1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Cồng kềnh với ban chỉ đạo các đội tuyển bóng đá

(Dân trí) - Ngoài HLV, lãnh đội, các đội tuyển bóng đá dự SEA Games 27 còn “gánh” thêm ban chỉ đạo vừa được thành lập. Tính sơ sơ, đoàn bóng đá dự SEA Games có đến… 11 quan chức, dù chưa chắc bộ máy này hoạt động hiệu quả và chống được tiêu cực?

Theo quyết định thành lập Ban chỉ đạo các đội tuyển bóng đá dự SEA Games do chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ký, có 7 vị nằm trong ban này, gồm trưởng ban là ông Hỷ, các phó trưởng ban gồm các ông Lê Hùng Dũng, Phạm Văn Tuấn, Nguyễn Lân Trung (3 PCT VFF), cùng các ủy viên Nguyễn Sỹ Hiển, Nguyễn Hồng Thanh và Lê Ngọc Chức.

7 người này cộng với 3 vị trưởng đoàn của 4 đội tuyển bóng đá (TTK VFF Ngô Lê Bằng là trưởng đoàn bóng đá nam, TTK LĐBĐ Hà Nội Phan Anh Tú là trưởng đoàn bóng đá nữ, chủ tịch HFF Trần Anh Tú là trưởng đoàn 2 đội futsal), nâng số quan chức của 4 đội tuyển bóng đá lên con số hàng chục.

Chưa kể Vụ trưởng thuộc Tổng cục TDTT là ông Trần Quốc Tuấn đã được Tổng cục phân công là trợ lý cho trưởng đoàn thể thao Việt Nam sự SEA Games 27 Lâm Quang Thành, chuyên trách các vấn đề liên quan đến bóng đá.

Đi SEA Games có nhất thiết phải đi đông thế này không?

Bóng đá nói cho cùng chỉ là một môn của đoàn thể thao Việt Nam, môn ấy cũng không mang theo nhiều hy vọng đoạt HCV (trừ bóng đá nữ), nhưng lại “gánh” theo một bộ máy quan chức quá cồng kềnh.

Ngoài HLV trưởng, thì vấn đề của từng đội tuyển cụ thể đã được các trưởng đoàn có trách nhiệm báo cáo và giải quyết ngay tại chỗ. Vậy thì có nhất thiết các quan chức cao nhất của cả một nền bóng đá đồng loạt đi theo đội để giải quyết sự vụ? Trong khi còn hàng loạt vấn đề mang tính định hướng của cả một nền bóng đá cần giải quyết ở phía sau.

Trên các trưởng đoàn của từng đội tuyển còn có trưởng đoàn thể thao Việt Nam (TTVN), và trưởng đoàn cũng đã cắt cử người trực tiếp theo dõi môn bóng đá là ông Trần Quốc Tuấn, báo cáo cho trưởng đoàn TTVN.Điều đó làm nẩy sinh vấn đề là việc tầng tầng lớp lớp quan chức đi theo các đội tuyển bóng đá có làm chồng chéo nhiệm vụ của nhau hay không?

Trong bối cảnh mà ngành thể thao nhiều nước chủ động cắt giảm chi phí, cắt bớt các đội tuyển không có khả năng tranh chấp huy chương, tránh biến mỗi dịp SEA Games thành “hội làng” (Philippines thậm chí còn bỏ luôn đội bóng đá nam, với lý do hết sức rõ ràng là đội này không có triển vọng giành HCV, để giảm chi phí), thì đoàn TTVN, cụ thể là môn bóng đá lại phình to về mặt cơ cấu, dù chưa chắc công việc đã tốt hơn.

Riêng trong môn bóng đá, ở các kỳ SEA Games gần đây, các đội tuyển bóng đá nam thường sinh chuyện, có các trận đấu đầy nghi vấn. Năm 2003 là trận bán kết hú vía với Malaysia, năm 2005 là vụ án chấn động, khiến một thế hệ cầu thủ tài năng vướng vào vòng lao lý, năm 2007 là trận thua khó hiểu trước Myanmar ở bán kết, dẫn đến việc HLV Riedl bị sa thải.

Đến năm 2009, trận chung kết thất bại trước Malaysia giờ vẫn còn là nỗi đau, và cả nỗi nhục của những người yêu bóng đá Việt Nam. 2 năm sau, lại thêm một trận thua tan nát khó lý giải khác trước Myanmar trong trận tranh HCĐ.

Xuyên suốt các sự cố ở những kỳ SEA Games ấy, các đội tuyển bóng đá lúc nào cũng có lớp lang đội ngũ lãnh đạo. Riêng SEA Games 2003 được tổ chức trên sân nhà, với đầy đủ các quan chức ở ngay sát sườn, còn năm 2005 có cả phó chủ tịch phụ trách chuyên môn và TTK VFF theo đoàn, nhưng vẫn để xảy ra chuyện.

Thế nên, cũng chưa ai dám chắc lần này, khi toàn bộ lãnh đạo của VFF sang Myanmar, các đội tuyển bóng đá, nhất đội tuyển nam lại không sinh chuyện, nếu cầu thủ lại kiếm chuyện? Bằng chứng là mới đây thôi, dù rất giận HLV Hoàng Văn Phúc và các học trò ở giải quốc tế diễn ra ở Bình Dương, vì nghi ngờ thiếu tích cực, nhưng VFF vẫn phải xuống nước với họ đấy thôi!

Trọng Vũ