1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

HLV Miura để trợ lý dẫn dắt U23 Việt Nam: Phương án tiết kiệm?

(Dân trí) - Nhiều khả năng ông Miura vẫn phải tạm giao đội tuyển U23 cho các trợ lý. Đáng nói ở chỗ, hiếm có nền bóng đá hàng đầu nào lại để cho HLV đội tuyển kiêm nhiệm cả đội tuyển quốc gia lẫn đội U23…

Đã học, nên học nơi tốt nhất

Phương án để HLV nắm cả đội tuyển quốc gia lẫn đội U23 là phương án được một số nước Đông Nam Á ưa chuộng. Rõ nhất là Myanmar, khi LĐBĐ nước này gia cho HLV Avramovic tổng quản lý tất cả các đội tuyển của Myanmar, từ đội tuyển quốc gia, đội U23, cho đến tận… U19.

Dù vậy, cần nhớ khu vực Đông Nam Á chỉ là vùng trũng trên bản đồ bóng đá thế giới, trong khi những nền bóng đá hàng đầu thế giới ít khi để cho HLV đội tuyển quốc gia của họ kiêm nhiệm luôn đội tuyển Olympic (tức U23).

Hay như ngay ở Đông Nam Á, Singapore là nền bóng đá số 1 khu vực này, xét về mặt thành tích trong khoảng chục năm qua, với 3 lần vô địch AFF Cup các năm 2004, 2007 và 2012, và Singapore cũng không để cho HLV đội tuyển quốc gia kiêm nhiệm dẫn dắt đội tuyển U23 ở các kỳ SEA Games.

Kiểu gì thì kiểu, một HLV không thể ôm hết công việc ở cả hai đội tuyển. Riêng trong năm nay, cả 2 đội tuyển là đội tuyển quốc gia và đội tuyển U23 đều có các nhiệm vụ quốc tế quan trọng: Đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho AFF Cup và đội tuyển U23 chuẩn bị cho Asiad 2014 tại Hàn Quốc.

VFF nên làm theo thông lệ quốc tế, để HLV Miura chuyên trách Đội tuyển quốc gia
VFF nên làm theo thông lệ quốc tế, để HLV Miura chuyên trách Đội tuyển quốc gia

Vì 1 HLV không thể toàn tâm toàn ý cho cả 2 đội tuyển nên mới có chuyện mới đây VFF tính đến khả năng trợ lý của HLV Miura sẽ tạm thời dẫn dắt đội tuyển U23, trong thời gian đội tuyển quốc gia tập trung.

Đây là tình trạng đã xảy ra hồi năm 2010, khi HLV Calisto hồi đấy bận chuẩn bị cho đội tuyển quốc gia hướng đến AFF Cup 2010, còn đội tuyển U23 được giao cho trợ lý Phan Thanh Hùng, dự Asiad Quảng Châu cùng năm.

Tại Á vận hội năm đó, lúc ông Hùng toàn quyền chỉ huy, ông làm rất tốt, đội cũng chơi tốt, giành quyền vào tứ kết Á vận hội (thành tích lịch sử bóng đá Việt Nam). Nhưng đến khi HLV Calisto sang Quảng Châu tiếp quản lại đội U23, mọi việc lại tệ hơn, các cầu thủ không biết nghe ai, theo kiểu “lắm thầy nhiều ma”!

Cần người chuyên trách

Nếu VFF đã bàn đến khả năng giao đội tuyển U23 Việt Nam trước chiến dịch Asiad 2014 cho trợ lý của HLV Miura, tức là phần nào đã thừa nhận rằng vị HLV người Nhật không thể cùng lúc hướng mắt về cả 2 đội.

Đằng nào thì HLV Miura cũng không thể trực tiếp chỉ đạo các cầu thủ U23 trong các quá trình tập luyện chuẩn bị cho Asiad, trong thời gian đội tuyển quốc gia tập trung, nên tốt nhất trao hẳn quyền cho HLV khác.

Trao quyền cho HLV khác, với một chức danh cụ thể, thay vì chỉ là người đóng thế vai, sẽ giúp các HLV cảm thấy mình được tôn trọng, đồng thời họ sẽ chịu trách nhiệm cụ thể với đội tuyển mà họ trực tiếp huấn luyện, trực tiếp chỉ đạo trong các buổi tập. Điều đó có thể sẽ tốt hơn nhiều với việc một người làm, sản phẩm của một người, nhưng người khác lại đứng tên.

Dẫu biết phương án dể 1 HLV kiêm nhiệm 2 đội tuyển là phương án tiết kiệm, nhưng cũng đừng quên rằng sân chơi Asiad cũng là sân chơi hết sức quan trọng, thẩm định khả năng tiến bộ của các cầu thủ trong lứa tuổi của bóng đá Việt Nam so với những người cùng trang lứa ở làng cầu châu Á.

Vả lại, câu chuyện HLV trưởng giao quyền cho các trợ lý, để quay sang hướng dẫn 1 đội bóng khác có thể tạo tâm lý không tốt nơi các cầu thủ U23 Việt Nam, rằng họ chỉ là thành phần phụ của một nền bóng đá, cho dù họ chuẩn bị dự giải đấu hết sức quan trọng của thể thao châu Á là Asiad.

Dĩ nhiên, đặt trường hợp VFF với mục tiêu có thể kiếm hơn 300 tỷ đồng/năm cho bóng đá Việt Nam, đánh giá rằng chuyện tìm thêm 1 HLV chuyên trách cho đội tuyển U23 là sẽ thêm tốn kém thì đành vậy! Nhưng dù sao, vẫn phải khẳng định rằng trong bóng đá đỉnh cao, chuyên trách luôn tốt hơn kiêm nhiệm, đồng thời các nền bóng đá lớn đáng để chúng ta học tập luôn hướng đến sự chuyên trách với HLV các đội tuyển.

Trọng Vũ