Đội tuyển Italia mạnh khủng khiếp: Khi "vòng kim cô" đã tháo xuống…
(Dân trí) - Bóng đá Italia đã thực sự tháo đi "vòng kim cô" đã kìm kẹp họ trong nhiều năm qua. Giờ đây, họ đang "lột xác" trong hình hài của kẻ hủy diệt…
"Liệu đây có phải đội tuyển Italia?" - hẳn nhiều người sẽ thốt ra như vậy khi chứng kiến đoàn quân áo Thiên Thanh hủy diệt từng đối thủ ở vòng bảng Euro 2020.
Thống kê chỉ ra rằng, Italia đang trải qua chuỗi 11 trận bất bại và không để thủng lưới. Nhưng việc "không để thủng lưới" không phải là vấn đề người ta muốn nhắc tới. Bởi con số ấy không đại diện cho hàng phòng ngự của Italia. Bởi lẽ, Italia của ngày hôm nay đã mang bộ mặt hoàn toàn khác…
Những người Italia từng tự hào khi sản sinh ra lối chơi phòng ngự Catenaccio trứ danh. Trong dòng chảy của lịch sử bóng đá, mỗi khi nhắc tới lối chơi phòng ngự, người ta luôn nhắc tới Italia đầu tiên. Điều đó không sai! Bởi lẽ, không có đội bóng nào từng đưa lối chơi phòng ngự lên tầm nghệ thuật như Italia.
Nhưng đó không phải là câu chuyện của hiện tại…
Italia lại đất nước tôn sùng chủ nghĩa bảo thủ tới cực đoan. Trong suốt thời gian dài, những người hâm mộ Italia có chiến dịch phản đối sự xuất hiện của Oriundi (những cầu thủ không mang dòng máu thuần chủng Italia) xuất hiện trong đội hình. Đó là lý do mà Balotelli liên tục bị la ó mỗi khi ra sân ở đội tuyển quốc gia. Trong những năm qua, sự phản đối này mới dịu đi.
Bên cạnh đó, ngay cả CLB lớn ở Italia cũng không dám xây dựng sân vận động riêng vì… truyền thống (sau này, Juventus là CLB đầu tiên và duy nhất xây sân riêng).
Và có một "sự bảo thủ" cần nhắc tới ở đây, các HLV Italia cũng không dám thay đổi lối chơi phòng ngự, thứ mà người Italia luôn tự hào. Họ sợ sức ép của dư luận. Sợ thất bại nếu như chơi tấn công. Và cứ thế, trong hàng thập kỷ qua, người Italia đã chìm đắm vào cơn mê ấy, tới mức bị ám ảnh thực sự.
Ngay cả khi trong quá khứ, Azzurri sở hữu không ít tiền đạo hào hoa như Baggio, Del Piero, Totti nhưng họ lại không bao giờ dám từ bỏ lối chơi ăn sâu vào máu.
Hay nói cách khác, lối chơi phòng ngự hay nói xa hơn là chủ nghĩa bảo thủ giống như "chiếc vòng kim cô" kiềm tỏa, kéo bóng đá Italia thụt lùi. Ở thời điểm mà ngay cả mảnh đất Italia cũng không sản sinh nổi "chuyên gia phòng ngự" như trước, việc đội tuyển Italia chịu thất bại cũng là điều dễ hiểu.
Kể từ sau khi lọt vào trận chung kết Euro 2012 (thua tan tác trước lối chơi kiểm soát bóng của Tây Ban Nha), bóng đá Italia đã tụt dốc nghiêm trọng. Họ bị loại ở vòng bảng World Cup 2014, tứ kết Euro 2016 và đỉnh cao thất vọng là việc không thể giành vé tham dự World Cup 2018.
Và chỉ tới nỗi thất vọng năm 2018, Italia dám "tháo vòng kim cô" đã kìm tỏa họ trong nhiều năm qua. Lối chơi phòng ngự của Italia rõ ràng không còn phù hợp ở thời điểm này. Dưới thời Mancini, Italia cho thấy họ tấn công không thua kém bất kỳ đội bóng nào.
Italia giờ đây là hình ảnh đội bóng dám đẩy cao pressing, dám chơi tấn công vỗ mặt đối thủ, khiến cho họ tê liệt thực sự. Điều đáng mừng với đội bóng của Mancini chính là tốc độ của những đợt tấn công.
Họ không chủ động kiểm soát bóng như Tây Ban Nha, mà luôn cố gắng dồn bóng lên phía trước một cách nhanh nhất có thể. Tốc độ của Leonardo Spinazzola, Domenico Berardi, Lorenzo Insigne (hay kể cầu thủ dự bị như Federico Chiesa) chính là thứ vũ khí lợi hại. Bí quyết thành công trong những cuộc đối kháng là nhanh hơn đối thủ. Và Italia đang cho thấy điều đó.
Ở chiều ngược lại, Italia thể hiện lối chơi hiện đại hơn. Họ luôn tìm cách lấy lại bóng nhanh nhất có thể nhờ sự cơ động của cả ba tuyến. Trong đó, hàng tiền vệ Italia đang có những tiền vệ lý tưởng để sử dụng lối chơi này như Manuel Locatelli, Nicolò Barella.
Thống kê chỉ ra rằng trong 3 trận đấu với Thổ Nhĩ Kỳ, Thụy Sĩ và xứ Wales, đoàn quân của HLV Mancini chỉ đối diện với 12 cú dứt điểm (trung bình 4 cú/trận), trong đó chỉ có… 2 cú dứt trúng đích. Tới đây, người ta có thể hiểu rằng Italia "càn quét" đối thủ tốt tới như vậy. Việc họ không để thủng lưới cũng là điều dễ hiểu.
Bộ phim kinh điển của Italia có tên "Rạp chiếu bóng thiên đường" kể về câu chuyện của Salvatore, một cậu bé có niềm đam mê chiếu bóng cháy bỏng. Giấc mơ của cậu bé là được đứng sau màn hình, chiếu những thước phim tới đông đảo người xem. Thế nhưng, một người chiếu bóng già có tên Alfredo đã nhắn nhủ cậu bé bằng câu nói kinh điển: "Con không thể theo công việc này cả đời được. Với tài năng của con, vũ đài phải là ở Roma".
Và cuối cùng, Salvatore đã trở thành đạo diễn nổi tiếng, được mến mộ.
Đó chỉ là vô vàn câu chuyện để thấy rằng nếu bạn cố gắng phá vỡ giới hạn của mình, để hướng tới điều mới mẻ hơn, thì thành công sẽ tới.
Bất cứ ai cũng có "vũ đài" để tranh đấu. Miễn là bạn có dám tháo "vòng kim cô" để bước ra hay không mà thôi!