1. Dòng sự kiện:
  2. AFF Cup 2024

Điền kinh Việt Nam thêm những trang vàng

Môn thể thao nữ hoàng của Việt Nam vừa trải qua năm Ất Dậu 2005 thành công rực rỡ và đang hướng tới những trang vàng mới mang tên ASIAD 2006 của năm Bính Tuất...

2005 là một năm với riêng với điền kinh, có thể tự hào rằng đây là một cái mốc đáng nhớ, không chỉ bởi số lượng áp đảo trong danh sách HLV và VĐV tiêu biểu (3 VĐV và 2 HLV được bầu chọn), mà còn bởi chúng ta đã khẳng định vị thế hàng đầu của mình ở khu vực Đông Nam Á.

 

Thực tế là sau SEA Games 22, vẫn có khá nhiều đối thủ đánh giá Việt Nam làm nên chiến công ngoạn mục (8 HCV) một phần dựa vào ưu thế sân nhà.

 

Tuy nhiên, các VĐV Việt Nam đã chứng tỏ năng lực thực sự của một quốc gia đang đầu tư, phát triển điền kinh mạnh và đúng hướng, khi lần lượt giành những chiến thắng thuyết phục ở nơi "đất khách quê người" trong các giải đấu của năm 2005.

 

Điều kỳ diệu đã xảy ra vào những ngày đầu tiên của tháng 5, khi Bùi Thị Nhung phá kỷ lục ĐNÁ với thành tích mới 1m94 (hơn 3cm so với kỷ lục cũ của Nungruthai Chaipetch - Thái Lan). Cả khu vực ngỡ ngàng, sửng sốt trước cú nhảy đột biến này.

 

Sở dĩ như vậy là do trước đó, tất cả những thông tin người ta biết về cô gái Hải Phòng chỉ là chức vô địch châu Á 2003 (nhưng cũng chỉ qua 1m88), còn lại thường xuyên dừng ở mức 1m83 hoặc 1m85... Cách đó chưa đầy 1 tuần lễ, Nhung còn bị đánh bại ở giải điền kinh Hà Nội mở rộng khi chỉ vượt qua 1m75. 

 

Nhưng "làn sóng Việt Nam" chưa dừng lại. Liền sau đó, Lê Thị Phương với cây sào trong tay tiếp tục khiến ĐNÁ phải nghiêng mình kính nể. Pha uốn lưng bay qua chiếc xà đặt ở độ cao 4m05 đã chính thức đẩy kỷ lục gia người Indonesia Niputu Desy Margawaty lùi về quá khứ (thành tích của VĐV này bị Phương bỏ xa đến 10cm).

 

Đây chỉ là 2 HCV có ý nghĩa nhất trong tổng số 6 HCV mà đội tuyển Việt Nam giành được tại giải vô địch ĐNÁ tổ chức ở Thái Lan, quốc gia có nền tảng ném - đẩy - chạy - nhảy cường thịnh nhất trong khu vực.

 

Một điều cũng rất đáng chú ý, đó là việc Đỗ Thị Bông (800m nữ) và Trương Thanh Hằng (1500m nữ) đều giành HCV khi qua mặt các chân chạy ưu tú nhất của nước chủ nhà, và đều có những kết quả tốt hơn KLQG của Thái Lan.

 

Chuyến du đấu hào hùng đó tạo cho điền kinh Việt Nam niềm tin mãnh liệt vào một SEA Games 23 cũng sẽ thành công tương tự, bất chấp những khó khăn tưởng như không thể vượt qua do thiếu vắng nhiều gương mặt vàng như Phạm Đình Khánh Đoan, Đoàn Nữ Trúc Vân, Nguyễn Lan Anh...

 

Đúng vào thời điểm khó khăn nhất, khi "nữ hoàng chân đất" Nguyễn Thị Tĩnh tuyên bố giã từ đường chạy và gây xôn xao dư luận về những mắc mớ trong nội tình bộ môn điền kinh, HLV trưởng Dương Đức Thuỷ khẳng định như đinh đóng cột: "Không có gì phải lo ngại cả. Thiếu nội dung này, chúng ta đã có những nội dung khác bù lại để mang đủ 6 vàng về như chỉ tiêu"!

 

Và thực tế là ở Philippines, các học trò của ông Thuỷ đã làm vượt cả kế hoạch ban đầu. Bên cạnh những HCV trong dự liệu của Bùi Thị Nhung, Nguyễn Duy Bằng, Đỗ Thị Bông, Lê Văn Dương, Vũ Văn Huyện, đã có những nhà vô địch bất ngờ xuất hiện.

 

Vũ Thị Hương lần đầu tiên trong lịch sử cho thấy khái niệm về một người Việt Nam chạy nhanh nhất khu vực ở cự ly 100m nữ. Trương Thanh Hằng nổi lên nhưng người kế nghiệp xuất sắc của Khánh Đoan ở nội dung chạy trung bình (1500m). Còn Nguyễn Thị Thu Cúc đã hoàn tất bảng vàng khi chiếm ngôi đầu 7 môn phối hợp. 

 

Cơn mưa 8 HCV chung cuộc đã là kỳ tích nằm ngoài mong đợi của người hâm mộ quê nhà. Nhưng lẽ ra, con số đó đã có thể nâng cao hơn nữa, nếu không có sự cố xảy ra với Nguyễn Đình Cương ở đường chạy 1500m nam.

 

Từ việc mất không 1 HCV đó, cộng thêm tấm HCB marathon nữ bị tước oan của Nguyễn Thị Hoà, điền kinh Việt Nam có thêm những bài học xương máu để chuẩn bị bước ra những sân chơi tầm cỡ hơn.

 

Bước khởi đầu trong hành trình "tấn công" vào châu Á và Olympic được xác định là ASIAD 2006. Ngay từ những ngày giáp Tết Bính Tuất, những toan tính Doha đã bắt đầu được triển khai: cơ hội đi "du học" trong môi trường chuyên nghiệp dành cho 9 VĐV hàng đầu.

 

Có thể coi đây là một bước đột phá trong cách thức đào tạo VĐV của thể thao Việt Nam. Điều này sẽ góp phần phát huy tốt nhất những tố chất của các VĐV có tiềm năng và phục vụ những mục tiêu mang tính chất đường dài.

 

Nếu điền kinh tiếp tục đi đúng hướng, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin rằng những ngày tháng huy hoàng của môn thể thao nữ hoàng vẫn đang ở phía trước.

 

Những trang vàng mới sẽ được mở ra ở một tương lai gần.

 

Theo Anh Đức

Vietnamnet