Đào tạo thể thao ở Trung Quốc: Huấn luyện hay "tra tấn"?

H.Long

(Dân trí) - Những giọt nước mắt, những nỗi đau giằng xé... đó là những gì mà nhiều đứa trẻ ở Trung Quốc phải trải qua, để hy vọng gặt hái được đỉnh cao trên đấu trường quốc tế.

Có một thực tế không thể phủ nhận. Trung Quốc là cường quốc thể thao trên thế giới. Họ đã từng vươn lên xếp số 1 toàn đoàn ở Olympic 2008. Kể từ năm 2000 tới nay, Trung Quốc chưa bao bị bật khỏi top 3 đoàn thể thao mạnh nhất thế giới.

Đào tạo thể thao ở Trung Quốc: Huấn luyện hay tra tấn? - 1

Quá trình tập luyện khổ cực của những đứa trẻ ở Trung Quốc.

Nhưng để đạt được thành công ấy, những vận động viên ở nước này đã phải đánh đổi bằng cả máu và nước mắt. Ẩn sau những tấm huy chương vàng đỉnh cao không hề là sự lấp lánh. Họ đã mất tuổi thơ, phải sống trong những điều kiện đào tạo khắc nghiệt nhất, với không ít mặt trái.

Vụ năm vận động viên nhí (10 tuổi) bị những lứa đàn anh ngược đãi, tạt nước sôi vào người đang khiến dư luận Trung Quốc phẫn nộ chỉ là một góc nhỏ trong đó. Quá trình tập luyện, đào tạo cũng khiến cho không ít đứa trẻ hứng chịu những nỗi khổ cực không ai thấu.

Đào tạo thể thao ở Trung Quốc: Huấn luyện hay tra tấn? - 2

Trong quá khứ, những trường đào tạo thể thao ở Trung Quốc được ví như "những lò tra tấn".

Trước thềm Olympic 2008, tờ Telegraph từng viết một bài về sự đào tạo khắc nghiệt ở quốc gia này: "Trường Shichahai là nơi quy tụ 300 học viên ưu tú nhất ở tất các các môn và được Chính phủ tài trợ hoàn toàn. Bộ phận tuyển trạch ở trường đào tạo này tỏa đi khắp đất nước và đưa về những đứa trẻ triển vọng khi mới lên 6 tuổi. Chúng không chịu áp lực về điểm số nhưng lại chịu áp lực thành công từ rất sớm".

Mỗi ngày, những đứa trẻ sẽ được học văn hóa vào buổi sáng và tập luyện 4 giờ vào buổi chiều (chỉ được nghỉ Chủ Nhật). Nhưng tất nhiên, môi trường đào tạo ở Shichahai không phải là nơi để vui đùa của tuổi thơ, mà nó giống như một cái lò luyện thực sự.

Đào tạo thể thao ở Trung Quốc: Huấn luyện hay tra tấn? - 3

Hầu hết những đứa trẻ bị gò mình vào quá trình tập luyện khắc nghiệt.

Khi nói về "lò luyện" Shichahai, tờ Amusing Planet từng giật tít: "Đào tạo thể thao ở Trung Quốc: Huấn luyện hay tra tấn?". Khi tới thăm lò đào tạo Shichahai, vận động viên huyền thoại người Anh, Sir Matthew Pinsent từng mô tả: "Tôi thấy một bé gái 7 tuổi khóc đẫm nước mắt vì bị ép trồng cây chuối. Một cậu bé có một vết hằn trên lưng".

Tờ Amusing Planet viết: "Trên mặt những đứa trẻ thể hiện sự nặng nhọc, không thốt lên lời. Thường thì những HLV rất nghiêm khắc. Một số khác còn bị cáo buộc đánh đập học trò. Trường dạy điền kinh ở Liêu Ninh bị phát hiện cho một cậu bé 15 tuổi sử dụng doping".

Đào tạo thể thao ở Trung Quốc: Huấn luyện hay tra tấn? - 4

Hy vọng duy nhất của những đứa trẻ là giúp thể thao Trung Quốc vươn tầm thế giới.

Wu Yigang, Giáo sư của trường đại học Thượng Hải nói về mặt trái trong việc đào tạo thể thao ở Trung Quốc: "Một số trường học chỉ chú trọng đến thể thao và họ xem những đứa trẻ như là cỗ máy vậy. Họ thường yêu cầu đào tạo 6 giờ hoặc hơn thế mỗi ngày. Có những đứa trẻ chịu áp lực tập luyện lớn tới mức còn không biết đọc chữ dù học tới lớp 5".

Thực tế, tham vọng vươn tới đỉnh cao thế giới của Trung Quốc xuất hiện kể từ khi họ trở lại Olympic vào năm 1984. Kể từ đó, những trường đào tạo thể thao đỉnh cao mọc lên như nấm ở đất nước này. Đỉnh điểm vào năm 1990, có tới 3.687 trường như vậy xuất hiện ở Trung Quốc.

Đào tạo thể thao ở Trung Quốc: Huấn luyện hay tra tấn? - 5

Rất hiếm những thời khắc mà chúng có thể hồn nhiên như vậy.

Thế nhưng, sau khi chứng kiến con em mình tập luyện trong môi trường quá khắc nghiệt, nhiều bậc phụ huynh không còn mặn mà với kỳ vọng những đứa trẻ của họ sẽ vươn lên trở thành nhà vô địch thế giới.

Ông Huang Qin, người phụ trách một trường đào tạo ở Thượng Hải chia sẻ: "Vào những năm 1980 đến 1990, những trường thể thao mọc lên với tốc độ chóng mặt. Thế nhưng, ngày nay, các bậc cha mẹ ngày càng không quan tâm tới việc gửi con em mình vào đó. Do đó, rất nhiều trường đã phải đóng cửa".

Đào tạo thể thao ở Trung Quốc: Huấn luyện hay tra tấn? - 6

Trong những năm qua, nhiều nhà làm thể thao ở Trung Quốc đang phải tiến hành cải tổ lại hệ thống đào tạo.

Chính sách sinh một con của Chính phủ Trung Quốc cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho các gia đình không hướng con em mình theo nghiệp thể thao đầy khổ cực. Đơn cử như môn bóng bàn. Theo China Sports Daily, số lượng những đứa trẻ được đào tạo ở môn này đã giảm một nửa so với năm 1987.

Trước làn sóng phản đối những năm trở lại đây, nhiều trường đào tạo thể thao đã phải nới lỏng những quy định khắc nghiệt dành cho đứa trẻ. Như trường Pudong New Area đã phải cải thiện đội ngũ giáo viên. Họ cũng lần đầu tiên phá vỡ quy tắc tồn tại trong 40 năm qua, đó là không ép những đứa trẻ sinh hoạt trong khuôn viên khép kín của trường.

Đào tạo thể thao ở Trung Quốc: Huấn luyện hay tra tấn? - 7

Những đứa trẻ đã được vui chơi nhiều hơn sau những buổi tập luyện.

Trường đào tạo điền kinh Yangpu (Thượng Hải) đã có tổ chức buổi giao lưu, vui chơi cho những đứa trẻ sau những giờ tập luyện. Hay như môi trường đào tạo khắc nghiệt nhất là Shichahai đã hướng tới "sự phát triển toàn diện" cho thế hệ măng non.

Ông Liu Shaonong, người phụ trách trung tâm đào tạo bóng bàn và cầu lông trực thuộc Tổng cục Thể thao Trung Quốc chia sẻ: "Chúng ta phải kiểm tra và sửa đổi dần cách đào tạo truyền thống theo hướng hiện đại hơn".

Đào tạo thể thao ở Trung Quốc: Huấn luyện hay tra tấn? - 8
Đào tạo thể thao ở Trung Quốc: Huấn luyện hay tra tấn? - 9
Đào tạo thể thao ở Trung Quốc: Huấn luyện hay tra tấn? - 10

Dù thế nào thì những bậc phụ huynh cũng không còn mặn mà quá nhiều khi gửi con em vào môi trường khắc nghiệt như vậy.

Nhưng có một vấn đề khá nan giải khác, không nằm ở yếu tố đào tạo, đó là việc nhiều vận động viên lâm vào cảnh nghèo túng sau khi giải nghệ. Tờ China Sports Daily ước tính có khoảng 80% vận động viên Trung Quốc thất nghiệp và nghèo đói sau khi giải nghệ. Bên cạnh đó, họ còn hứng chịu nhiều bệnh lý mãn tính do quá trình tập luyện quá sức thời trẻ.

Hay như cựu vận động viên điền kinh, Wang Linwen chia sẻ rằng cô đã phải bù đắp gấp kiến thức sau khi giải nghệ, để tìm nghề khác. Wang Linwen nói: "Tôi đã hổng quá nhiều kiến thức thời trẻ. Giờ đây, sau khi giải nghệ, tôi gần như không biết làm gì. Vì vậy, tôi buộc phải đi học lại".