FIFA Club World Cup: Lịch sử hình thành và những mặt trái
(Dân trí) - Cúp thế giới các CLB là giải đấu nhằm tìm ra đội bóng số 1 thế giới đã trải qua một quá trình phát triển và hình thành rất dài nhưng nó chưa bao giờ đạt đến tầm cỡ của World Cup.
Cách đây 2 năm, Barcelona đã giành được chức vô địch thế giới các CLB tổ chức ở Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Giờ đây, sau trận cầu Siêu kinh điển với đại kình địch Real Madrid, Guardiola và các học trò lại phải “chạy sô” tham dự giải đấu mà họ đã lên ngôi cách đây 2 năm. Liệu có đáng để vắt kiệt thể lực của các nhà đương kim vô địch châu Âu cho một giải đấu không mấy quan trọng?
Vậy lịch sử hình thành giải đấu mang tầm thế giới dành cho các CLB này là như thế nào?
Quay trở về thời điểm cách đây ngót nghét nửa thế kỉ, ý tưởng về một giải đấu bóng đá toàn thế giới cấp CLB được thai nghén ở Nam Mỹ. Vào thời điểm ấy, CONMEBOL (Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ) cảm thấy ghen tị với sự thành công vang dội của European Champion Clubs' Cup (tiền thân của UEFA Champions League ngày nay) khi đó đang được tổ chức ở Cựu lục địa. Chính vì lí do này, các nhà làm bóng đá Nam Mỹ đã quyết định thành lập giải đấu mang tên Copa Libertadores vào năm 1960, với tham vọng rằng khu vực châu Mỹ latinh sẽ có thể chọn ra được một nhà vô địch đủ sức đối chọi với những ông lớn của bóng đá châu Âu qua từng năm.
Nhà vô địch đầu tiên của Copa Libertadores là CLB Penarol đến từ Uruguay. CONMEBOL hi vọng rằng Penarol có thể đánh bại được Real Madrid, CLB khi ấy gồm toàn những hảo thủ như Alfredo Di Stefano, Ferenc Puskas, Paco Gento và Jose Santamaria, những người vừa nã đến 7 bàn vào lưới đối thủ Eintracht Frankfurt để bước lên bục vinh quang của bóng đá lục địa già và sở hữu kỉ lục lần thứ 5 liên tiếp vô địch giải đấu danh giá nhất châu Âu.
Chạm trán với kẻ thách thức Penarol đến từ Nam Mỹ xa xôi, Los Blancos lại tiếp tục hủy diệt đối phương với chiến thắng cách biệt 5 bàn ngay tại sào huyệt Santiago Bernabeau trong trận lượt về, sau khi đã hòa 0-0 ở trận lượt đi tại Montevideo. Như vậy Real là đội đầu tiên trong lịch sử giành được ngôi vô địch thế giới. Thế nhưng thực tế thì không có một danh hiệu chính thức nào mang tên như vậy vào thời điểm đó, và những trận đấu giữa các “nhà vua” của bóng đá Châu Âu và Nam Mỹ cấp CLB được đặt tên là Intercontinental Club Cup hoặc Europe-South America Cup.
Năm sau, Penarol đánh bại Benfia của Eusbio, và mặc dù tượng đài bóng đá người Bồ Đào Nha có góp mặt ở trận play-off tại Montevideo nhưng đội bóng của ông vẫn phải nhận thất bại trước người Uruguay.
Trong cả 2 năm tiếp theo, CLB Santos, với niềm cảm hứng mang tên Pele, đã giành được cú đúp vô địch Copa Libertadores và Europe-South America Cup. Như vậy, huyền thoại người Brazil đã đạt được kì tích là vô địch thế giới ở cả cấp độ đội tuyển lẫn CLB. Tuy nhiên một vài “vết nhơ” đã xuất hiện trong trận đấu giữa AC Milan và Santos diễn ra vào năm 1963, đó là những quyết định thiếu chính xác của vị trọng tài người Argentina Juan Brozzi, người sau đó bị treo còi. Thủ thành Milan Luigi Balzarini cũng không gặp may khi rời sân với vết thương ở trán.
Europe-South America Cup chứng kiến Inter Milan của Helenio Herrera 2 lần liên tiếp lên ngôi vào các năm 1964 và 1965. Bại binh trong cả 2 trận “chung kết bóng đá thế giới” của Nerazzurri khi đó đều là CLB Independiente của Argentina. Truyền thông quốc tế khi đó đã gọi khoảng thời gian này là năm của “những người Argentina giận dữ” (Herrera cũng là người Argentina).
Năm 1967, Racing giành chiến thắng trước Celtic trong một trận cầu có tới 5 cầu thủ bị truất quyền thi đấu, thậm chí có một cầu thủ còn từ chối rời sân. Sau đó liền 3 năm (từ 1968 đến 1970) là khoảng thời gian CLB Estudiantes de La Plata thống trị bóng đá Nam Mỹ, chính vì thế một mình đội bóng của Argentina này đã có dịp đối đầu với 3 “đại gia” châu Âu là Manchester United, AC Milan và Feyenoord.
Những nhà vô địch Châu Âu đã quyết định không tham dự Europe-South America Cup kể từ năm 1971, với đội đi tiên phong là Ajax Amsterdam. Họ không muốn mạo hiểm với tình trạng thể lực của các cầu thủ con cưng. Thay vào đó họ thành lập UEFA Super Cup (chỉ trong phạm vi châu Âu).
Ý niệm về một giải đấu tầm cỡ thế giới dành cho các CLB chỉ được “cứu vớt” vào năm 1981 bởi sự xuất hiện của tập đoàn Toyota với tư cách là nhà tài trợ. Hãng xe hơi nổi tiếng toàn cầu này muốn đưa các cuộc tranh tài giữa các CLB mạnh nhất thế giới về tổ chức ở Tokyo, với mục đích là quảng bá hình ảnh nước Nhật, giúp ích cho công tác vận động giành quyền đăng cai World Cup cho xứ sở hoa anh đào (cuối cùng người Nhật đã thành công khi họ trở thành đồng chủ nhà World Cup vào năm 2002).
Khởi đầu cho chuỗi những năm tranh Cúp vô địch thế giới ở Nhật là trận đấu giữa Nacional và Nottingham Forest năm 1980. Đội bóng của Uruguay đã đánh bại CLB đến từ xứ sở sương mù với tỉ số 1-0 trong 1 trận cầu duy nhất (không còn lượt đi lượt về như trước). Sau này, FIFA bắt đầu thách thức bản chất của cái gọi là “danh hiệu quán quân thế giới”. Bắt đầu từ năm 2005, tổ chức bóng đá quyền lực nhất thế giới quyết định cơ cấu lại giải đấu giống với như hiện nay, tức là các CLB vô địch mỗi châu lục sẽ cùng đến Nhật Bản tham dự giải với một CLB chủ nhà, và Nhật sẽ không còn là quốc gia duy nhất được quyền đăng cai. Giải đấu sẽ mang tên mới là FIFA Club World Cup.
Không thực sự được nhiều fan hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới quan tâm, nhưng FIFA Club World Cup vẫn có sức hấp dẫn nhất định bởi nguồn lợi về tài chính dành cho các đội bóng tham dự là rất đáng kể, và thế là những ngôi sao bóng đá như Messi, Xavi hay Iniesta vẫn sẽ phải “è cổ” đá hết giải này đến giải nọ, để rồi đến mùa hè, khi World Cup, Euro hay Copa America được tổ chức, sẽ chẳng ai thấy được những màn trình diễn tuyệt diệu của họ.
Ngọc Trung