1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Không có cơn sốt mang tên HA Gia Lai ở Cần Thơ

(Dân trí) - Lần đầu tiên trong mùa giải năm nay, người ta không còn thấy cảnh khán giả rồng rắn, thậm chí giành giật mua vé xem HA Gia Lai thi đấu. Cũng lần đầu tiên lứa U19 đá V-League giữa những khán đài trống hoác. Chi tiết ấy tự nó nói lên nhiều điều.

Bóng đá vẫn cần tính cạnh tranh

Có nhiều lý do dẫn đến chuyện sân Cần Thơ không sốt khi HA Gia Lai thi đấu. Có thể là do sân bóng đá này rộng, nên người xem có vào nhiều thì vẫn không kín. Nhưng giải thích như thế vẫn chưa thuyết phục, vì chính lứa cầu thủ này của bầu Đức từng khiến sân Cần Thơ với sức chưa gần 50.000 người trở nên quá tải cách nay vài tháng.

Người ta hay nói nhiều đến chuyện khán giả của HA Gia Lai, hay nói chính xác hơn là khán giả của lứa U19 lên cơn sốt với lứa này vì hiệu ứng đám đông, vì sự… tò mò.

Chưa biết nhận định trên chính xác đến đâu, chỉ có điều có thể khẳng định rằng với những ai từng tò mò về Công Phượng và các đồng đội ở đất Cần Thơ, họ đã được thấy lứa này 1 lần năm ngoái, nên với những ai đến với họ vì sự tò mò, những người này không nhất thiết phải lên cơn sốt một lần nữa lúc HA Gia Lai trở lại đất Tây Đô, vì đằng nào cũng được thỏa mãn sự tò mò hồi năm ngoái rồi.

Và nói cho cùng, HA Gia Lai từ đầu mùa đến giờ có đá hay đâu, để người ta quyết tâm xem bằng mọi giá?! Một đội bóng đụng đâu thua đó, thua theo đúng 1 kiểu lặp đi lặp lại thì có đáng gọi là hay? Có đáng xem?

HA Gia Lai càng thua nhiều thì sức hút dành cho họ càng giảm
HA Gia Lai càng thua nhiều thì sức hút dành cho họ càng giảm

Chính những trận thua và phong độ kém cỏi của đội bóng phố núi trong thời gian vừa qua góp phần khiến cho sức hút của đội bóng này giảm đi đáng kể.

Và rốt cuộc, bóng đá đỉnh cao nói riêng và thể thao đỉnh cao nói chung vẫn cần đến thành tích, vẫn buộc phải có sự cạnh tranh, sự ganh đua mới hấp dẫn. Có cạnh tranh và có ganh đua mới có tiền đề để phát triển.

Người ta không hiểu khái niệm “đá đẹp có thua cũng sướng!” cuối cùng sẽ phục vụ điều gì? V-League chắc chắn không phải là giải đấu giao hữu, nên không thể tồn tại tư tưởng người ta xem đấu trường ấy chỉ là nơi tập huấn, nơi mà một đội bóng đến với đấu trường ấy với tư tưởng chủ bại.

Tín hiệu đáng… mừng

Nói ra điều này có thể gây tranh cãi. Tại sao nên mừng khi sân Cần Thơ không sốt vì đội bóng của bầu Đức? Tại sao nên mừng khi khán giả không đông như chờ đợi?

Như chúng tôi từng nhiều lần đề cập, trong hàng loạt cơn sốt liên quan đến lứa U19 của bầu Đức trong khoảng 1 năm qua, nhiều người còn không phân biệt nổi đâu là tình yêu chân chính và đâu là fan… phong trào? Đâu là những người đến sân vì yêu bóng đá, và đâu là dạng khán giả đến sân chỉ đơn thuần vì hiệu ứng đám đông?

Nếu những cơn sốt về HA Gia Lai cứ tiếp diễn trong bối cảnh đội bóng của bầu Đức toàn thua và thua, có lẽ ngay chính những người làm bóng đá cũng hoang mang, như một số quan chức ở VFF đã từng ngộ nhận, rằng đâu mới là hướng phát triển đúng?! Người ta cần phát triển một đội bóng dựa trên chuyên môn, hay chỉ cần đánh bóng hình ảnh của đội bóng ấy với khán giả theo công nghệ lăng-xê của giới showbiz?

Đến vòng 7, với những gì mà chúng ta vừa thấy ở Cần Thơ, có lẽ phần đông người làm bóng đá đã có câu trả lời, rằng muốn phát triển kiểu nào thì phát triển, một đội bóng vẫn không thể đi ngược lại quy luật phát triển chung của bóng đá thế giới, đó phải mang tính cạnh tranh.

Người ta không thể đá bóng với tư tưởng có rớt hạng cũng không sao! Không thể nuôi dưỡng một đội bóng theo tư tưởng chỉ cần vẽ vời mà không màng đến kết quả!

Thử hỏi nếu toàn bộ 14 đội bóng của V-League đều ra sân với tư tưởng đá bóng để… chủ bại, không hề có tính cạnh tranh như HA Gia Lai, liệu V-League có giống giải phong trào hay không? Rồi bóng đá Việt Nam sẽ tiếp cận với quốc tế theo kiểu gì, một khi chúng ta triệt tiêu tính cạnh tranh của chính mình?

Rốt cuộc thì khán giả đã tự tìm câu trả lời cho bóng đá nội, rằng họ không thể xem mãi cái kiểu bóng đá không màng đến kết quả, không thể xem mãi một lứa cầu thủ đang bị người lớn định hướng đi ngược với quy trình phát triển chung của bóng đá thế giới.

Vậy nên mới nói việc sân Cần Thơ không sốt vì lứa U19 của bầu Đức là tín hiệu nên vui nhiều hơn buồn, nên vui vì một bộ phận không nhỏ người theo dõi bóng đá Việt Nam vẫn không bị lệch lạc quá xa so với quy trình phát triển chung, vẫn biết dừng lại đúng lúc!

Trọng Vũ