Đẳng cấp của Thái Lan với chức vô địch AFF Cup 2022
(Dân trí) - Trận đấu cuối cùng của kỷ nguyên Park Hang Seo ở đội tuyển Việt Nam không thể kết thúc mỹ mãn, đồng thời cũng chính thức gợi lại cho chúng ta bài toán tìm cách vượt qua bóng đá Thái Lan.
Năng lực nhỉnh hơn của đội tuyển Thái Lan so với đội tuyển Việt Nam ở thời điểm hiện tại thật ra đã được nhìn thấy từ trận chung kết lượt đi. Việc đội tuyển Việt Nam có bàn gỡ hòa 2-2 ở phút cuối của Vũ Văn Thanh khi đó thực chất chỉ giúp cho trận chung kết lượt về AFF Cup 2022 thêm căng thẳng, Thái Lan vẫn được đánh giá là đội trên cơ khi về sân nhà.
Nhà báo Hàn Quốc Jaemin Hong trước giờ bóng lăn ở trận chung kết lượt về nhận xét rất khách quan: "Con tim tôi mong đội tuyển Việt Nam chiến thắng, nhưng lý trí tôi đánh giá cao Thái Lan. Tôi ủng hộ HLV Park Hang Seo, ủng hộ đội tuyển của các bạn, nhưng thành thật mà nói, Thái Lan nhỉnh hơn đội tuyển Việt Nam vào lúc này".
Còn trong quá trình diễn ra trận chung kết lượt về vào tối qua (16/1), nhà báo Jaemin Hong tiếp tục trao đổi với phóng viên Dân trí: "Trong đội hình đội tuyển Việt Nam, không có cầu thủ nào giống như Chanathip Songkrasin và Theerathon Bunmathan mà Thái Lan đang có. Họ đã ở đẳng cấp khác so với mặt bằng bóng đá Đông Nam Á".
Không phải ngẫu nhiên mà hai cầu thủ vừa nêu đã và đang trụ vững ở giải J-League của Nhật Bản. Chanathip nằm trong nhóm những cầu thủ đắt giá nhất J-League, còn Theerathon Bunmathan từng là hậu vệ trái hay nhất giải đấu này, từng vô địch năm 2019 trong màu áo CLB Yokohama F. Marinos.
Các cầu thủ trên khiến cho ngày chia tay của HLV Park Hang Seo với đội tuyển Việt Nam chưa trọn vẹn. Họ cũng là những người ngăn ông Park vô địch AFF Cup trong 2 lần gần nhất: Năm ngoái Chanathip Songkrasin tỏa sáng giúp Thái Lan đánh bại tuyển Việt Nam ở bán kết, còn năm nay Theerathon Bunmathan đưa Thái Lan vượt qua Việt Nam ở chung kết.
Nền tảng tốt cho ra lò những cầu thủ tốt. Về mặt này, dù muốn dù không, chúng ta vẫn phải thừa nhận bóng đá Thái Lan vẫn nhỉnh hơn bóng đá Việt Nam.
Chúng ta tiến bộ trong vài năm qua, nhưng thực tế cũng cho thấy chưa cầu thủ nào của bóng đá Việt Nam đủ sức tỏa sáng ở giải bóng đá nhà nghề Nhật Bản J-League, trong khi Thái Lan hết Theerathon Bunmathan, Chanathip Songkrasin, giờ lại có thêm Supachok Sarachat sang Nhật thi đấu và ghi dấu ấn ở sân chơi này.
Có thể ở một số thời điểm, đội tuyển Thái Lan suy yếu, ví dụ như tại AFF Cup 2018 hoặc tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á.
Tuy nhiên, đấy là những giải đấu mà Thái Lan thiếu nhiều trụ cột. Đặc biệt, chính những cầu thủ đang chơi bóng tại Nhật Bản khi đó gồm Chanathip Songkrasin, Theerathon Bunmathan và Teerasil Dangda từ chối về nước khoác áo đội tuyển, do bất đồng với các HLV Milovan Rajevac (người Serbia) và Akira Nishino (người Nhật Bản).
Thế rồi sau một vài lần mất mặt trước giới bóng đá Đông Nam Á ở các giải đấu nói trên, bóng đá Thái Lan quyết siết chặt tay nhau, để một lần nữa chứng minh trình độ cao của mình trong khu vực.
Đội tuyển Việt Nam kết thúc triều đại của HLV Park Hang Seo bằng việc dừng bước trước rào cản Thái Lan, đặt ra vấn đề cũng như bài toán cũ: Khi nào chúng ta qua mặt được bóng đá Thái Lan tại Đông Nam Á?
Bản thân Thái Lan cũng tự đặt ra những mục tiêu thiết thực trong từng giai đoạn, không khác bóng đá Việt Nam.
HLV Mano Polking của đội bóng đất Chùa Vàng ngay sau trận chung kết lượt về AFF Cup 2022 hé lộ: "Sau khi vô địch AFF Cup, trước mắt chúng tôi là giải vô địch châu Á Asian Cup. Thái Lan muốn đạt thành tích tốt ở châu Á chứ không chỉ ở Đông Nam Á. Chúng tôi muốn cạnh tranh với các đối thủ mạnh tại châu Á như Nhật Bản và Hàn Quốc".
Thái Lan chưa bằng Hàn Quốc và Nhật Bản nên dễ hiểu bóng đá xứ sở Chùa Vàng đặt mục tiêu đuổi theo các nền bóng đá nói trên. Cũng giống như đội tuyển Việt Nam hiện giờ còn nhiều điểm chưa bằng Thái Lan, việc chúng ta nhắm tới việc chạy đua với Thái Lan là điều bình thường. Chạy đua để tiến bộ, có đối trọng để cạnh tranh nói cho cùng sẽ có ích cho bóng đá Việt Nam.