Liên đoàn bóng đá TP.HCM thay “tướng

(Dân trí) - Tại đại hội khóa 5 của LĐBĐ TPHCM (HFF) diễn ra sáng nay, ông Trần Anh Tú được bầu giữ cương vị chủ tịch, thay thế cho ông Trần Duy Long…

 

Trước đây, ông Trần Anh Tú được biết đến nhiều trong tư cách ông bầu của 2 CLB futsal nổi tiếng Thái Sơn Nam và Thái Sơn Bắc, đồng thời là người đi tiên phong trong việc phát triển futsal Việt Nam thời gian qua.

 

Ngoài vị trí chủ tịch của ông Trần Anh Tú, một số vị trí đáng chú ý khác của HFF nhiệm kỳ 5 (2012 – 2016) là ông Nguyễn Quang Hưng (giám đốc công ty Dentsu) làm phó chủ tịch, ông Trần Đình Huấn làm tổng thư ký.
 
Ông Tú (áo đen đứng giữa) nhận chức Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM
Ông Tú (áo đen đứng giữa) nhận chức Chủ tịch LĐBĐ TP.HCM

 

Nhìn lại khóa 4 vừa kết thúc, đấy là một khóa có khá nhiều biến động của bóng đá TPHCM. Khóa 4 có đến 2 người ngồi ở vị trí chủ tịch. Đầu tiên là ông Lê Hùng Dũng được bầu hồi đầu khóa (năm 2008). Ngồi được 3 năm thì ông Dũng xin rút, giao lại quyền chấp trưởng cho ông Trần Duy Long.

 

Khóa 4 của LĐBĐ TPHCM cũng là giai đoạn chứng kiến bóng đá thành phố “nhập khẩu” cho 2 đội bóng mới là Navibank SG (từ QK4) và Sài Gòn XT (từ XT Hà Tĩnh), bóng đá TPHCM có 2 chiếc cúp quốc gia trong 2 năm liền 2011 và 2012, chia đều cho 2 đội bóng vừa nêu. Nhưng đến cuối khóa, bóng đá TPHCM lại đứng trước nguy cơ trắng bóng đá đỉnh cao, khi chính Navibank SG và Sài Gòn XT hiện giờ chưa biết rõ tương lai.

 

Đấy có lẽ cũng là vấn đề điển hình của bóng đá Việt Nam hiện nay chứ không riêng gì bóng đá TPHCM. Các ông bầu đổi tên, sang quyền sở hữu và nhảy vào bóng đá dễ bao nhiêu thì họ cũng bỏ bóng đá dễ bấy nhiêu.

 

Và đấy cũng chính là bài toán đặt ra đối với những người điều hành bóng đá không chỉ ở TPHCM mà cả ở tầm quốc gia. Hiện tại thì nhiều người làm công tác điều hành bóng đá đang trách các ông bầu ăn xổi.

 

Đúng là nhiều ông bầu thích ăn xổi thật, nhiều người làm bóng đá nhưng không yêu bóng đá, đôi lúc làm vì cái danh, để đổi chác. Nhưng ở chiều ngược lại, nếu những người làm bóng quy định chặt chẽ ngay từ đầu rằng các ông bầu khi đầu tư vào bóng đá phải có những gì? Lộ trình ra sao? Bao nhiêu lâu thì có các tuyến trẻ quy củ? Bao lâu thì có sân tập riêng? Cần minh bạch các nguồn thu, chi?... thì có lẽ mọi việc đã khác.

 

Đằng này, từng có lúc người ngồi ở vị trí cao nhất của HFF khóa 4 rất hào hứng với chuyện “nhập khẩu” các đội bóng, vẽ đường cho họ sang tên quá dễ, mà không thấy các quy định ràng buộc tương xứng, thành ra bóng đá TPHCM giờ đứng trước nguy cơ trắng đỉnh cao mà HFF khóa vừa rồi hầu như bó tay.

 

Về những mục tiêu lớn trước mắt, tân chủ tịch HFF khóa 5, ông Trần Anh Tú cho hay: “Điều quan trọng là phải kêu gọi các nguồn lực từ xã hội, phát triển bóng đá học đường làm nền tảng cho việc phát triển bóng đá. Về chuyện bóng đá đỉnh cao, có lẽ chúng tôi sẽ làm việc với các ông bầu để biết họ thực sự tâm huyết đến đâu”.

 

Một loạt vấn đề khó đang hiện ra trước mắt tân chủ tịch HFF Trần Anh Tú, khi ông phải kế tục một di sản không lấy gì làm xán lạn từ những người tiền nhiệm.

 

Trọng Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm