vài ngày sau khi Barcelona công bố khoản nợ lên tới 1,2 tỷ euro (730 triệu euro nợ ngắn hạn), một "quả bom" khác đã thực sự là rung chuyển đội bóng. Trên trang nhất của tờ El Mundo, thông tin về mức lương "siêu khổng lồ" của Messi được phơi bày.

Lionel Messi và con cờ chính trị tại Barcelona - 1

Trang nhất của tờ El Mundo đăng tải thông tin chi tiết về mức lương của Messi, khiến cho nội bộ Barcelona nổi sóng

Con số 555.237.619 euro chính là "quả bom" ấy. Nó xuất hiện một cách to bất thường ngay trên trang nhất của tờ El Mundo, đủ để kích thích thị giác của bất kỳ ai. Và con số gây ám ảnh thực sự. Trong đó, Messi đã nhận được mức lương 138 triệu euro mỗi năm, phí lót tay 115,225 triệu euro và phí trung thành 77,93 triệu euro.

Nếu xét trên mặt bằng chung của làng túc cầu, đó là mức lương có nuôi cả một đội bóng tầm trung. Hay làm một phép so sánh khác. Lương của C.Ronaldo sau khi trừ thuế ở Juventus vào khoảng 31 triệu euro/năm, tức chưa bằng một nửa lương của Messi sau thuế. Đương nhiên, trong làng túc cầu, không có cầu thủ nào có thể nhận mức lương khủng khiếp như vậy.

Nhưng có chi tiết khiến nhiều người vẫn thắc mắc, tại sao con số chi tiết về mức lương của Messi lại được tiết lộ ngay sau khi CLB thông báo khoản lỗ 1,2 tỷ euro. Điều ấy khiến nhiều người tạo nên phép so sánh. Ví dụ như số tiền Barcelona trả cho Messi trong 3 năm qua bằng một nửa số nợ của CLB phải trả. Kéo theo đó là nhiều sự so sánh còn khủng khiếp hơn thế như việc Barcelona đang mang nợ vì "nuôi" Messi.

Một câu hỏi khác là tại sao tờ El Mundo lại có những con số chi tiết đến vậy? Đáng ra mọi thứ phải được bảo mật. Đơn giản, nó không có lợi cho Barcelona cũng như Messi ở thời điểm này, nhất là khi El Pulga sắp hết hạn hợp đồng với đội bóng. Rõ ràng, đã có sự nghi vấn đề việc chính nội bộ của Barcelona (hay nói đúng hơn là những người có quyền lực tại CLB) mới đủ sức làm việc ấy.

Tất nhiên, khi chưa tìm ra kẻ "đứng đằng sau giật dây" sẽ có nhiều mối nghi ngờ gây ảnh hưởng không tốt ở nội bộ CLB, vốn đã rất bất ổn trong thời gian qua. Kể từ khi Chủ tịch Bartomeu từ chức, chiếc ghế cao nhất ở Barcelona vẫn còn bỏ trống (ông Carles Tusquets chỉ tạm quyền). Đó mới là vấn đề chính. Có lẽ, những bất ổn cũng xoay quanh cuộc chạy đua vào vị trí đầy quyền lực này.

Lionel Messi và con cờ chính trị tại Barcelona - 2

Thông tin bản hợp đồng của Messi được đăng tải ở thời điểm ngay sau khi Barcelona công bố khoản nợ 1,2 tỷ euro có thể không phải là sư tình cờ

Messi chỉ là "nạn nhân" của bàn cờ "chính trị"

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, cuộc chạy đua vào ghế Chủ tịch sẽ được quyết định bởi... Messi. Tất nhiên, El Pulga không có quyền hành to lớn tới vậy nhưng tương lai của cầu thủ này thì... có. Thành bại của Barcelona trong giai đoạn mới sẽ phụ thuộc vào việc CLB giải quyết tương lai của Messi ra sao.

Ở thời điểm này, những ứng cử viên chạy đua chia làm hai phe. Phe đầu tiên ủng hộ Messi, gồm Victor Font, Joao Laporta. Ở phe còn lại gồm những người chủ trương xây dựng Barcelona ở thời kỳ mới "không Messi) gồm Emili Rousaud, Carles Tusquets...

Ngay sau khi thông tin về mức lương của Messi bị phơi bày, ông Victor Font tuyên bố: "Messi xứng đáng với mức lương trên. Kể cả Barcelona có vét sạch két sắt thì cũng phải giữ chân cậu ấy. Messi xứng đáng ở lại Barcelona mãi mãi".

Phe còn lại thì đã sớm có ý định đẩy Messi từ lâu. Chủ tịch tạm quyền Carles Tusquets (thân tín của Bartomeu) từng tuyên bố: "Nếu tôi nhậm chức sớm thì tôi đã bán Messi đi rồi". Emili Rousaud từng có phát biểu tương tự: "Nếu không chấp nhận giảm lương thì Messi cứ việc ra đi".

Thực tế, chiêu bài sử dụng truyền thông để "làm chính trị" ở Barcelona không phải là điều gì quá mới mẻ. Cựu Chủ tịch Bartomeu từng được cho là đã chi 1 triệu euro cho một công ty truyền thông, để chuyên đăng bài hạ thấp uy tín của Lionel Messi, Gerard Pique, HLV Pep Guardiola hay những tượng đài của CLB như Xavi, Iniesta và Puyol.

Sau này, ông Bartomeu đã "phủi sạch trách nhiệm" sang phó Chủ tịch Emili Rousaud. Và cũng trong cuộc đấu đá nội bộ hồi giữa năm ngoái, 6 thành viên của Ban lãnh đạo Barcelona đã phải từ chức vì... không chịu nổi cách làm việc của Chủ tịch Bartomeu.

Lionel Messi và con cờ chính trị tại Barcelona - 3

Oscar Grau (trái) và Carles Tusquets (phải) đang bị nghi ngờ liên quan tới vụ tiết lộ "thông tin mật" của Messi

Chia sẻ sau khi quyết định ở lại Barcelona, Messi cũng không ngần ngại tố Chủ tịch Bartomeu là "kẻ nuốt lời". Sau đó đã xuất hiện thông tin cho rằng Bartomeu đã bị "lật ghế" ở Barcelona vì tầm ảnh hưởng của Messi.

Có thể hiểu rằng phe muốn Messi ra đi đang cố gắng thuyết phục tất cả rằng El Pulga đang "hủy hoại" Barcelona khi nhận mức lương khổng lồ. Họ đang vẽ ra viễn cảnh CLB có thể trở lại thời kỳ hoàng kim sau khi chia tay siêu sao người Argentina.

Một vài nguồn tin ở Tây Ban Nha cho hay, Messi đang có ý định khởi kiện 5 người được cho làm "lộ thông tin mật". Ba trong năm người đó là cựu chủ tịch Josep Maria Bartomeu, ứng cử viên chạy đua ghế chủ tịch Oscar Grau, quyền chủ tịch của CLB, Carles Tusquets.

Xem ra Barcelona đang đối diện với cuộc chiến căng thẳng và đầy đau thương...