Gặp cô gái Việt lập kỳ tích gây sửng sốt giữa Tokyo
(Dân trí) - Xin nói ngay, “kỳ tích” là hai chữ mà Cơ quan ngôn luận chính thức của Ủy ban Olympic Việt nam đánh giá. Còn “sửng sốt” cũng là từ mà Universal Sport dùng để nói về chiến công của Hà Thanh, một cô gái Việt ở Tokyo.
Sang Tokyo lần này, may mắn cho tôi đúng dịp Liên đoàn thể dục Quốc tế ( FIG) tổ chức giải vô địch Thế dục dụng cụ thế giới 2011 tại đây với sự góp mặt của hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Nhìn vào danh sách các đoàn có thể thấy đủ mặt các cường quốc về thể dục dụng cụ mà xưa nay những người hâm mộ rất kính nể: Nga, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức, Romania, Anh, Brazil….
80 đoàn tranh 6 bộ huy chương, vị chi tất cả chỉ có 18 chiếc HC. Bởi vậy, như Bà trưởng đoàn Kim Lan tâm sự: “Đây là một môn thi kinh điển, chính thức của các kỳ Thế vận hội Olympic cho nên các nước họ đã có một lịch sử xây dựng phát triển vững chắc, ở một đẳng cấp cao. Ta tham dự để học tập và hướng tới SEA Games. Mong vượt qua vòng loại cũng là điều ước mơ chứ chưa bao giờ dám nghĩ tới việc bước lên bục nhận huy chương.
Ấy vậy mà khi tổng kết vòng loại, ngoài 7 cái tên có điểm số cao đã an vị, cần chọn tiếp một vị trí thứ 8 cuối cùng thì bảng điểm hiện lên tới 3 cái tên có điểm số suýt soát và nhờ chỉ hơn người thứ 9 có 0,02 điểm mà Phan Thị Hà Thanh - cô gái Việt Nam đã bước qua vòng loại.
Đây đúng là ước mơ của Thể dục dụng cụ Viêt Nam trong hàng chục năm qua. Lãnh đạo, HLV, VĐV đã ôm nhau mừng đến phát khóc. Ta ngạc nhiên và dư luận thế giới cũng ngạc nhiên. Kênh thế thao nổi tiếng thế giới ESPN dưới tiêu đề “Phát hiện mới ở nội dung nhảy ngựa”, đã không giấu nổi ngạc nhiên: “Cho đến khi kết thúc vòng đấu loại đầu tiên, chẳng ai biết đến Hà Thanh. Ngay cả khi vào phần thi chung kết, cô ấy vẫn hoàn toàn vô danh,… Nhưng có một điều, tất cả chúng ta đều chắc chắn: Cô ấy là một tài năng lớn ở nội dung nhảy ngựa”.
Từ thứ 8 “đội sổ” để vượt qua 5 vị trí xếp trên chiếm huy chương đó là cả một quá trình luyện tập gian khổ suốt 14 năm qua của Hà Thanh.
Tôi gặp Hà Thanh, cô gái Hải Phòng có cái duyên lạ, sinh năm 1991, đến với cuộc thi này khi Thanh đúng tròn tuổi 20 (16/10). Được chọn vào học thể dục dụng cụ từ năm lên 7 tuổi, sau tuổi tiểu học, trưởng thành từ đội tuyển trẻ Hải Phòng, Thanh được tuyển vào “đội tuyển nhớn”. Thế là phải xa bố mẹ lên Hà Nội vừa học chuyên môn vừa học văn hóa. Vào cấp trung học phổ thông, khi bạn bè không chỉ suốt ngày học văn hóa mà còn đi học thêm, thì đối với Thanh việc rèn luyện chuyên môn trở thành chính, nên sau những giờ tập luyện mỏi nhừ, tối tối lại phải cắp sách đi học bổ túc văn hóa mới đủ điều kiện để vào đại học.
Nỗ lực rèn luyện của Hà Thanh được thể hiện qua từng bước tiến trong thành tích. SEA Games 2003 ở Việt Nam, Hà Thanh góp phần cùng đồng đội đạt HCV. Hai năm sau, tại SEA Games 2005 ở Philippines, HCB đồng đội, và 2 HCĐ cá nhân ở nội dung xà lệch và nhảy ngựa. Tới SEA Games 2007 ở Thái Lan, Hà Thanh xuất sắc giành HCV môn nhảy ngựa.
Dù vậy, khi đặt cạnh các tên tuổi đã từng đăng quang trên bục cao nhất thế giới như nhà vô địch toàn năng Mỹ, vô địch đồng đội Thế giới Mc Kayla Maroney; Oksana Chusovitina (Đức), người đang có bộ sưu tập huy chương kỷ lục trong gần suốt 20 năm qua, rồi Barbosa Fernandes, Brasil cũng vừa đoạt HCĐ năm 2010, thì đúng như ESPN nhận xét, Hà Thanh vẫn là người vô danh.
“Bước vào thi đấu, em hoàn toàn không bị áp lực thành tích, không bị khớp và nỗ lực hết mình nhờ được sự cổ vũ của cả đoàn Việt Nam”, cô gái rất hâm mộ Chen Feng, một VĐV nhảy cầu được cả thế giới khâm phục và lấy tên đặt cho kiểu nhảy này, vui vẻ chia sẻ.
Hà Thanh đã vượt qua hàng loạt đối thủ mạnh từ Brazil, Nga, Thụy Sỹ, Mexico, Trung Quốc, Nhật Bản… để về thứ ba chung cuộc. Sau hai lượt thi, cô gái nhỏ nhắn của Việt Nam đạt tổng điểm 14.666, chỉ đứng sau hai tên tuổi lớn là kiện tướng Đức Chusovitina với 14.733 điểm (HCB) và McKayla Maroney của Mỹ với 15.300 điểm (HCV).
Xúc động biết bao, giữa Tokyo tráng lệ, cờ đỏ sao vàng được kéo lên cùng với quốc kỳ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ và lá cờ ba sắc của Cộng hòa Liên bang Đức.
Không hiểu sao lúc này trong tôi lại vang lên một bài hát: “Ngày mai, em vừa tròn hai mươi tuổi, cô gái vùng cao xinh đẹp vô cùng, súng trong tay…”. Giờ đây, cô gái Hải Phòng 20 tuổi tròn này không phải cầm súng mà bằng sự kiên trì luyên tập, bằng ý chí thi đấu kiên cường đã đem lại vinh quang cho đất nước. Tôi bắt tay Thanh và thay mặt người hâm mộ nói lời cám ơn. Cô gái bẽn lẽn: “Cháu còn phải rèn luyện nhiều mới bằng người ta bác ạ”.
7h sáng 17/10, cả đoàn đã phải dắt nhau ra sân bay Narita về Hà Nội. Tranh thủ lúc chờ máy bay, tôi hỏi Hà Thanh: “Sang Tokyo cháu đã đi tham quan được những nơi nào, đi mua sắm ở đâu chưa?”. Hà Thanh cho biết: “Từ lúc tới đây, cháu chỉ biết khách sạn, phòng tập và nhà thi đấu, rồi bây giờ là sân bay”. “Thế còn quà cho mẹ? Dạ, ra sân bay cháu mới mua cho mẹ một lọ dầu gội đầu”.
Nhìn Hà Thanh hồn nhiên vui đùa, tôi thầm nghĩ chiếc HCĐ tại Tokyo hôm nay sẽ tạo điều kiện đưa cô đến với Olympic 2012… Hy vọng Hà Thanh sẽ tỏa sáng tại SEA Games 26 và sang năm, cô lại đặt chân xuống sân bay Heathrow để góp sức giương cao lá cờ đỏ sao vàng dưới bầu trời London.
Nguyễn Lương Phán