Dính doping, lực sỹ Hoàng Anh Tuấn bị cấm thi đấu 2 năm

(Dân trí) - Chiều qua, Liên đoàn cử tạ thế giới đưa ra quyết định cuối cùng liên quan đến sự cố dính doping của lực sĩ Hoàng Anh Tuấn. Theo đó, Hoàng Anh Tuấn bị cấm thi đấu 2 năm, đồng thời nộp phạt 5000 USD. Án phạt có hiệu lực kể từ ngày 18/9/2010 đến 18/9/2012.

Trước đó, sau 2 lần IWF kiểm tra mẫu thử của Anh Tuấn đều cho kết quả dương tính với chất Oxilofrine, một chất nằm trong danh mục cấm sử dụng của Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF).

 

Theo giải thích của ông Đỗ Đình Kháng (Trưởng bộ môn cử tạ-thể hình TC TDTT), dù  chất Oxilofrine mà Tuấn dính phải nằm trong danh mục chất cấm của Ủy ban chống Doping thế giới, song đây là loại chất không nằm trong nhóm chất mà các VĐV thường sử dụng để gian lận nhằm tăng thành tích trong thi đấu. Cũng trong đơn giải trình xin giảm án cho Hoàng Anh Tuấn gửi lên IWF, Anh Tuấn đã tường trình khá cụ thể vì sao lại “dính” chất cấm này.
 
Dính doping, lực sỹ Hoàng Anh Tuấn bị cấm thi đấu 2 năm - 1

 Án phạt cấm thi đấu 2 năm gần như là dấu chấm hết với Hoàng Anh Tuấn

 
Theo đó, Tuấn đã vô tình sử dụng đồ uống đóng chai không rõ nguồn gốc khi còn tập huấn tại Trung Quốc. Phải đến khi tham gia thi đấu tại giải cử tạ VĐTG tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 9/2010 thì mới bị phát hiện.

 

Ngoài tình tiết này, Bộ môn cử tạ còn dựa vào 2 lý do khác nhằm xin giảm án cho Tuấn, đó là anh lần đầu vi phạm, lại đang là biểu tượng của TTVN nên nếu xử nặng sẽ gây ảnh hưởng xấu. Dựa vào cả lý và tình, cuối cùng IWF đã quyết định giảm mức án của Tuấn từ  4 năm xuống còn 2 năm nhằm tạo cơ hội để cho Hoàng Anh Tuấn chuộc lại lỗi lầm.

 

Dù vậy theo ông Kháng, 2 năm cấm thi đấu cũng gần như một dấu chấm hết với Hoàng Anh Tuấn bởi một VĐV đỉnh cao như Tuấn sẽ khó trở lại sau khi phải ngồi chơi xơi nước một thời gian dài như thế. Đó là chưa kể chắc chắn Tuấn cũng khó vượt cú sốc lớn này.

 

Ngay chính bản thân Tuấn ngày hôm qua cũng thừa nhận, mình rất buồn nhưng cũng đành phải biết chấp nhận án phạt đưa ra. “Trong thời gian sắp tới, tôi sẽ vẫn cố gắng duy trì tập luyện đợi 2 năm thi hành án xong sẽ tính tiếp...”, Tuấn buồn rầu cho biết.

 

Một kết thúc không như mong đợi với tài năng hàng đầu Việt Nam. Đây là hậu quả mà chính Tuấn là người tự gây ra. Chuyện nhà Á quân Olympic trước đây thường xuyên "cãi nhau" với thày hay tự đưa ra các giáo án tập luyện cho riêng mình vốn chẳng phải là chuyện lạ. Một VĐV có cá tính như vậy, nếu không có sự kiểm soát chặt chẽ, kết hợp với các biện pháp tâm lý giáo dục thì sớm muộn cũng xảy ra "sự cố" nào đó.

 

Ở một khía cạnh khác, việc Hoàng Anh Tuấn dính doping chính là lỗi của cả một hệ thống. Không thể không nhắc tới sự buông lỏng quản lý của đội ngũ HLV, BHL. Đã nhiều năm qua, công tác chống doping tại các giải trong nước vốn được "thả cửa", còn tại các giải quốc tế, chuyện kiểm tra chỉ là cho có và có tác dụng "dọa" các VĐV là chính.

Đơn cử như tại Asiad năm nay, bộ phận kiểm tra doping của Việt Nam chỉ lấy ngẫu nhiên chừng 10 mẫu (trong tổng số gần 300 VĐV) rồi gửi đi xét nghiệm. Đó là một số lượng quá ít và việc các VĐV đang dính doping đi thi đấu rồi bị phát hiện không có gì là lạ. Rất may, trường hợp của Tuấn được các lãnh đạo Tổng cục "phanh" kịp nếu không sẽ ảnh hưởng lớn tới hình ảnh của TTVN.

 

Là một trong những công tác quan trọng nhất ở mỗi kỳ đại hội, nhưng những kiến thức và cả phương pháp kiểm tra doping của Việt Nam vẫn quá hời hợt. Chính ông Kháng từng khẳng định, những nhà quản lý như ông phải học thuộc lòng những chất cấm có tên khó nhớ kia còn khi nào có chất mới lạ thì...chịu. Đa số công tác kiểm tra sử dụng thuốc men chỉ chờ vào sự tực giác và cả là...hên xui của các VĐV.

 

Hy vọng sau án phạt của Hoàng Anh Tuấn vừa nhận sẽ là bài học cảnh tỉnh tới tất cả những VĐV còn lại và cả những người có trách nhiệm trước vấn nạn này.

 

Bài và ảnh: An An

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm