Đội tuyển Việt Nam bị ảnh hưởng ra sao khi không có Anh Đức?
(Dân trí) - Không có trung phong số 1 Việt Nam ở thời điểm hiện tại là Nguyễn Anh Đức, chất lượng hàng tấn công của đội tuyển Việt Nam tại Asian Cup 2019 dĩ nhiên không bén như hồi AFF Cup. Tuy nhiên, đấy là thực tế mà đội tuyển trước sau gì cũng phải làm quen và thích nghi.
Nói đội tuyển Việt Nam không bị ảnh hưởng khi không có Anh Đức chơi ở vị trí cao nhất trên hàng tấn công chắc chắn không đúng, bởi cả nước đã thấy tiền đạo này nguy hiểm như thế nào ở khả năng săn bàn tại AFF Cup 2018 vừa qua.
Nhưng Anh Đức đã 33 tuổi, trước sau gì cầu thủ này cũng sẽ hụt hơi vì tuổi tác, và trước sau gì đội tuyển Việt Nam cũng cần một trung phong mới trẻ trung hơn, lấp khoảng trống mà Anh Đức để lại.
Thậm chí, việc tiền đạo đang khoác áo CLB B.Bình Dương toả sáng ở AFF Cup 2018, mang về cúp vô địch cho bóng đá Việt Nam đã là sự bền bỉ đáng ngạc nhiên, bởi cùng thế hệ với Anh Đức, không còn tiền đạo nào còn thi đấu ở đỉnh cao, và hơn nữa là giữ được phong độ rất cao ở đỉnh cao giống Anh Đức.
Anh Đức cũng là chân sút nội hiếm hoi từng toả sáng ở các sân chơi đẳng cấp châu Á (đẳng cấp châu Á chứ không phải Đông Nam Á), thông qua việc Anh Đức từng ghi rất nhiều bàn thắng ở đấu trường AFC Champions League trong sắc áo B.Bình Dương. Thế nên, việc không có Anh Đức tại Asian Cup 2019 càng là điều đáng tiếc.
2 trung phong của đội tuyển Việt Nam hiện tại, có tên trong danh sách chuẩn bị cho Asian Cup 2019 là Hà Đức Chinh và Nguyễn Tiến Linh sẽ lãnh nhiệm vụ thay thế vị trí của người đàn anh.
Dĩ nhiên, nếu so sánh giữa họ và Anh Đức, cầu thủ từng giành danh hiệu vua phá lưới V-League 2015 hay hơn, nhạy bén hơn hẳn trước các cơ hội săn bàn.
Mặc dù vậy, đấy là vấn đề thuộc về kinh nghiệm và bản lĩnh. Mà bản lĩnh và kinh nghiệm là những yếu tố mà Hà Đức Chinh và Nguyễn Tiến Linh có thể tích luỹ được nếu được thi đấu nhiều.
Tiến Linh là gương mặt triển vọng có thể thay thế chân sút đàn anh (ảnh: An An)
Dù muốn dù không, trước sau gì Tiến Linh và Đức Chinh cũng phải bước trên con đường mà Anh Đức đã từng đi qua, phải học hỏi những gì mà người đàn anh của mình từng làm được, nếu muốn trở thành chân sút lớn.
Cái cách Tiến Linh ghi bàn trong trận giao hữu giữa đội tuyển Việt Nam với CHDCND Triều Tiên mới đây là một tín hiệu tốt đối với tiền đạo trẻ này: Di chuyển thông minh, dứt điểm lạnh lùng vào lưới.
Điều tiếp theo mà Tiến Linh hay Hà Đức Chinh cần cải thiện là sự vững vàng về mặt tâm lý ở các trận đấu quan trọng. Rõ ràng tình huống mà Tiến Linh ghi bàn trước CHDCND Triều Tiên còn khó hơn cả tình huống mà anh đối mặt với thủ môn ở chung kết lượt đi AFF Cup 2018 gặp Malaysia,
Tiến Linh bỏ lỡ cơ hội trên sân Bukit Jalil ở lượt đi chung kết giải Đông Nam Á hoàn toàn xuất phát từ tâm lý, từ yếu tố được gọi là bản lĩnh trong những trận cầu lớn. Thành ra, mong rằng Tiến Linh và cả Đức Chinh nữa nên tự tin trong chặng đường trước mắt của mình, rằng họ không yếu về mặt kỹ thuật, họ có thể thực hiện những tình huống còn khó hơn trong các trận giao hữu, các trận vòng ngoài, thì ngại gì các tình huống tương tự hoặc dễ hơn khi bước vào các trận đấu mang tính quyết định.
Đấy cũng là cách tốt nhất để giúp người hâm mộ vơi đi nỗi nhớ Anh Đức, giúp đội tuyển không hụt hẫng khi thiếu vắng chân sút tài năng thuộc vào loại hàng đầu Việt Nam suốt nhiều năm qua!
Kim Điền