1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Hạn chế số lượng tiền đạo ngoại tại V-League: Nguy cơ phản chuyên nghiệp

(Dân trí) - Chuyện các CLB V-League ưu tiên sử dụng tiền đạo ngoại là có thật, nhưng sẽ rất nguy hiểm và có khi phản bóng đá chuyên nghiệp nếu hạn chế số lượng tiền đạo ngoại. Điều cốt lõi vẫn là khâu đào tạo.

Mấu chốt vẫn là chất lượng đào tạo

Thật ra thì trước đây VFF đã từng hạn chế số lượng ngoại binh nói chung tại V-League, quy định mỗi CLB thay vì được sử dụng 3 ngoại binh trong 1 trận đấu, chỉ được sử dụng 2 ngoại binh trong từng trận và đăng ký đúng 2 người suốt cả mùa giải (chỉ được thay ngoại binh ở giai đoạn giữa mùa giải). 

Nhưng cũng trong giai đoạn ấy, thành tích của bóng đá Việt Nam, ở cấp độ các đội tuyển, không những không khá lên, mà còn kém đi.

Riêng các CLB còn khổ sở hơn với chính bệnh “kiêu binh” của các ngoại binh, xuất phát từ chỗ các ngoại binh này biết mình ấm chỗ, khó bị thay, nên hay giở yêu sách với các đội bóng, trong khi diện tuyển chọn của các CLB trong nước bị hạn chế, nên rủi ro trong tuyển chọn rất cao.

Thành ra, vấn đề có khi không nằm ở chỗ ngoại binh đang chiếm suất của các nội binh tại V-League, vì số suất mà các ngoại binh chiếm của các nội binh vẫn chỉ vừa mức (3/11 suất từng trận), mà ở chính chất lượng cầu thủ nội.

Hạn chế số lượng tiền đạo ngoại tại V-League: Nguy cơ phản chuyên nghiệp - 1
Thành công của bóng đá Việt Nam trong hơn 2 năm qua đến từ chất lượng đào tạo cầu thủ nội được nâng lên, chứ không liên quan nhiều đến việc ngoại binh được sử dụng như thế nào tại V-League

Mà muốn tăng chất lượng cầu thủ nội thì khâu quan trọng nhất vẫn là đào tạo trẻ. Thấy rõ là trong khoảng 2 năm trở lại đây, thành tích của các đội tuyển quốc gia được cải thiện trên bình diện quốc tế, xuất phát từ chất lượng của các cầu thủ nội được cải thiện, là thành quả của khâu đào tạo trẻ, đặc biệt là từ các học viện bóng đá tư nhân, chứ việc cầu thủ ngoại nhiều hay ít so với trước không quyết định thành tích của các đội tuyển Việt Nam.

Thậm chí, việc được cọ xát thường xuyên với các ngoại binh, ở mặt nào đấy, còn giúp cho các cầu thủ nội tự tin hơn, tiến bộ hơn về khả năng va chạm, trước khi chúng ta không còn ngại các đối thủ cao to đến từ Tây Á và cả Đông Á.

Bóng đá chuyên nghiệp là đi kèm với việc sử dụng ngoại binh, đấy là thực tế diễn ra trên khắp thế giới, chứ không riêng gì bóng đá Việt Nam. Ngược lại là phản chuyên nghiệp.

Riêng chuyện sử dụng ngoại binh như thế nào? Sử dụng ở vị trí nào sao cho hiệu quả nhất, là quyền và nghĩa vụ của từng nhà cầm quân, ở từng CLB.

Cẩn thận kẻo… “phi thị trường”

Dĩ nhiên, phản ánh của HLV Park Hang Seo, rằng bóng đá Việt Nam hiện không có nhiều trung phong giỏi, là phản ánh không sai. Nhưng đấy cũng không phải là vấn đề mới. Thậm chí còn là vấn đề thường gặp đối với những nền bóng đá có trình độ chưa cao như bóng đá Việt Nam, tức là các thế hệ tài năng chưa có sự liền mạch.

Hạn chế số lượng tiền đạo ngoại tại V-League: Nguy cơ phản chuyên nghiệp - 2
Quy định cụ thể từng CLB phải sử dụng ngoại binh như thế nào có khi là phản chuyên nghiệp và đi ngược lại với quy luật thị trường

Ngay đến bóng đá Ukraine sau khi Shevchenko giải nghệ từ cả chục năm nay, nào có tìm ra được một trung phong ở đẳng cấp tương tự? Bóng đá Ba Lan cũng ở tình trạng như thế, thử hình dung vài năm nữa Lewandowski giải nghệ, ai đủ sức thay siêu tiền đạo này ở đội tuyển Ba Lan? 

Trở lại với vấn đề ngoại binh ở các giải chuyên nghiệp trên toàn thế giới, không rõ ở Hàn Quốc – quê hương của HLV Park Hang Seo, có quy định nào tương tự, dạng như hạn chế số lượng cầu thủ ngoại ở những vị trí nhất định hay chăng?

Hoặc ở Thái Lan, nếu giải Thai-League vì đội tuyển Thái hiện đang khan hiếm thủ môn, mà ra quy định hạn chế sử dụng thủ môn ngoại ở các CLB, chẳng biết Đặng Văn Lâm còn đâu đất diễn ở xứ Chùa Vàng?

Còn có một thực tế khác, rằng cầu thủ hạng A ở đẳng cấp thế giới thì chắc chắn không gia nhập giải Hàn Quốc, mà đích đến của các cầu thủ này là châu Âu. Tức là những người sang Hàn Quốc đá bóng chuyên nghiệp chỉ từ hạng B trở xuống.

Tương tư như thế, cầu thủ hạng B thì không đá ở V-League, mà tìm đến các giải đấu có trình độ cao hơn, như Hàn Quốc hay Nhật Bản. Cũng có nghĩa là những cầu thủ ngoại đang thi đấu ở V-League có trình độ dưới hạng B (tạm gọi là hạng C).

Điều đó có nghĩa là khi các cầu thủ Hàn Quốc cạnh tranh với ngoại binh ở giải trong nước, họ không phải cạnh tranh với nhóm các cầu thủ hạng A, mà chỉ từ hạng B trở xuống, tức là không phải tranh vị trí với những cầu thủ có đẳng cấp quá cao, nên nhiệm vụ cạnh tranh chưa ở tình trạng bất khả thi. 

Có đó suy ra, cầu thủ tại V-League chỉ cạnh tranh với cầu thủ ngoại hạng C, nên nếu những cầu thủ nội của chúng ta được đào tạo tốt hơn, chất lượng đầu ra của các lò đào tạo được nâng cao hơn, thì lo gì không có chỗ đứng ngay tại sân quốc nội!

Thành ra, vấn đề mấu chốt vẫn là khâu đào tạo nguồn nhân lực, vẫn là chất lượng con người, chứ không hẳn là các phương án “chữa cháy” đi ngược lại tinh thần của bóng đá chuyên nghiệp, hoặc ngăn sự phát triển tự nhiên theo hướng phi thị trường (nguồn cung đến từ nhu cầu)!

Kim Điền