Đại chiến Italia - Tây Ban Nha: Trong nỗi đau của Luis Enrique…

H.Long

(Dân trí) - Nỗi đau mà Luis Enrique gặp phải với người Italia là cả về thể xác lẫn tinh thần. Vào mùa Hè rực lửa năm 1994, hình ảnh Luis Enrique với gương mặt đầy máu trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người…

Một ngày trước thềm trận chiến với Italia, HLV Luis Enrique lướt qua những trang báo. Hẳn ông sẽ thấy hình ảnh của mình, với gương mặt đầy máu xuất hiện trên mặt báo ở Tây Ban Nha.

Đúng vậy! Báo giới Tây Ban Nha đã nhắc về nỗi đau của Luis Enrique, để nhắn nhủ ông rằng từng có một thời như thế, khi mà HLV trưởng hiện tại của Tây Ban Nha trải qua nỗi đau cả về thể xác lẫn tinh thần khi đối diện với Italia ở World Cup 1994.

Đại chiến Italia - Tây Ban Nha: Trong nỗi đau của Luis Enrique… - 1

Nỗi đau của Luis Enrique ở kỳ World Cup 1994.

Phút 49 trong trận đấu ở Boston năm ấy, Luis Enrique xâm nhập vòng cấm của Italia. Bỗng dưng, một cánh tay vung ra, khiến mặt của ông tối sầm. Sau đó, Luis Enrique đã chạy tới kêu gào với trọng tài, chỉ vào gương mặt đầy máu của mình. Thế nhưng, trọng tài đã không tin lời ông nói.

Thời ấy, thế giới bóng đá không có VAR để "giải oan" cho Luis Enrique. Tây Ban Nha không được hưởng phạt đền và chấp nhận bị Italia loại khỏi tứ kết World Cup 1994 với thất bại 1-2.

Sau giải đấu, Luis Enrique mới được "giải oan". FIFA quyết định "hung thủ" Mauro Tassotti đã chơi xấu và treo giò 8 trận. Thế nhưng, không ai có thể kéo được thời gian trở lại, để Tây Ban Nha được hưởng phạt đền. Họ chấp nhận rời World Cup theo cách đau đớn như vậy.

HLV đội tuyển Tây Ban Nha thời điểm ấy, Javier Clemente chia sẻ: "Trọng tài quá sợ hãi để chỉ tay vào chấm phạt đền". Trong khi đó, bác sĩ của đội tuyển Senen Cortegoso mô tả về sự bức tức của Luis Enrique: "Thời điểm ấy, Luis Enrique muốn giết cả trọng tài lẫn Mauro Tassotti".

Tất nhiên, thời gian có thể xóa nhòa nỗi đau. Sau này, Luis Enrique đã tha thứ cho Mauro Tassotti. Khi làm HLV AS Roma, ông đã chủ động tới bắt tay Mauro Tassotti (thời ấy làm trợ lý HLV AC Milan) như một động thái để làm hòa.

Đại chiến Italia - Tây Ban Nha: Trong nỗi đau của Luis Enrique… - 2

Ở thời Luis Enrique còn thi đấu, Tây Ban Nha lép vế hoàn toàn trước Itaia trong những giải đấu lớn.

Khi được hỏi về điều đó, Luis Enrique tâm sự: "Đã 17 năm trôi qua, mọi thứ đã quá xa rồi. Ở thời điểm này, tôi không còn vấn đề gì với ông ấy. Những gì xảy ra giống như dòng nước trôi đi rồi".

Thực tế, nỗi đau của Luis Enrique năm ấy cũng là nỗi đau chung của những người Tây Ban Nha. Có một thống kê đáng ngạc nhiên là La Furia Roja không thắng nổi lần nào trước Italia ở Euro/World Cup (sau 5 trận đấu) cho tới trước khi làm nên lịch sử ở Euro 2008.

Tây Ban Nha đã hạ gục Italia ở loạt sút luân lưu ở vòng tứ kết sau khi hai đội hòa 0-0 sau 120 phút. Sau đó, đội bóng xứ sở Bò tót đã giành chức vô địch lịch sử. Tới năm 2012, Tây Ban Nha tiếp tục hạ gục Italia ở trận chung kết để bảo vệ thành công chức vô địch Euro.

Ở thời điểm này, Tây Ban Nha của Luis Enrique vẫn còn một chút "phần hồn" của lối chơi tiqui-taka thời hoàng kim. Họ vẫn ưu tiên kiểm soát bóng, chuyền bóng nhiều (thậm chí chuyền cả về khung thành). Bản thân HLV Luis Enrique không dưới một lần chấp nhận rút Morata ra sân để thi đấu sơ đồ không có tiền đạo cắm.

Thế nhưng, về con người, Tây Ban Nha không còn "siêu nhân" chuyền bóng như trước. Điều đó khiến cho phong độ của đội tuyển Tây Ban Nha rất thất thường. Thậm chí, để mà nói rằng đội tuyển xứ sở Bò tót đã thuyết phục ở Euro 2020 hay không, thì câu trả lời là chưa.

Đại chiến Italia - Tây Ban Nha: Trong nỗi đau của Luis Enrique… - 3

Tây Ban Nha của Luis Enrique thời điểm này chưa thi đấu thuyết phục nhưng cũng tiềm ẩn sự nguy hiểm nhất định.

Kể từ đầu giải, Tây Ban Nha chỉ có đúng một chiến thắng đúng nghĩa (trong 90 phút) trước Slovakia. Còn lại, họ hòa tới 4 trận. Đoàn quân của HLV Luis Enrique bước vào trận bán kết với Italia sau khi trải qua hai trận đấu liên tiếp thi đấu trong 120 phút trước Thụy Sỹ và Croatia (thậm chí còn chơi hơn người trước Thụy Sỹ trong thời gian dài).

Dù vậy, ở góc độ nào đó, một đội bóng "thiếu thuyết phục" như vậy là càng đáng sợ khi bước vào bán kết. Bởi lẽ, không ai hiểu rõ sức mạnh thực sự của Tây Ban Nha ra sao. Bên cạnh đó, Italia không biết đâu là ngòi nổ thực sự của đối thủ (nên nhớ Thiago chưa được sử dụng nhiều ở Euro 2020).

Ở khía cạnh nào đó, Tây Ban Nha rất khó bị đánh bại. Lối chơi kiểm soát bóng đương nhiên sẽ giảm đi nhiều áp lực cho hàng phòng ngự. Cần nói thêm rằng, từ đầu mùa, Italia đều phải đối diện với những đội bóng chơi phòng thủ trước họ (kể cả đội tuyển Bỉ). Tây Ban Nha mang sắc màu khác hoàn toàn với Azzurri.

Tất nhiên, ở trận đấu ở bán kết, không ai có thể nói trước điều gì. Dù màn trình diễn của Italia nổi bật hơn rất nhiều so với Tây Ban Nha nhưng không vì thế mà đánh giá thấp đoàn quân của HLV Luis Enrique.

Khi lật lại những trang báo, Luis Enrique thấy hình ảnh của chính mình cách đây 27 năm. Đó là hình ảnh của chiến binh thực sự. Có thể, Luis Enrique đã quên đi nỗi đau ở thời điểm nào đó. Nhưng giờ đây, gương mặt đầy máu năm xưa nhắc nhở ông rằng cần phải giúp Tây Ban Nha giành chiến thắng.