1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Gánh nặng tài chính và đòi hỏi nâng cao trình độ ở V-League

(Dân trí) - Cơn sốt liên quan đến đội U19 Việt Nam trong mấy ngày qua khiến người ta dường như quên mất V-League sắp khai màn. Giải VĐQG sắp khai diễn trong bối cảnh đòi hỏi nâng cao trình độ bóng đá nội đang tăng cao, nhưng dường như những khó khăn thì vẫn còn nguyên đấy…

Oằn vai với gánh nặng tài chính

Khó khăn đầu tiên dễ nhận thấy nhất ở V-League chính là khó khăn về mặt tài chính. Cho đến sát giờ bóng lăn, công ty đang điều hành giải đấu này mới có thể công bố tên nhà tài trợ (sẽ diễn ra trong ít ngày tới). Điều đó âu cũng dễ hiểu trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, tìm một nhà tài trợ cỡ bự sẵn sàng chi vài chục tỷ đồng/mùa giải cho V-League là chuyện không thể cứ muốn là được.

Khi mới thành lập, VPF từng có một hội đồng bảo trợ hoành tráng, với chục doanh nghiệm mà ngay mùa đầu tiên đã sẵn sàng góp mỗi doanh nghiệp 5 tỷ đồng (tổng cộng 10 doanh nghiệp hứa góp 50 tỷ).

Nhưng đấy là thời điểm VPF còn bầu Kiên, và hội đồng bảo trợ đấy được lập ra từ ảnh hưởng của ông bầu này trong giới tài chính. Hội đồng bảo trợ ấy đã không còn ngay ở năm thứ 2 mà VPF tồn tại, sau khi bầu Kiên bị bắt vì những sai phạm trong kinh doanh.

V-League 2014 sắp khai màn với gánh nặng tài chính làm oằn vai cả nền bóng đá
V-League 2014 sắp khai màn với gánh nặng tài chính làm oằn vai cả nền bóng đá



Thành ra, câu chuyện tìm nguồn tài chính cho VPF, cho các giải đấu chuyên nghiệp trong đó có V-League gần như là chuyện nội bộ của các doanh nhân hiện đang có chân trong HĐQT của công ty này.

Đó là bầu Thắng (chủ tịch HĐQT VPF) và bầu Đức (phó chủ tịch HĐQT) mỗi người góp một ít trong gói tài chính để duy trì hoạt động của công ty. Đấy là phó chủ tịch HĐQT Lê Hùng Dũng trong vai người đứng đầu một ngân hàng có tiếng, kiêm luôn nhà tài trợ cho các giải đấu mà VPF tổ chức.

Không có những “nguồn sữa” cố định từ các ông bầu ít ỏi còn hiện diện ở VPF, chưa biết công ty này sẽ hoạt động bằng cách nào, và V-League lấy gì để tồn tại?

Thành ra mới có chuyện thay vì được chia lợi nhuận như lời hứa mà VPF từng đưa ra ngày mới hình thành, các thành viên của giải đấu, tức các CLB vẫn phải góp vốn cổ đông cho hoạt động của công ty, cho sự sống còn của giải V-League.

… Và yêu cầu nâng cao trình độ

Bóng đá Việt Nam năm vừa qua gần như đã xuống chạm đáy. Đấy là một năm mà bóng đá nội hứng chịu hậu quả nặng nề của sự xuống cấp có hệ thống từ những năm trước đó, với các đội tuyển quốc gia đá không ra hình ra hài ở các sân chơi quốc tế.

Là một giải quốc nội lộn xộn, thậm chí suýt vỡ vì sự cố XM Xuân Thành Sài Gòn bỏ giải. Là hình ảnh mà người ta không hề muốn thấy nơi một CLB được gắn mác chuyên nghiệp: K.Kiên Giang tự động tan rã vì… hết tiền.

Khâu đào tạo trẻ quá tệ, thể hiện qua chất lượng cầu thủ kém mà các CLB cung cấp cho các đội tuyển quốc gia thi đấu bết bát trong năm.

Trong bối cảnh ấy, nếu không nâng được chất lượng V-League, bóng đá Việt Nam chỉ có nước… lún (vì đã xuống đụng đáy rồi mà!). Giải VĐQG và bản thân các CLB chính là chân đế của cả nền bóng đá. Không thể có nền bóng đá mạnh một khi chân đế không vững, còn các CLB thành viên thì sống trong tình trạng chẳng biết có còn ngày mai?

Nhưng như đã nói ở trên, với gánh nặng tài chính đang làm oằn vai các CLB, làm oằn vai cả nền bóng đá, thì rất khó trả lời chất lượng của V-League có được nâng lên hay không?

V-League hiện vẫn còn đấy những CLB nói thẳng chưa chắc có thể trụ đến hết mùa như V.Ninh Bình, Hải Phòng. Đấy cũng là dạng CLB đặc trưng về tình trạng 3 không: Không cơ sở vật chất, không tuyến kế cận và có thể là không… tiền.

V-League vẫn còn đấy dạng những người đứng đầu các CLB vốn sáng nắng chiều mưa, nên chưa biết cơn hứng của các ông bầu dạng này sẽ nổi lên lúc nào? Lúc nào muốn chơi, lúc nào đòi nghỉ?

Nâng chất ở V-League, trước hết phải nâng cao ý thức của từng ông bầu, nâng cao chất lượng từng CLB, từ chất lượng chuyên môn cho đến chất lượng sân bãi và trình độ tổ chức. Và quan trọng hơn, tự thân V-League phải kiếm ra lãi, tự thân mỗi CLB phải tự nuôi sống được mình, theo đúng tiêu chí chuyên nghiệp.

Mà với bóng đá Việt Nam hiện nay, không chuyện gì trong số các chuyện kể trển là dễ thực hiện.

Trọng Vũ