Huỳnh Quốc Cường: Chàng “tài tử” của thế hệ vàng
(Dân trí) - Nhận xét về người đồng hương, đồng đội năm nào Huỳnh Quốc Cường, cựu đội trưởng đội tuyển Việt Nam là Trần Công Minh trầm ngâm bảo: “Cường rất hay nhưng lại không may!”.
Giống như trung vệ cự phách Đỗ Khải, Huỳnh Quốc Cường phải giã từ đỉnh cao từ khá sớm, do chấn thương nặng. Năm 1997, khi mới 25 tuổi và bắt đầu nổi tiếng như pha đánh gót… đẹp như thơ ở trận tranh hạng ba AFF Cup 1996, Huỳnh Quốc Cường dính chấn thương dây chằng đầu gối khá nặng.
Chấn thương này nếu trong giai đoạn hiện nay, như đã nói, có thể xử lý thành công. Nhưng ngày đó, y học thể thao Việt Nam không mấy phát triển. Huỳnh Quốc Cường trải qua 1 ca phẫu thuật ở trong nước, kết quả không khả quan. Sau đó, anh được đưa sang Đức phẫu thuật lần thứ hai, nhưng đến lúc ra nước ngoài thì xác suất hồi phục đã giảm đáng kể.
Sau chấn thương, tiền đạo của bóng đá Đồng Tháp vẫn còn chơi bóng chuyên nghiệp đến năm 2002, nghỉ 3 năm, quay lại lần nữa vào năm 2005 (thời điểm đội bóng quê hương Đồng Tháo quá cần người), rồi nghỉ hẳn, nhưng thật ra sự nghiệp đỉnh cao của Huỳnh Quốc Cường đã dừng lại vào năm 1997, dừng lại ở tuổi 25, lứa tuổi hãy còn quá sung sức và bắt đầu bước vào độ chín của đời cầu thủ.
Thành ra, nhận xét về người bạn thân, đồng hương cũng như đồng đội ở đội Đồng Tháp và đội tuyển Việt Nam năm nào, cựu hậu vệ trứ danh Trần Công Minh nói: “Cường rất hay nhưng thiếu may mắn. Cậu ấy có những tố chất kỹ thuật vô cùng đặc biệt, mà ví dụ điển hình là cú đánh gót vào lưới Indonesia. Ngoài khả năng chọn vị trí thì khả năng ghi bàn cậu ấy rất nhạy cảm và rất tinh tế”.
“Quốc Cường là mẫu tiền đạo tài tử và kỹ thuật, nhưng cậu ấy quá rủi ro khi dính chấn thương nặng. Tôi cảm thấy rất tiếc khi bóng đá Việt Nam sớm mất một tiền đạo tài hoa như Quốc Cường” – Trần Công Minh nhận xét thêm.
Và biệt danh tiền đạo “tài tử” của Huỳnh Quốc Cường cũng sớm xuất hiện, khi anh chơi ở đội Đồng Tháp và đội tuyển quốc gia hồi những năm 1990. Vẻ ngoài bắt mắt, trắng trẻo, dáng đẹp, Huỳnh Quốc Cường thoạt nhìn giống tài tử điện ảnh hơn là một cầu thủ nhà nghề.
Phong cách thi đấu của tiền đạo này cũng rất… lãng tử, không hùng hục mà uyển chuyển, nhẹ nhàng. Nhưng nếu bị vẻ ngoài của Huỳnh Quốc Cường đánh lừa, mọi hàng thủ đều sẽ phải trả giá, bởi như nhận xét của Trần Công Minh, rằng Huỳnh Quốc Cường rất sắc bén, có khả năng chọn vị trí cực tốt, và dường như có sẵn bản năng “sát thủ” trong người, khi đứng trước khung thành đối phương.
Mà bàn thắng vào lưới của Indonesia, ấn định chiến thắng 3-2 cho đội tuyển Việt Nam ở trận tranh hạng ba AFF Cup 1996 là minh chứng cho điều đó. Chỉ cần 1 lần chạm bóng và một pha đánh gót, Quốc Cường không những ghi một trong những bàn thắng đẹp nhất lịch sử giải đấu, mà còn chính thức tự đưa mình vào hàng ngũ sao sáng của bóng đá Việt Nam.
Sau này, chính Huỳnh Quốc Cường thừa nhận, dù đã ghi khá nhiều bàn thắng đẹp trong sự nghiệp cầu thủ, nhưng pha đánh gót vừa nêu vẫn là bàn thắng đáng nhớ nhất của chính anh, mà nhiều năm sau này, bản thân Huỳnh Quốc Cường cũng… không thực hiện lại được.
Tiền đạo nổi tiếng một thời này tâm sự rất thật: “Cũng nhờ bàn thắng ấy mà tôi nổi tiếng cho đến bây giờ (cười). Nhiều người sau này cứ hỏi tôi, có bí quyết gì không? Thú thật chẳng có tập luyện gì cả, nó là phản xạ và động tác hay sử dụng trong trò “đá ma” của giới cầu thủ thôi”.
Không tập luyện mà dứt điểm ghi bàn theo phản xạ, thì đấy mới là bản năng săn bàn, mà giới bóng đá vẫn dùng để phân biệt giữa những tay săn bàn bẩm sinh với những tiền đạo bình thường khác. Và Huỳnh Quốc Cường là một tay săn bàn bẩm sinh như thế.
Tuy nhiên, như đã nêu ở phần đầu bài, sự nghiệp đỉnh cao của Huỳnh Quốc Cường rủi thay lại kết thúc quá sớm, bằng ngược lại, anh có thể còn có nhiều danh hiệu hơn nữa, thay vì chỉ 1 lần vô địch vô địch quốc gia (cùng Đồng Tháp năm 1996), 1 HCB SEA Games (1995) và 1 HCĐ AFF Cup (1996), bóng đá Việt Nam có thể có thêm nhiều thành công nữa, nếu như Quốc Cường hay trước nữa là Trần Minh Chiến không chấn thương quá sớm!
Cũng sau này, Huỳnh Quốc Cường bảo rằng anh không có duyên với bóng đá. Ngoài chuyện chia tay sự nghiệp cầu thủ đỉnh cao từ rất sớm, ngôi sao nổi tiếng một thời này cũng không theo đuổi nghiệp HLV quá lâu, mà rẽ ngang sang một hướng khác…
Kim Điền