1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Không có văn hóa từ chức ở VFF

(Dân trí) - Sức ép của dư luận và báo chí ngày càng lớn sau thất bại của đội tuyển Việt Nam, nhưng các quan chức ở VFF vẫn bình chân như vại. Từ chức với họ, dường như là điều gì đó quá xa xỉ và không có trong suy nghĩ ở thời điểm hiện tại.

Ở các nền bóng đá trên thế giới, sau mỗi thất bại, những quan chức Liên đoàn thường nhận trách nhiệm cao nhất và không ít phải từ chức vì không có đủ tự trọng để ngồi tiếp trên cương vị của mình. Thế nhưng với bóng đá Việt Nam lại khác, quả bóng trách nhiệm luôn đẩy sang cho HLV trưởng. Thất bại ở AFF Cup 2012 không phải ngoại lệ.

Lược qua một số quan chức VFF hiện tại, chỉ có 3 người là liên quan trực tiếp đến thất bại của đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) . Đầu tiên, TTK kiêm trưởng đoàn Ngô Lê Bằng là người đã theo sát đội tuyển trong suốt quá trình thi đấu. Sau mỗi thất bại, ông Bằng đều nhận lỗi trước người hâm mộ. Song, nếu đòi hỏi ông Bằng từ chức, cũng không công bằng và chẳng giải quyết được việc gì.
 
Ai sẽ theo chân HLV Phan Thanh Hùng từ chức sau thất bại ở AFF Cup? - Ảnh: Minh Phương

Ai sẽ theo chân HLV Phan Thanh Hùng từ chức sau thất bại ở AFF Cup? - Ảnh: Minh Phương

Ông Ngô Lê Bằng là người lên thay cho cựu TTK Trần Quốc Tuấn và nhiều khả năng sẽ thôi việc sau khi nhiệm kỳ kết thúc trong năm tới. Bản tính hiền lành, gần gũi cầu thủ, thậm chí ông Bằng nhiều lúc còn quên mình đang là một vị TTK kiêm trưởng đoàn, sẵn sàng chạy vào sân để...nhặt bóng cho các cầu thủ. Dù ít nhiều có trách nhiệm liên đới, nhưng có lẽ ít người trách ông Bằng khi không giúp được ĐTVN vượt qua những thời điểm khó khăn.

Tiếp theo, ông Phó Chủ tịch phụ trách phát ngôn Nguyễn Lân Trung, cũng khó có thể quy trách nhiệm. Tính ông Trung như thế nào thì ai cũng biết, luôn khiến không khí đội tuyển trở nên vui tươi, sôi nổi. Cũng vì cái tính đó của ông Trung nên dù VFF có xảy ra biến cố gì, thì ông vẫn là người vô can, ít bị ai chỉ trích.

Cuối cùng, chỉ có ông Hỷ là người phải chịu trách nhiệm nhiều nhất sau thất bại của ĐTVN. Người đứng đầu của VFF đã thoát nạn sau thất bại tại SEA Games 26 của thầy trò HLV Falko Goetz. Trước đó vào năm 2010, ông Hỷ cũng bình yên vô sự sau thất bại của ĐTVN tại AFF Cup tổ chức trên sân nhà. Giờ thì ông Hỷ đang đứng trước búa rìu dư luận vô cùng lớn, đòi ông phải từ chức.

Thế nhưng ở vị trí của ông Hỷ, dường như đã chịu áp lực quá quen nên những chỉ trích thời gian vừa qua, xem như chưa đủ sức nặng. Nói chính xác hơn là ông Hỷ đã “miễn dịch” với những phản ứng của dư luận và báo chí. Thậm chí vị chủ tịch VFF còn tự hào đang làm hết mình vì bóng đá Việt Nam.

Chẳng biết ông Hỷ làm hết mình như nào, chỉ biết từ sau thành công tại AFF Cup 2008, bóng đá Việt Nam cả ở cấp độ ĐTQG lẫn U23, đều thất bại đau đớn, trong khi giải quốc nội là V-League rơi vào cảnh lao đao vì cơn bão tài chính thời gian qua.

Là người có tiếng nói quyết định nhất đến sự phát triển của bóng đá nước nhà, nhưng thử hỏi ông Hỷ đã làm được những gì thời gian qua? Đòi hỏi ông Hỷ phải từ chức là rất chính đáng, chỉ có điều như đã nói ở trên, có lẽ báo chí và người hâm mộ cứ nói mãi, nói hoài, nói đến phát chán cũng chẳng làm ông Hỷ phải xấu hổ với bản thân mình.

Một năm nữa, nhiệm kỳ mới sẽ diễn ra và có lẽ chỉ đến khi đó, ông Hỷ mới chính thức nghỉ. Sau những biến cố liên tiếp xảy ra thời gian qua, thì ông Hỷ vẫn hạ cánh an toàn thì kể cũng bái phục tài né đòn của ông Chủ tịch. Song, điều đáng nể hơn cả, chính là ông Hỷ không có khái niệm văn hóa từ chức, điều mà những lãnh đạo như ông đáng lẽ phải hiểu rõ hơn ai hết.

Bằng Tường