1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

James Rodriguez và lời nguyền “số 10” tại Bernabeu

(Dân trí)- Sau khi Luis Figo chia tay Bernabeu, Real Madrid chưa bao giờ tìm được cầu thủ tầm cỡ ngôi sao khoác áo số 10. Trớ trêu hơn nữa, ở mùa giải duy nhất không có số 10, Real Madrid lại hoàn tất hành trình chinh phục La Decima (vô địch châu Âu lần thứ 10).

Trong lịch sử bóng đá thế giới, có thể xem số 10 là chiếc áo đấu giữ vị trí trang trọng nhất. Hình ảnh Kempes, Baggio, Matthäus, Platini, Puskas, Maradona, Pelé, Zidane, Ronaldinho hay Messi...những ngôi sao xuất chúng trong quá khứ cho đến hiện tại đều gắn liền với chiếc áo số 10. Tuy nhiên đối với Real Madrid, kể từ sau Luis Figo, đội bóng này chưa bao giờ tìm được một cầu thủ tương xứng với vị thế của chiếc áo đấu số 10.

Robinho từng được kỳ vọng rất nhiều tại Bernabeu
Robinho từng được kỳ vọng rất nhiều tại Bernabeu

Robinho (2005-2008)

Robinho từng được đánh giá là tài năng sáng giá nhất của bóng đá xứ sở Samba tương tự như Neymar bây giờ. Vào năm 2002, khi mới chỉ 18 tuổi, Robson de Souza (tên đầy đủ của Robinho) ra mắt trong màu áo Santos và kết thúc mùa giải đầu tiên một cách không thể ấn tượng hơn với 10 bàn thắng sau 29 trận đấu. Santos giành chức vô địch Brazil sau 20 năm chờ đợi còn Robinho được ví như Pele mới.

Real Madrid bắt đầu gửi tuyển trạch viên đến Sao Vicente nhằm theo dõi sát sao ngôi sao mới của bóng đá Brazil. Trong mùa giải cuối cùng khoác áo Santos, Robinho ghi được 24 bàn chỉ trong 28 trận. Vào mùa hè năm 2005, Real Madrid xúc tiến đàm phán với Santos về việc chuyển nhượng Robinho và đạt được thỏa thuận với mức phí 25 triệu euro.

Đúng thời điểm này Figo rời khỏi Santiago Bernabeu và chiếc áo số 10 đang bỏ trống nhanh chóng được chuyển giao cho. “Pele mới” ra mắt trong màu áo Los Blancos vào ngày 25/8/2005 trên sân Ramon de Carranza của Cadiz. Trong mùa giải đầu tiên khoác áo Real Madrid, Robinho thi đấu rất ấn tượng với 12 bàn thắng và 14 đường chuyền thành bàn trên mọi mặt trận.

Tuy nhiên, sự nghiệp của anh tại Bernabeu lại như một đồ thị đi xuống. Mùa giải tiếp theo, Robinho làm quen nhiều hơn với băng ghế dự bị khi không phù hợp với triết lý xây dựng đội bóng của HLV Fabio Capello. Robinho nói lời từ biệt Real Madrid sau khi mùa giải 2007/08 kết thúc. Đúng vào ngày đóng cửa “phiên chợ hè” 2008, Robinho đầu quân cho gã nhà giàu mới nổi Manchester City với mức giá 42.5 triệu euro.

Wesley Sneijder (2008-2009)

Sneijder gia nhập Real Madrid vào tháng 8/2007, từ Ajax Amsterdam với mức phí chuyển nhượng 27 triệu euro. Mùa giải đầu tiên chơi bóng tại Bernabeu, anh khoác áo số 23 khi số 10 vẫn thuộc quyền sở hữu của Robinho. Sau sự ra đi của ngôi sao người Brazil, tiền vệ người Hà Lan đã được trao số áo huyền thoại của bóng đá thế giới bắt đầu từ 2008/09.

Sneijder chỉ thực sự trưởng thành khi bị đẩy sang Inter
Sneijder chỉ thực sự trưởng thành khi bị đẩy sang Inter

Tuy nhiên, ngay khi nhận chiếc áo số 10 thì Sneijder đã gặp hạn. Tiền vệ người Hà Lan dính chấn thương trong trận giao hữu trước mùa giải với Arsenal và phải rời xa sân cỏ 3 tháng. Một năm sau, Florentino Perez trở lại “nhà trắng” và cải tổ mạnh mẽ đội bóng. Real Madrid “tống tiễn” Robben và Rafael van der Vaart đồng thời chiêu mộ một loạt siêu sao như Kaka, C.Ronaldo...

Ban đầu, HLV Pellegrini có ý định giữ Sneijder và tiền vệ này cũng mong muốn được tiếp tục gắn bó với đội chủ sân Santiago Bernabeu. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Real Madrid lại đơn phương đàm phán với Inter Milan và chấp nhận bán Sneijder với giá 16 triệu euro.

Lassana Diarra (2009-2010)

Số 10 tồi tệ nhất trong lịch sử Real Madrid. Thật khó ai tin nổi một mẫu cầu thủ như Lassana Diarra lại từng khoác áo số 10 ở đội bóng vĩ đại nhất thế kỷ 20 trong mùa giải 2009/10. Và cũng thật khó tin khi Real Madrid chi ra tới 20 triệu euro cho tiền vệ người Pháp gốc Mali dẫu cho cầu thủ này chuyển từ Arsenal sang Portsmouth với giá 10 triệu euro chỉ 2 mùa giải trước.

Thực tế thì sau khi bán Sneijder, chiếc áo số 10 tại Bernabeu để trống và Diarra “bỗng dưng” trở thành chủ nhân của chiếc áo đấu huyền thoại này. Năm đó, Real Madrid trắng tay trên mọi mặt trận.

Sneijder chỉ thực sự trưởng thành khi bị đẩy sang Inter

Một đội bóng giàu truyền thống như Real Madrid lại để Lassana Diarra mặc áo số 10 thì thực sự khó hiểu.

Mesut Özil (2010-2013)

Tương tự những gì đã đến với James Rodriguez mùa hè này, cách đây 4 năm tại World Cup 2010, Özil thi đấu chói sáng trong màu áo đội tuyển Đức trong vài trò tiền vệ kiến thiết rồi lọt vào mắt xanh của “bố già” Perez. Điểm khác biệt lớn nhất nằm ở mức phí chuyển nhượng, Özil chuyển từ Bremen sang Real Madrid chỉ với giá 15 triệu euro, thấp hơn rất nhiều so với James Rodriguez.

Trong màu áo Real Madrid, Mesut Özil gây ấn tượng mạnh bởi những đường chuyền. Tuy vậy, cầu thủ gốc Thổ này chưa bao giờ vươn đến tầm cỡ ngôi sao mặc dù giữ vai trò “số 10” cả về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.

Nhưng sự hiệu quả mà Özil đem lại ngày càng giảm sút qua mỗi mùa giải. Hơn nữa, Özil là một trong những nhân vật chính gây ra sự rạn nứt trong phòng thay đồ Bernabeu. Cuối cùng, với sự xuất hiện của Bale và Isco, tiền vệ sáng tạo người Đức đành chấp nhận chia tay Bernabeu để tìm kiếm cơ hội thi đấu tại Emirates.

Hành trình chinh phục Champions League của Real Madrid không hề có bóng dáng số 10

Hành trình chinh phục Champions League của Real Madrid không hề có bóng dáng số 10

Real Madrid đăng quang mà không có “số 10”

Sau sự ra đi của Özil, chiếc áo số 10 tại Bernabeu bị bỏ trống. Trớ trêu thay, trong mùa giải đầu tiên vắng “số 10” kể từ sau khi Figo ra đi, Real Madrid lại hoàn tất hành trình chinh phục La Decima (vô địch châu Âu lần thứ 10) kéo dài suốt 12 năm ròng.

Duy Khánh