CLB Viettel với truyền thống “uống nước nhớ nguồn”
(Dân trí) - Trước trận làm khách trên SVĐ Thiên Trường (Nam Định) tại vòng 3 V-League, Ban huấn luyện cùng đại diện các cầu thủ của CLB Viettel đã đến thăm và tặng quà tại nhà bác Nguyễn Thế Cự.
Bác Nguyễn Thế Cự người đã được Chính phủ Cách mạng lâm thời miền nam Việt Nam tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT khi mới tròn 21 tuổi.
Năm 1969, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, khi mới 17 tuổi, anh thanh niên Nguyễn Thế Cự đã xung phong lên đường nhập ngũ. Sau 6 tháng huấn luyện và hành quân ròng rã, ông gia nhập Đại đội Thông tin 20, Trung đoàn 3, Sư đoàn 5, Bộ Tư lệnh Miền. Trên chiến trường Lộc Ninh (Tây Ninh), cùng với đồng đội, ông đã tham gia 38 trận đánh lớn nhỏ và lập nhiều chiến công xuất sắc.
Ông Cự nhớ lại, Lộc Ninh là một trong 3 trận địa có tính quyết định trong chiến dịch Đông Nam Bộ 1972 (còn gọi là chiến dịch Nguyễn Huệ). Mục tiêu các trận đánh này là phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch tại phía Bắc miền Đông Nam Bộ, chiếm giữ các bàn đạp có lợi để tiếp tục tấn công tuyến phòng thủ vòng trong của chính quyền ngụy quân Sài Gòn, phát triển đến tuyến Bình Long - Tây Ninh, nếu có điều kiện, có thể thọc sâu đến Gò Dầu - Bến Cát; giải phóng các tỉnh Bình Long, Lộc Ninh theo kế hoạch chiến dịch Nguyễn Huệ. Vinh dự cho ông là được ở mặt trận này từ năm 1970 đến năm 1973.
Trên hướng mặt trận này, ông Cự có nhiệm vụ bảo đảm thông tin liên lạc cho Trung đoàn. Mưu trí dũng cảm, phục vụ tốt cho chỉ huy chiến đấu là ấn tượng của cấp trên, đồng đội về ông. Nhiều lần bị sốt rét, sức khỏe yếu, đơn vị cho nghỉ điều trị nhưng vì thiết tha với nhiệm vụ, ông vẫn xin đi chiến đấu bằng được. Theo dòng hồi tưởng, ông Cự chia sẻ: “Vào cuối tháng 12-1970, trong lúc đang thu dây điện thoại thì địch bất ngờ đánh ra. Dưới làn hỏa lực của địch, tôi đã thu dây xong trước khi địch sục xuống, vì vậy, Sở chỉ huy giữ được bí mật an toàn”. Cũng tại mặt trận Lộc Ninh khoảng đầu tháng 4-1972, ông Cự được giao phụ trách đường dây ở hướng chủ yếu dài 6km, máy bay địch bắn phá ác liệt, dây điện thoại bị đứt hàng chục lần.
Mỗi lần đứt dây là ông lại nhanh chóng xông ra nối bằng được, có lần bom nổ bị ngất đi, khi tỉnh lại ông lại tiếp tục đi nối dây đảm bảo đường dây luôn thông suốt phục vụ đắc lực cho chỉ huy chiến đấu. Với ông, đáng nhớ nhất trận chiến mà sau này giúp ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Khi đó, ông đang làm nhiệm vụ ở Sở chỉ huy với tham mưu trung đoàn thì máy bay địch đến đánh phá, một quả bom bi rơi ngay chỗ làm việc.
Nguyễn Thế Cự nhanh chóng nằm đè lên quả bom đã giúp cứu sống nhiều đồng đội. Với thành tích xuất sắc trong các trận đánh giải phóng thị xã Lộc Ninh, ông được trao tặng Huy hiệu Chiến sĩ thi đua; Huy hiệu chiến sĩ Quyết thắng cấp 2 và Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba. Ngày 20 tháng 12 năm 1973, ông được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng – khi mới vừa tròn 21 tuổi.
Trần Danh Trung – cầu thủ trẻ nhất trong đội 1 của Viettel (sinh năm 2000) bày tỏ: “Qua câu chuyện sinh động được kể lại bởi những nhân chứng lịch sử như bác Nguyễn Thế Cự trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc đã giúp những vận động viên chúng tôi hiểu rõ về lịch sử hào hùng của dân tộc, bồi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc, ý thức về vai trò trách nhiệm của tuổi trẻ chúng tôi đối với Tổ quốc”.
Được biết, trong buổi sáng cùng ngày toàn thể HLV và VĐV của Viettel FC đã đến dâng hương tưởng niệm tại Tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn tại Thành phố Nam Định.
Vào lúc 18h ngày 05/6/2020 Viettel FC sẽ có trận làm khách trên SVĐ Thiên Trường (TP Nam Định) tại vòng 3 giai đoạn lượt đi Giải VĐQG. Trận đấu này sẽ không có sự góp mặt của Trọng Hoàng do đang trong giai đoạn điều trị chấn thương gặp phải trong trận đấu ở vòng 1/8 Cúp Quốc gia trên sân An Giang.