1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Hội chứng sợ… vô địch V-league

(Dân trí) - FLC Thanh Hóa lẽ ra đã có cơ hội qua mặt B.Bình Dương để lên ngôi đầu bảng ở vòng 21. Nhưng rốt cuộc thì đội bóng xứ Thanh lại thua trong một trận đấu mà họ lẽ ra nên thắng. Đó dường như cũng là bước ngoặt của mùa giải.

Năm ngoái, Thanh Hóa cũng có cơ hội lớn để vô địch giống như bây giờ. Đội bóng xứ Thanh dẫn đầu bảng xếp hạng hầu hết lượt đi của mùa giải 2014, cũng như một số vòng đấu đầu lượt về. Tuy nhiên, đến thời điểm quyết định thì Thanh Hóa càng đá càng đuối.

Năm nay nhiều người hâm mộ bóng đá xứ Thanh cũng kỳ vọng vào ngôi vô địch dành cho đoàn quân trong tay HLV Hoàng Thanh Tùng, sau một mùa giải thi đấu cực kỳ thăng hoa. Họ tiến đến sát B.Bình Dương, đồng thời trở thành đội bóng gần như duy nhất có thể lật đổ nhà đương kim vô địch ở V-League.

Riêng ở vòng 21 vừa qua, Thanh Hóa có cơ hội cực lớn để giành ngôi đầu của chính đội bóng đất Thủ Dầu. Về lý thuyết, việc đội bóng xứ Thanh chỉ đá với đội áp chót bảng xếp hạng dễ hơn nhiều so với việc B.Bình Dương phải làm khách của Hà Nội T&T trên sân Hàng Đẫy.

 

thanhhoa-19-8-15-8ddb7

LC Thanh Hóa (áo đỏ) về cuối mùa lại có những cú vấp ngã đáng tiếc (ảnh: Gia Hưng)

 

Thế nhưng, Thanh Hóa lại thua đầy bất ngờ, thua chóng vánh bằng một thất bại đậm mới đáng nói. Đấy có thể cũng là bước ngoặt của mùa giải năm nay, cũng như có thể là câu trả lời chính xác nhất cho câu hỏi đội bóng xứ Thanh có thực sự ôm mộng xưng vương hay không?

Và cũng không thể không nói về câu chuyện liên quan đến Cảng Sài Gòn cách nay hơn chục năm. Đấy là đội bóng vừa vô địch năm 2002 đã phải rớt hạng ngay mùa giải 2003. Người hiểu chuyện năm ấy thường nói với nhau rằng sở dĩ Cảng Sài Gòn rớt hạng ngay sau khi vô địch vì dám… làm hỗn, dám lên ngôi trong bối cảnh chưa đến lượt họ.

Dĩ nhiên, vẫn có trường hợp ngoại lệ như của HA Gia Lai đăng quang năm 2003, ngay khi vừa chân ướt chân ráo thăng hạng. Nhưng HA Gia Lai lúc đó quá mạnh, sở hữu hầu hết những ngôi sao nổi tiếng nhất, tài năng nhất của 2 nền bóng đá Thái Lan và Việt Nam, nên phần còn lại của V-League khi đó nhìn chung ở dưới tầm Gỗ, nên Gỗ không việc gì phải ngán đội nào.

Thanh Hóa bây giờ không mạnh như vậy, nếu như không muốn nói rằng khó xếp họ vào nhóm đội mạnh. Thực lực của Thanh Hóa lúc này có lẽ không khác với Cảng Sài Gòn của năm 2002, tức là có thể gây bất ngờ trong một vài thời điểm, thậm chí một mùa giải cụ thể, nhưng để đá với tư thế của một nhà vô địch, nếu có… lỡ lên ngôi, thì họ chưa đủ sức.

Vả lại, vô địch thì phải đại diện cho bóng đá nội dự cúp châu Á, sân chơi mà giàu như cỡ bầu Thụy hồi còn sở hữu XM Xuân Thành Sài Gòn, hay bầu Trường hồi còn nắm trong tay V.Ninh Bình mà vẫn phải than, thì huống hồ là đội khác.

Vô địch ở V-League, tiền thưởng thì thấp, trách nhiệm lại cao, khả năng tốn kém sau đó (để đầu tư cho đủ sức đá ở nhiều mặt trận cả nội lẫn ngoại) càng cao, nên người ta thường hay chứng kiến hiện tượng nhiều đội bóng cứ đến gần đích lại ngập ngừng… hãm phanh, nếu đội bóng ấy không nằm trong nhóm các “siêu đại gia” của làng cầu nội.

Kim Điền

 

logobanthethao-62196