Đánh giá thực lực của dàn cầu thủ nhập tịch bên phía Malaysia
(Dân trí) - Không tính cầu thủ mang trong mình một nửa dòng máu Malaysia là Johan Dion Cools, đoàn quân của HLV Tan Cheng Hoe vẫn còn đến 8 cầu thủ gốc nước ngoài. Chất lượng thực của họ ra sao?
8 cầu thủ nhập tịch của Malaysia được rải trên mọi tuyến, gồm thủ môn Samuel Somerville (gốc Anh), hậu vệ phải Matthew Davies (Australia), hậu vệ trái Corbin-Ong (Anh), trung vệ Junior Eldstal (Brazil), tiền vệ phòng ngự Liridon Krasniqi (Kosovo), tiền vệ tấn công Brendan Gan (Australia), tiền đạo cánh Mohamadou Sumareh (Gambia) và trung phong Guillerme de Paula (Brazil).
Sở hữu nhiều cầu thủ nhập tịch, nhưng Malaysia vẫn thua đậm UAE đến 0-4, khiến chất lượng của dàn cầu thủ gốc nước ngoài đang khoác áo đội bóng xứ Mã lai bị nghi ngờ.
Cựu HLV Đoàn Minh Xương đánh giá: "Qua những gì đã chứng kiến, bước đầu có thể thấy chất lượng cầu thủ nhập tịch của Malaysia bình thường thôi".
"Những cầu thủ mà chúng ta đã biết và đã đối đầu, hầu hết thi đấu ở giải trong nước của Malaysia. Những người mới được bổ sung thêm đang đá ở nước ngoài, nhưng thời gian về tập trung đội tuyển trước vòng loại World Cup rất ngắn, nên hầu như chưa có tiếng nói chung với các đồng đội, họ chưa đóng góp được gì đáng kể" - ông Xương phân tích thêm.
Trong số các cầu thủ nhập tịch mới đến của Malaysia, đang thi đấu ở nước ngoài, đáng chú ý có tiền vệ Liridon Krasniqi. Cầu thủ này khoác áo CLB Newcastle Jets của Australia, theo hợp đồng cho mượn từ CLB Johor Darul Tazim (Malaysia).
Mùa giải vừa qua, Krasniqi chỉ mới có 9 lần ra sân chơi cho Newcastle Jets trên mọi mặt trận, dẫn đến sự suy đoán rằng chất lượng của cầu thủ gốc Kosovo không thật cao.
Cái tên khác đang thi đấu ở nước ngoài là trung vệ gốc Brazil Junior Eldstal. Trung vệ này khoác áo đội bóng Thái Lan Chonburi FC.
Junior Eldstal từng sang Anh thi đấu ở mùa giải 2019/2020, nhưng là đá cho đội bóng nghiệp dư Metropolitan Police ở giải đấu lạ lẫm của xứ sở sương mù: Southern League, tương đương với giải… hạng 7 hoặc hạng 8 của các nền bóng đá khác trên thế giới.
Ấn tượng chung của Krasniqi và Eldstal là cả hai cầu thủ này cực kỳ cao to (đều trên 1m90), còn chất lượng kỹ thuật chưa có gì nổi trội.
Tương tự như thế là trường hợp của tiền đạo gốc Brazil Guillerme de Paula. Cầu thủ này có lợi thế về thể hình (1m87), nhưng đã lớn tuổi (35 tuổi), không hề nhanh, thậm chí không sắc bén hơn khi so với các tiền đạo thuần nội Idlan Talaha hay Akhyar Rashid.
Ở hai mùa giải gần nhất, De Paula cũng không phải là chân sút thuộc nhóm những tay săn bàn hàng đầu của giải vô địch Malaysia. Anh chỉ ghi 7 bàn thắng trong 22 lần ra sân cho CLB Perak ở mùa giải năm ngoái. Đến mùa giải năm nay, mọi chuyện càng tệ hơn, De Paula chuyển sang khoác áo Johor Darul Tazim, nhưng chưa được sử dụng lần nào.
Trong khi đó, nhóm các cầu thủ nhập tịch khác, gồm hai hậu vệ biên Matthew Davies, Corbin-Ong, tiền vệ tấn công Brendan Gan, hay tiền đạo cánh Mohamadou Sumareh đều là các cầu thủ mà đội tuyển Việt Nam đã đụng độ, và chúng ta đều giành chiến thắng khi đối đầu với các cầu thủ này.
4 cầu thủ đều đang thi đấu cho các CLB trong nước, nên chắc chắn trình độ cũng không phải quá cao. Riêng Mohamadou Sumareh từng sang Thái Lan thử thời vận ở CLB Police Tero tại giải Thai-League, nhưng do không chiếm được vị trí chính thức ở đội bóng thuộc xứ Chùa Vàng, nên đành quay lại Malaysia khoác áo CLB Johor Darul Tazim từ mùa giải năm nay.
Trường hợp của thủ môn Somerville còn lạ hơn nữa. Một thủ môn nhập tịch được triệu tập vào đội tuyển quốc gia để… ngồi dự bị cho một thủ thành nội địa.
Trường hợp này ngược với tiền đạo De Paula, người đã ngồi dự bị ở CLB trong nước vẫn chiếm suất đá chính ở đội tuyển Malaysia, nhờ mác cầu thủ gốc ngoại.