HLV Toshiya Miura: VFF chọn “rau muống” thay vì “thịt bò Kobe”

(Dân trí) - HLV Miura sau khi được công bố sẽ dẫn dắt đội tuyển Việt Nam chịu không ít sự hoài nghi của dư luận, xung quanh bản lý lịch chưa thể gọi là kêu của ông này. Dù vậy, vẫn cần thực tế sân cỏ để chứng minh lựa chọn ấy là đúng hay sai…

“Không đủ tiền mua thịt bò Kobe thì phải dùng rau muống”

Đấy chính là cách ví von của VFF khi không thuê cựu danh thủ Marcel Desailly (Pháp), cũng như là việc VFF sẽ không thuê những HLV có mức lương qua đắt như "thịt bò Kobe". Quay trở lại với trường hợp của HLV Miura, mức lương 15.000 USD/tháng mà ông này nhận khi nắm 2 đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 Việt Nam quả chẳng khác nào “rau muống”, nếu đem so sánh với mức 50.000 – 60.000 USD/tháng mà Desailly đề xuất.

Một HLV có mức lương vừa phải dĩ nhiên bản lý lịch cũng ở mức vừa phải. Không thể nói vị chuyên gia người Nhật sắp dẫn dắt đội tuyển Việt Nam là HLV có nhiều kinh nghiệm cầm quân quốc tế.

Ông Miura trong sự nghiệp cầm quân có tỷ lệ trận thắng thậm chí còn thua xa tỷ lệ trận thua và hòa. Những năm gần đây, người ta còn biết đến ông với tư cách là một bình luận viên truyền hình.

Tân HLV đội tuyển Việt Nam, ông Toshiya Miura
Tân HLV đội tuyển Việt Nam, ông Toshiya Miura

Nhưng những điều đấy có lẽ sẽ được quên hết, nếu như ông Toshiya Miura đưa đội tuyển bóng đá Việt Nam đến thành công.

Ngay cả trong bóng đá Việt Nam, trường hợp như ông Miura cũng chẳng hiếm. Ví như Calisto lúc chưa sang Việt Nam nhiều người còn không biết ông là ai, vì thành tích huấn luyện không có gì nổi bật.

Đến khi thành công cùng đội tuyển Việt Nam, với ngôi vô địch AFF Cup 2008, vị HLV người Bồ Đào Nha mới được biết đến nhiều hơn ở chính quê hương ông, trong tư cách một “nhà truyền giáo” bóng đá, giúp hình ảnh của bóng đá Bồ Đào Nha được biết đến nhiều hơn Đông Nam Á.

Hay như Alfred Riedl, người ta vốn chỉ biết ông thầy người Áo này trong tư cách cựu chiếc giày đồng châu Âu khi còn là cầu thủ, mấy người biết đến thành tích huấn luyện của ông, trong tư cách một HLV, trước khi ông đến làm việc tại Việt Nam, rồi đưa đội tuyển Việt Nam vào tứ kết giải vô địch châu Á 2007 (thành tích lịch sử tính cho đến thời điểm này).

Sẽ có sự cách tân?

Ông Miura nhận đội tuyển trong bối cảnh mà bóng đá Việt Nam đang xuống đến đáy, đội tuyển bóng đá Việt Nam cũng đang xuống đến mức thấp nhất trong vòng vài thập niên qua.

Điều đó nói cho cùng là tốt cho ông Miura phần nào giúp cho áp lực trên vai vị HLV người Nhật Bản được giảm bớt. Bóng đá Việt Nam đang rất cần một luồng sinh khí mới, để thay đổi sự xáo mòn trong lối chơi vốn đã quá đơn điệu của đội tuyển.

Một điều nữa để người ta hy vọng vào vị chuyên gia người Nhật Bản chính là cái nền quy củ của bóng đá Nhật. Người Nhật sau rất nhiều năm đã bắt đầu định hình phong cách riêng cho mình, họ biết cách đá để thắng những đội bóng phương Tây vốn có thể hình và thể lực tốt hơn họ.

Đấy là cũng là vấn đề mà bóng đá Việt Nam liên tục trăn trở trong nhiều năm qua. Cầu thủ Việt Nam dù nhỏ nhưng toàn chọn lối chơi dựa vào sức, dù thấy rõ là không phù hợp.

Có thể HLV Miura chưa hề có thành tích nổi bật trong quá trình huấn luyện bóng đá đỉnh cao trước đó, có thể vị HLV này không nổi tiếng bằng nhiều ứng cử viên khác mà chính VFF từng giới thiệu. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất với đội tuyển Việt Nam lúc này không phải là HLV có lý lịch đẹp hay không đẹp, mà là phù hợp hay không phù hợp.

Thái Lan cũng từng xài rất nhiều HLV nổi tiếng thế giới, có mức lương hàng triệu USD, như Peter Reid, nhưng vẫn từng thất bại vì không tìm ra điểm chung giữa ông với bóng đá Thái đấy thôi.

Đấy chính là lý do mà nhiều người vẫn đặt niềm tin vào sự năng động của vị tân HLV người Nhật do VFF giới thiệu, với điều kiện là ông Toshiya Miura phải thực sự năng động, thực sự mang trong mình tư tưởng cách tân như những gì người ta kỳ vọng ở ông. Và với điều kiện là ông chưa quên nghề huấn luyện sau khoảng thời gian làm bình luận viên truyền hình.

Kim Điền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm