1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Đại hội cổ đông VPF: Khó chờ đợi cuộc cải tổ

(Dân trí) - Đại hội cổ đông VPF vào ngày 28/10 tới đây từng được dự báo là sẽ có nhiều biến động về mặt nhân sự, nhưng càng đến sát ngày đại hội càng… “êm”, vì rốt cuộc thì có thay đổi nhân sự cũng dường nhưng cũng chẳng quyết được gì.

Thông điệp trước đại hội

Cách  nay không lâu, từng xuất hiện thông tin Tổng giám đốc (TGĐ) VPF Phạm Ngọc Viễn khó giữ nổi vị trí của mình, nhất là trong bối cảnh VPF dần đặt niềm tin vào phó TGĐ Nguyễn Minh Ngọc.

Ông Ngọc có thể không bằng ông Viễn về mặt kinh nghiệm, nhưng ông Ngọc được cái còn trẻ, có ưu thế trong việc sử dụng lâu dài, lại được lòng các sếp ở VFF. Việc ông Ngọc được cất nhắc dần đến các vị trí như trưởng BTC các giải đấu chuyên nghiệp trong nước, hay ngồi ghế phó TGĐ gần như là một sự chuẩn bị cho cái ngày ông này chính thức tiếp quản cương vị tổng quản lý VPF.

Tuy nhiên, đòn phản công ngay ở Hội nghị tổng kết mùa giải 2015, khi chủ tịch CLB Hải Phòng Trần Mạnh Hùng công kích thẳng vào vấn đề tài chính của VPF, cho thấy mọi chuyện về mặt nhân sự ở công ty này sẽ khó giống như dự tính của một số nhân vật chóp bu trước đó.

Thật tình mà nói, phát biểu của chủ tịch CLB Hải Phòng không đúng thời điểm và cũng không hợp hoàn cảnh để phát biểu. Hội nghị tổng kết mùa giải là nơi người ta bàn về vấn chuyên môn, nơi nên dành sự đúc kết cho một mùa giải, đồng thời tìm hướng đi tốt hơn cho mùa giải mới, chứ không phải là nơi nói về khả năng tìm tài chính, lại nhắm thẳng vào một con người cụ thể (ở đây là phó TGĐ Phạm Phú Hòa).

 

Khó có biến động nhân sự ở VPF sau đại hội cổ đông (ảnh: Nguyễn Đình)
Khó có biến động nhân sự ở VPF sau đại hội cổ đông (ảnh: Nguyễn Đình)

 

Vấn đề đấy, lẽ ra sẽ thích hợp hơn nếu nói ở đại hội cổ đông, nhưng có cảm giác người ta mượn Hội nghị tổng kết mùa giải, nơi tập trung nhiều sự chú ý của dư luận để cố tình làm lạc chủ đề của Hội nghị vào hướng công kích cá nhân.

Và rốt cuộc thì thông điệp của đòn phản công đấy chỉ ra một điều rằng đương kim TGĐ Phạm Ngọc Viễn khó có chuyện rời vị trí của mình. Nếu có ai đó chịu trách nhiệm về sự yếu của VPF trong thời gian qua, nhất là về sự yếu kém trong khâu kêu gọi tài chính và vận động tài trợ, thì thông điệp ấy nằm ở chỗ đấy không phải là yếu kém của ông Viễn.

VPF đang mất dần vai trò

Có một thực tế rằng cho dù ai ngồi ở vị trí tổng quản của VPF trong thời gian tới đây, thì rõ ràng tổ chức này cũng không còn mạnh như hồi mới thành lập cách nay vài năm.

Đầu tiên, phải khẳng định rằng sự ra đời của VPF là yêu cầu tất yếu của lịch sử phát triển giải quốc nội. Thậm chí, VPF ra đời sau khi V-League đã hiện diện hơn chục năm có thể được coi là chậm so với tốc độ phát triển.

Nhưng ngặt nỗi, thay vì độc lập hoàn toàn với VFF trong khâu tổ chức giải quốc nội (kiểu như công ty tổ chức Premier League của Anh chẳng dính dáng gì với LĐBĐ Anh FA về mặt cơ cấu, hoặc tương tự là công ty tổ chức Thai-League với LĐBĐ Thái Lan FAT), thì VPF ngày càng giống một công ty chuyên tổ chức sự kiện VFF.

Cách thức tổ chức V-League bây giờ cũng quay trở lại lối mòn của chính các giải đấu được VFF tổ chức trước đây, tức là có dấu hiệu thụt lùi về quá khứ thay vì tiến lên.

Người của VFF cũng gần như chi phối quyền lực đáng kể ở VPF, từ chuyện phó chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn đang là PCT VPF (thay cho ông Đoàn Nguyên Đức trước đây), đại diện cho hơn 30% vốn của VFF tại VPF, cho đến khâu điều hành cũng hệt như bộ máy của VFF.

Ở VPF bây giờ, gần như chỉ còn mỗi chủ tịch Võ Quốc Thắng là người độc lập hoàn toàn so với VFF, nhưng cái khó của ông Thắng cũng là ở chỗ đó. Ông bầu này dường như ngày càng đơn độc trong giấc mơ cải tổ khâu tổ chức các giải trong nước, sau khi lần lượt những người từng đồng hàng với ông gồm bầu Kiên, bầu Đức, hay chủ tịch CLB K.Khánh Hòa Lê Tiến Anh rời VPF vì những lý do khác nhau.

Những nhân vật còn lại trong bộ máy chóp bu của VPF, hoặc đang là ủy viên BCH VFF, hoặc là người của VFF được biệt phái sang. Đồng thời, tiếng nói của các CLB (nơi nắm đến gần 70% cổ phần) lại cực kỳ mờ nhạt, hệt như khi VFF còn nắm V-League.

Thành ra, VPF bây giờ không còn giống như ngày xưa, cũng chẳng còn được kỳ vọng như ngày xưa. Và cũng thành ra, chuyện ai ngồi ở ghế tổng quản của tổ chức này cũng không còn quan trọng, vì đơn vị thực sự quản lý VPF là VFF kia kìa!

Kim Điền

 

Đại hội cổ đông VPF: Khó chờ đợi cuộc cải tổ - 2