Hãy để Công Phượng và các đồng đội phát triển bình thường

(Dân trí) - Nhất cử nhất động của lứa cầu thủ U19 luôn được chú ý đặc biệt. Đây là điều không lạ khi U19 giờ đã trở thành thương hiệu. Dù vậy, tung hô U19 nhưng lại đào sâu thêm cách biệt giữa lứa này với phần còn lại của nền bóng đá lại là chuyện khác.

Tính chất mỗi giải đấu mỗi khác

U19 của bầu Đức vô địch giải U21 quốc tế tại Cần Thơ. Đây là tín hiệu đáng mừng cho một đội bóng đã biết thế nào là thắng trong 1 trận chung kết. Dù vậy, để gọi chiến thắng đó là cột mốc cho thấy lứa U19 hiện tại đã vượt mặt các đội bóng đàn anh như một số người vẫn bảo thì chưa hẳn.

Dĩ nhiên, tính chất mỗi giải đấu mỗi khác, giải U21 quốc tế chắc chắn rất khác so với giải U19 Đông Nam Á các năm 2013, 2014, cũng như khác với giải U22 Đông Nam Á hồi tháng 8 – những nơi chúng ta từng thua trong trận chung kết.

Các đối thủ của U19 Việt Nam, hay nói khác hơn là đối thủ mà lứa cầu thủ của bầu Đức từng đụng độ ở những giải đấu khác nhau cũng khác nhau.

Ví như U21 Malaysia hay U21 Thái Lan tham dự giải U21 quốc tế chắc gì đã là thành phần tốt nhất của bóng đá xứ họ, trong độ tuổi vừa nêu. Nên nhớ đội tuyển U19 Thái Lan vừa vào tứ kết giải châu Á chắc chắn sẽ không có cầu thủ nào trong số đó có mặt tại Cần Thơ những ngày qua.

Đừng đẩy lứa cầu thủ này ra xa phần còn lại của nền bóng đá
Đừng đẩy lứa cầu thủ này ra xa phần còn lại của nền bóng đá

Với chủ nhà U21 Việt Nam cũng vậy. Một đội bóng chỉ được tập hợp ít ngày trước giải đấu, chắc chắn không thể được đánh giá cao và có sự nhuần nhuyễn như những cầu thủ đã ăn tập với nhau suốt 7 năm trời như lứa cầu thủ của bầu Đức. Đội bóng ấy lại được dẫn dắt bởi 1 HLV chưa hề có thành tích đáng kể trong làng cầu nội như HLV Phan Công Thìn thì càng không thể đánh giá cao.

Hố sâu ngăn cách

Người ta càng nói nhiều đến chiến thắng của Công Phượng và các đồng đội, càng tung hô họ như thể họ là những người hùng, như thể họ vừa lập được chiến công hiển hách thì càng có nguy cơ đào sâu cái hố ngăn cách giữa họ với phần còn lại của bóng đá.

Thậm chí, có người đã hiểu sai (hay cố tình hiểu sai) thất bại của U21 Việt Nam trước các cầu thủ U19 trong trận bán kết giải đấu này. Thú thật, ngay cả người viết cũng chẳng hiểu các cầu thủ U21 Việt Nam có tội tình gì mà lại bị “ném đá” ào ạt đến vậy?!

Nói họ không dám tấn công trong trận đấu với U19 của bầu Đức không sai, nói họ cố thủ theo cách quá tiêu cực là đúng. Nhưng luật bóng đá đâu có cấm một đội bóng đặt trọng tâm là đá phòng ngự bằng mọi giá!

HLV của U21 Việt Nam đã đề ra chiến thuật ấy thì các cầu thủ cãi bằng cách nào? Chưa kể chuyện cảm thụ cái đẹp trong bóng đá là chuyện mỗi người sẽ cảm thụ theo những cách khác nhau, đâu ai giống ai được!

Trận chung kết World Cup 2014 chẳng phải cũng nặng nề về phòng ngự đấy ư? Argentina lừng danh thế giới nhờ những ngôi sao tấn công cự phách (bao gồm cả Messi) cũng phải cố thủ để kéo trận chung kết cúp thế giới vào loạt sút luân lưu đấy ư?

Bóng đá Ý hàng trăm năm nay nổi tiếng cũng nhờ lối đá phòng ngự, và người Ý, cụ thể là khán giả Ý còn xem phòng ngự là cả một nghệ thuật, xem phòng ngự là nét đẹp trong lối chơi đấy thôi!

Thành ra, đá đẹp hay không đẹp còn tùy thuộc vào cách cảm thụ của khán giả, miễn cách đá ấy không phi luật. Chưa hết, chơi bay bổng hay thực dụng đều là những cách chơi khác nhau, đâu phải lứa cầu thủ của bầu Đức được đào tạo theo hướng thiên về kỹ thuật thì bắt cả làng cầu phải theo cách ấy (thế thì lấy đâu ra tiền vệ phòng ngự, hậu vệ và thủ môn?).

Càng tung hô lứa cầu thủ của bầu Đức, càng tẩy chay phần còn lại của cả nền bóng đá thì càng làm hại các cầu thủ, càng đào sâu hơn chiếc hố ngăn cách giữa cầu thủ thuộc quyền quản lý của bầu Đức với phần còn lại của bóng đá Việt Nam!

Đừng quên bóng đá chỉ đẹp khi đa dạng về mặt phong cách, cũng giống như trong âm nhạc, có những ca sĩ chỉ đứng một chỗ (thậm chí ngồi yên) trên sân khấu, vẫn đủ sức khiến cho cả khán phòng, thậm chí cả cầu trường phía dưới chao đảo, như Tuấn Ngọc hay Elton John, chứ đâu nhất thiết phải quậy tưng như Michael Jackson mới thu hút người xem.

Chao đảo hay không cốt yếu ở cách cảm thụ của từng người, nên đừng áp đặt cách cảm thụ của mình cho người khác, đừng bao giờ thần thánh hóa bất cứ phong cách nào, rồi phủ định sách trơn những gì còn lại!

Trọng Vũ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm