Hai đại diện của bóng đá Việt Nam và sự khác biệt ở cúp châu Á

(Dân trí) - So về thực lực ở thời điểm hiện tại, CLB Hà Nội mạnh hơn rọ rệt so với B.Bình Dương nói riêng và toàn bộ làng cầu Việt Nam nói chung, nhưng B.Bình Dương mới là đội vừa giúp bóng đá nội giữ thể diện ở cúp châu Á, chứ không phải CLB Hà Nội.

Sau thất bại quá bất ngờ của CLB Hà Nội trước Yangon United (Myanmar) ở lượt trận thứ 3 của AFC Cup 2019, đã có dư luận đặt ra câu hỏi về động lực của đội đương kim vô địch V-League tại cúp châu Á? Rằng CLB Hà Nội có thật sự khát khao tiến sâu ở AFC Cup năm nay hay không?

Những câu hỏi đấy xuất hiện bởi so về trình độ chuyên môn, về chất lượng con người, CLB Hà Nội mạnh hơn Yangon United thấy rõ, thậm chí là một trong những đội có lực lượng tốt nhất tại AFC Cup 2019 (vốn chỉ gồm các anh hào hạng hai trở xuống của bóng đá châu lục, do các anh hào hạng nhất đều thi đấu tại AFC Champions League).

Nhưng thôi, câu hỏi về động lực và về khát khao của một đội bóng là câu hỏi quá khó trả lời, vốn chỉ có người trong cuộc tường tận nhất, nhưng thường thì họ không muốn đi đến cùng của sự tường tận đấy.

Hai đại diện của bóng đá Việt Nam và sự khác biệt ở cúp châu Á - 1

B.Bình Dương vừa giúp bóng đá Việt Nam giữ thể diện tại cúp châu Á

Tạm nhìn thất bại của CLB Hà Nội trong trận đấu trước Yangon United, và trước đó nữa là trận hoà đáng tiếc với Tampines Rovers (Singapore) xuất phát từ kinh nghiệm của đội bóng thủ đô ở giải châu Á, từ bản lĩnh ở thể thức đấu cúp.

Cho đến giờ, dù đã 4 lần vô địch V-League, nhưng CLB Hà Nội chưa lần nào đoạt cúp quốc gia. Ngay ở những thời điểm cực mạnh, đội bóng của bầu Hiển vẫn thường xuyên thất bại trong các cuộc đấu mang tính một mất một còn ở các giải cúp.

Các giải đấu cúp là các giải đấu diễn ra theo thể thức loại trực tiếp: Thắng đi tiếp và thua thì bị loại ngay, trong khi tại V-League, giải đấu diễn ra theo thể thức vòng tròn tính điểm, xếp hạng.

Ở thể thức league, không thể nói việc CLB Hà Nội có đến 3 “người anh em” khác cùng chịu ảnh hưởng của bầu Hiển không có lợi (bằng ngược lại thì có lẽ thế giới bóng đá đã không cấm tiệt tình trạng “một ông chủ - nhiều đội bóng” tồn tại ở cùng một giải đấu chuyên nghiệp).

Đã gọi là “anh em”, đặc biệt là anh em ruột thì làm gì có chuyện chơi theo kiểu một mất một còn với nhau, như khi đối diện với các đối thủ thông thường khác. Đấy là tâm lý sẽ xảy ra trong mọi lĩnh vực, chứ không riêng gì trong bóng đá.

Chính vì thế, dù các đội vốn chịu ảnh hưởng của bầu Hiển có phát biểu như thế nào đi chăng nữa, thì dư luận vẫn không đánh giá cao các phát biểu đấy, và trong cuộc đua tại V-League, các đội bóng của bầu Hiển vẫn chiếm lợi thế. Các đội bóng của bầu Hiển ở đây, dĩ nhiên bao gồm luôn CLB Hà Nội, đội vốn luôn có lợi thế không hề nhỏ trên đường lên ngôi vô địch V-League qua các năm.

Đá ở thể thức đấu cúp, đội bóng thủ đô không còn lợi thế đó, vì thể thức đấu cúp là thể thức đấu tay đôi, một nhóm đội muốn “thập diện mai phục” một đội cũng chẳng được. Thành ra, CLB Hà Nội vô địch cúp quốc gia khó hơn nhiều so với vô địch V-League.

Đá ở cúp châu Á, CLB Hà Nội càng không có lợi thế vừa nêu, nên họ luôn trầy trật ở các cúp châu Á vài năm trở lại đây, bất chấp việc họ hầu như là nhà vô địch tuyệt đối tại V-League.

B.Bình Dương lại khác, đội này có kinh nghiệm, quá thiện chiến ở thể thức đấu cúp. B.Bình Dương có thời cũng cực giàu, cực kỳ nhiều tiền, nhưng họ không làm bóng đá theo kiểu rải tiền nuôi nhiều đội bóng khác nhau hòng chiếm lợi thế.

Ngay ở thời điểm cực thịnh nhất về kinh tế, B.Bình Dương cũng chỉ đầu tư cho đúng 1 đội đá tại V-League, đầu tư cho thiệt xịn, để đội này vừa rất mạnh tại giải trong nước, vừa đủ sức tiến xa tại AFC Cup (vào bán kết kỳ giải 2009), gây ấn tượng mạnh tại AFC Champions League (các năm 2015 và 2016).

Những cuộc chiến đơn thương độc mã đấy giúp cho đội bóng đất Thủ Dầu tăng bản lĩnh đáng kể trên trường quốc tế. Để giờ, ngay cả khi không còn là đội mạnh, nhưng bản lĩnh đấy và kinh nghiệm đấy của B.Bình Dương vẫn còn, trước khi giúp cho họ giữ lại chút thể diện cho bóng đá Việt Nam tầm CLB tại đấu trường châu Á!

Kim Điền

Hai đại diện của bóng đá Việt Nam và sự khác biệt ở cúp châu Á - 2