HLV Alfred Riedl và câu nói bất hủ “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”
(Dân trí) - Là HLV nắm đội tuyển Việt Nam nhiền lần nhất (3 lần), đạt được nhiều thành công những cũng trải qua lắm cay đắng. Ông Riedl cũng là chủ nhân của câu nói bất hủ phản ánh cách làm cũ của bóng đá nội.
Xây nhà từ nóc
Thật ra thì nếu không có sự xuất hiện của hệ thống học viện bóng đá tư nhân, mà tiên phong là mô hình HA Gia Lai JMG của bầu Đức, sau này có thêm PVF, Viettel hay lò đào tạo trẻ của bầu Hiển tiếp bước, có lẽ câu nói bất hủ “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc” của HLV Alfred Riedl vẫn còn ứng nghiệm cho đến tận ngày nay.
Bằng chứng là có quan chức thuộc VFF đã làm việc từ thời HLV Riedl còn tại vị cách nay hơn cả thập niên, vẫn giữ trọng trách quan trọng chính tổ chức điều hành bóng đá nội bây giờ, và vẫn nặng tư duy thành tích, tư duy nhiệm kỳ, thể hiện qua việc khăng khăng đòi thành tích cao tại AFF Cup 2020, bất chấp lịch thi đấu dày đặc của vòng loại World Cup vào cuối năm có thể vắt kiệt sức các cầu thủ, cũng như làm đảo lộn phương pháp tính toán điểm rơi của những người làm chuyên môn, cụ thể là các HLV.
Bằng chứng còn là ở chỗ giải V-League thay vì phải siết chặt về chất lượng các đội bóng, thì bóng đá nội với sự quản lý của một vài người rất cũ vẫn chạy theo số lượng, phình to giải đấu một cách không cần thiết và rất thiếu khoa học, bất chấp khuyến cáo của các chuyên gia, cho đến tận bây giờ.
Quay trở lại với thời điểm HLV Alfred Riedl lần đầu nắm đội tuyển Việt Nam vào năm 1998, ông đã sớm nhận ra tư duy này của những người làm bóng đá nội, trước khi thốt lên: “Bóng đá Việt Nam xây nhà từ nóc”.
Tuy nhiên, càng làm việc lâu với bóng đá Việt Nam, thay vì giúp cấp trên của mình thay đổi tư duy và thay đổi quan điểm về chiến lược xây dựng bóng đá theo hướng bền vững hơn, bản thân ông Riedl lại cũng ngả theo hướng “xây nhà từ nóc” đối với các đội tuyển do ông dẫn dắt.
Đấy chính là lý do mà dù là người giúp đội tuyển Việt Nam có chiến thắng Thái Lan ấn tượng nhất trong vài chục năm qua: 3-0 tại AFF Cup 1998, nhưng ông Riedl lại rời đội tuyển sau đó không lâu.
Sự nghiệp đầy tranh cãi
Lần thứ 2 HLV Riedl nắm đội tuyển Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2003 đến năm 2004, có ngôi Á quân SEA Games năm 2003, nhưng giai đoạn này không đáng chú ý bằng lần thứ 3 ông ở vị trí HLV trưởng đội tuyển từ năm 2005 – 2007.
Việc VFF chọn ông Riedl năm 2005 vốn đã gây nhiều tranh cãi. Khởi đầu cho thời kỳ thứ 3 của vị HLV người Áo là scandal dàn xếp tỷ số rúng động ở SEA Games năm 2005 trên đất Philippines. Vụ việc khiến 7 cầu thủ Việt Nam, toàn những tài năng đầy hứa hẹn, vướn vào vòng lao lý, rồi hầu hết trong số họ vĩnh viễn không thể phát triển đến sự rực rỡ nhất mà lẽ từng người sẽ có.
Sau nỗi thất vọng ở SEA Games năm 2005 là thành tích lịch sử vào tứ kết Asian Cup 2007, nhưng sau đó lại là một nỗi thất vọng khác, mang tên SEA Games năm 2007, nơi đội bóng của HLV Alfred Riedl bị loại ở bán kết, còn vị HLV người Áo phải thôi việc sau trận bán kết này, trong thời điểm mà SEA Games năm đó vẫn chưa chấm dứt với chính đội U23 Việt Nam (vì còn trận tranh HCĐ).
Đấy cũng là lần cuối cùng HLV Riedl nắm đội tuyển Việt Nam. Ông thất bại bởi ông sa vào việc “xây nhà từ nóc” mà chính ông từng phản ánh, rằng đội tuyển do HLV Riedl chỉ đạo không có nét mới. Thường thì nếu HLV Riedl đã định hình xong đội hình chính, đội hình đấy cứ lặp đi lặp lại với cùng một lối chơi và cùng một cấu trúc nhân sự, bất di bất dịch. Không có chỗ cho người mới và tính kế thừa ở đội tuyển do HLV Riedl dẫn dắt.
Ngoài 3 lần nắm các đội tuyển quốc gia, HLV Riedl còn có thêm 2 lần về với các CLB trong nước, lần đầu là với Khánh Hoà năm 2001, và lần tiếp theo là với Hải Phòng năm 2008. Cả 2 lần ông đều thất bại nặng nề.
Cùng với Khánh Hoà, HLV Alfred Riedl “góp công lớn” đưa đội này… xuống hạng. Còn tại Hải Phòng, vị HLV người Áo bị sa thải chỉ sau 3 trận cầm quân, thua 2/3 trận đấu ấy.
Thành ra, cái tên Alfred Riedl là một trong những cái tên gây tranh cãi nhất làng cầu nội trong hơn 20 năm qua. Nói ông thất bại với bóng đá Việt Nam thì không hẳn, nhưng nói vị HLV này thành công lại ít có sự nhất trí cao.
Đấy cũng là tình cảnh chung của HLV Alfred Riedl khi làm việc tại Đông Nam Á. Ông 2 lần nắm đội tuyển Lào, 3 lần dẫn dắt đội Indonesia, và đều gãy gánh giữa đường.
Ông Riedl giúp đội U23 Lào lần đầu vào bán kết SEA Games năm 2009 trên sân nhà, nhưng lại khiến cho bóng đá Lào thiếu thế hệ kế thừa sau giải đấu đó, vì chỉ chăm chăm xây dựng đội hình 1.
Vị HLV người Áo đưa Indonesia vào chung kết AFF Cup 2010 đầy oai hùng, nhưng lại thua tan tác trong trận đấu tranh chức vô địch với Malaysia, thua ở thế thượng phong!
Kim Điền