Điểm lại các "cột mốc" trong vụ "U23 bán độ":

Đường đến địa ngục của những linh hồn bị bán rẻ

(Dân trí) - Phiên tòa xét xử vụ án “bán độ” chấn động nền bóng đá và xã hội Việt Nam đã khép lại. Hãy cùng Dân trí điểm lại những cột mốc buồn trên con đường tội lỗi của những cầu thủ-bị cáo.

Ngày 21/11/2005: Lê Quốc Vượng bắt liên lạc với Trương Tấn Hải (thông qua số điện thoại mà Nguyễn Phi Hùng nhắn cho) bàn về việc dàn xếp tỷ số trận Việt Nam - Myanmar. Theo đó, Vượng đảm bảo thắng Myanmar với tỷ số 1-0.

 

Bù lại, Hải, qua đường dây cá độ của Lý Quốc Kỳ (hiện đang bị truy nã), phải trả cho Vượng và 7 cầu thủ khác mỗi người 30 triệu đồng. Ngoài ra, Vượng nhờ Hải đặt hộ vào “cửa” Myanmar (Việt Nam chấp quả rưỡi) 250 triệu đồng.

 

Trưa 24/11/2005: Vượng gọi tổng cộng 8 đồng đội gồm Tài Em, Tấn Tài, Văn Quyến, Hải Lâm, Bật Hiếu, Văn Trương, Phước Vĩnh, Quốc Anh vào phòng 214 khách sạn Circle Inn (Bacolod - Philippines) thông báo kế hoạch và rủ rê các đồng đội tham gia dàn xếp theo đúng giao kèo giữa Vượng và Hải.

 

Mỗi người sẽ được từ 20 - 30 triệu đồng. Ngoài ra, Vượng còn hứa đặt cược hộ những ai thích đặt cửa Myanmar. Tài Em không đồng ý và bỏ về phòng, Tấn Tài hứua chỉ giúp đá thắng, không nhận tiền. 6 cầu thủ còn lại đồng ý thực hiện kế hoạch của Vượng.

 

Sau đó, Tài Em báo cáo lại ý định nói trên cho HLV phó Lê Thụy Hải và trợ lý ngôn ngữ Trần Hùng Cường nhưng hai ông đã “ngậm tăm”.

 

Chiều 24/11/2005: Tài Em ghi bàn duy nhất, U23 VN thắng Myanmar 1-0 đúng như kế hoạch của “nhóm 7 người”.

 

Ngày 26/11/2005: Đúng như giao hẹn, Hải mang số tiền 490 triệu đồng (gồm 240 triệu tiền “thù lao” và 250 triệu tiền thắng độ của Vượng) giao cho bạn gái của Vượng là Phan Thị Cẩm Lai tại một khách sạn ở TP.HCM, đợi ĐT U23 về nước sẽ giao lại cho Vượng và các đồng đội ăn chia.

Ngày 5/12/2005: Sau thất bại 0-3 trước U23 Thái Lan ở trận Chung kết, U23 VN về nước. Vượng đã gọi điện cho Cẩm Lai mang tiền đến “chung” cho Quyến, Hiếu và Quốc Anh mỗi người 20 triệu đồng. Vượng cũng gửi Quốc Anh cầm hộ Vĩnh 20 triệu. Trương và Lâm chưa kịp lấy “thù lao”. Số tiền còn lại, Vượng gửi Lai cầm hộ và giữ một ít để ăn tiêu.

Ngày 15/11/2005: Thủ tướng Phan Văn Khải chỉ đạo Bộ Công an nhanh chóng điều tra làm rõ các vụ tiêu cực bóng đá, trong đó đặc biệt nhấn mạnh “nghi án” bán độ tại SEA Games 23.

Ngày 20/12/2005: Cơ quan cảnh sát điều tra tội phạm trật tự xã hội (C14) quyết định khởi tố vụ án “U23 bán độ”, bắt tạm giam Quyến (với tội danh tổ chức đánh bạc) và Vượng (với hai tội danh Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc).

Ngày 28/12/2005: Đến lượt Anh, Hiếu bị khởi tố và bắt tạm giam với tội danh Tổ chức đáng bạc.

Ngày 6/1/2006: Trương, Lâm và Vĩnh bị khởi tố với tội danh tương tự và bị cấm rời địa phương nơi cư trú.

Ngày 13/1/2006: Bộ Công an báo cáo lên Thủ tướng Phan Văn Khải kết quả điều tra sơ bộ. Nguyễn Phi Hùng và Phan Thị Cẩm Lai được xác định không liên quan đến vụ án vì Hùng không biết mục đích Vượng xin số điện thoại của Hải còn Lai không biết xuất xứ nguồn tiền mà Vượng nhờ cầm hộ.

Ngày 6/3/2006: Sau một thời gian đấu tranh với Vượng, CQĐT xác định được đầu mối tổ chức trong nước và khởi tố Hải về tội danh Tổ chức đánh bạc.

Ngày 24/4/2006: Quyến và Anh được tại ngoại và áp dụng biện pháp cấm rời khỏi nơi cứ trú.

Ngày 19/6/2006: CQĐT trưng cầu giám định băng ghi hình trận Việt Nam - Myanmar.

Ngày 20/6/2006: Hội đồng giám định trận đấu do UB TDTT thành lập đã tiến hành “mổ băng” và kết luận về các biểu hiện tiêu cực trong thi đấu của một số cầu thủ, gồm đủ tên 7 cầu thủ “nhúng chàm”.

Ngày 20/7/2006: đến lượt Hiếu được tại ngoại.

Ngày 28/8/2006: Cục CQĐT quyết định khởi tố Lý Quốc Kỳ với tội danh Tổ chức đánh bạc. Kỳ chính là “trùm độ” đứng sau lưng Hải.

Ngày 4/9/2006: Kỳ bỏ trốn khỏi nơi cư trú. Lệnh truy nã được phát đi một ngày sau đó nhưng đến nay vẫn chưa phát hiện tung tích Kỳ.

Ngày 15/09/2006: CQĐT tống đạt kết luận điều tra đối với 8 bị can.

Ngày 25/12/2006: Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ra cáo trạng truy tố 8 cựu cầu thủ với tội danh Đánh bạc và Tổ chức đánh bạc.

Ngày 2/1/2007: Vượng và Hải bị di lý vào trại tạm giam Chí Hòa (TP.HCM) chờ ngày xét xử tại TAND TP.HCM.

Ngày 25/1/2007: Khai mạc phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án.

15g30’ ngày 26/1/2007: Bế mạc phiên tòa sơ thẩm. 8 bị cáo bị tuyên án cụ thể như sau:

- 6 năm tù giam cho bị cáo Lê Quốc Vượng với 2 tội danh: “Đánh bạc” và “Tổ chức đánh bạc”

 

- 3 năm tù giam cho bị cáo Trương Tấn Hải với tội danh: “Tổ chức đánh bạc”.

 

- 2 năm tù treo cùng 2 năm thử thách cho 4 bị cáo: Phạm Văn Quyến, Châu Lê Phước Vĩnh, Lê Văn Trương và Nguyễn Hải Lâm với tội danh: “Tổ chức đánh bạc”.

 

- 2 năm 6 tháng tù treo cùng 3 năm thử thách cho 2 bị cáo: Nguyễn Bật Hiếu và Huỳnh Quốc Anh với tội danh: “Tổ chức đánh bạc”.

 

Ông Lê Thụy Hải và Trần Hùng Cường (nguyên trợ lý HLV ĐT U23 VN tại SEA Games 23) được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng bị Toà đề nghị sang LĐBĐ Việt Nam và UB TDTT xem xét kỷ luật nghề nghiệp.

T.M
(Tổng hợp)