1. Dòng sự kiện:
  2. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024
  3. Vòng chung kết giải U23 châu Á 2024

Chuyến xuất ngoại lận đận của Quang Hải, Công Phượng, Văn Toàn

Kim Anh

(Dân trí) - Chọn ra nước ngoài chơi bóng là một hướng đi đúng đắn, nhưng các tuyển thủ Quang Hải, Công Phượng, Văn Toàn thường gặp rất nhiều khó khăn khi phải thích nghi với môi trường bóng đá đỉnh cao.

Gần tròn một năm về trước, thông tin Quang Hải ra nước ngoài thi đấu mang lại sự hứng khởi cho nhiều người. Thực tế tiền vệ số 19 đã hoàn toàn trưởng thành và trình độ vượt tầm khu vực, vì thế anh có quyền và tự tin nghĩ tới những giải đấu lớn của châu lục, thậm chí châu Âu.

Nghĩ là làm, Quang Hải quyết định chia tay CLB Hà Nội nơi mà anh có tất cả, để thử sức mình ở một giải đấu có tính cạnh tranh cao tại Pháp, dù đó là giải hạng Nhì.

Tại đây, Quang Hải được cho là nhận mức lương hơn 200.000 euro/năm, tương đương gần 5 tỷ đồng. Đây là mức lương tương đối cao với một cầu thủ Việt Nam.

Ngày vui qua mau, cơ hội của Quang Hải gần như không còn với việc ngồi dự bị thường xuyên và mới nhất đã phải xuống chơi ở giải hạng 5 (hạng đấu gần như thấp nhất tại Pháp) cho Pau FC B.

Chuyến xuất ngoại lận đận của Quang Hải, Công Phượng, Văn Toàn - 1

Quang Hải gần như hết cơ hội thể hiện (Ảnh: AP).

Trước đó, Quang Hải đưa ra một quyết định được cho là không phù hợp với tình cảnh của mình là xin về nước một tháng để tham dự AFF Cup 2022.

Đội tuyển Việt Nam không thể giành cúp vô địch, còn Quang Hải có màn trình diễn không thể nhạt nhòa hơn trong những lần ra sân ở giải đấu khu vực.

Những tưởng AFF Cup sẽ giúp Quang Hải lấy lại tất cả, nhưng thất bại ở sân chơi này càng khiến số 19 hết cơ hội ở Pau FC. Anh trở lại đội bóng nước Pháp và gần như phải làm lại từ đầu.

Nhìn nhận một cách công bằng, việc Quang Hải sang Pháp chơi bóng đến lúc này không hoàn toàn thất bại, bởi ngôi sao nào cũng luôn có ước mơ được chinh phục những thử thách lớn.

HLV của Pau FC, ông Didier Tholot cũng đã trao cơ hội cho tiền vệ người Việt Nam. Nói cách khác, Quang Hải được cạnh tranh một cách sòng phẳng, nhưng anh không làm được, giống như sự bất lực ở tuyển Việt Nam tại AFF Cup 2022.

Đánh giá tích cực là vậy, nhưng thẳng thắn mà nói quyết định ra nước ngoài thi đấu của Quang Hải là một nước cờ sai. Cựu cầu thủ CLB Hà Nội đáng lẽ cần phải có một lộ trình phù hợp để chuẩn bị, để có thể thích nghi nhanh với văn hóa, giao tiếp…

Sự tự tin thái quá của Quang Hải và người đại diện, khiến chuyến xuất ngoại của cầu thủ hay nhất Việt Nam trở nên mơ hồ và lận đận hơn bao giờ hết.

Không chỉ có Quang Hải, tình cảnh của Công Phượng cũng chẳng khá hơn. Sau hai trận bị "bỏ rơi" không được đăng ký vào danh sách thi đấu, tiền đạo người Nghệ An cuối cùng cũng được xếp ngồi dự bị ở Yokohama FC, nhưng không được ra sân phút nào ở vòng đấu gần nhất tại J-League Cup.

"Sau khi thử thách bản thân ở nhiều môi trường khác nhau, tôi tin mình có thể thích nghi với môi trường Nhật Bản trong lần quay lại. Tôi không biết mình thi đấu bao nhiêu trận nhưng tôi muốn cống hiến hết khả năng để giúp Yokohama FC có kết quả tốt nhất. Tôi sẽ không ngừng rèn luyện và cải thiện khả năng thi đấu ở Nhật Bản", Công Phượng chia sẻ.

Chuyến xuất ngoại lận đận của Quang Hải, Công Phượng, Văn Toàn - 2

Công Phượng vẫn chưa được ra sân ở J-League (Ảnh: Yokohama FC).

Quyết tâm là vậy, nhưng thực tế thì Công Phượng đang là một trong những tân binh phải cạnh tranh khốc liệt vị trí ở Yokohama FC. Anh gần như khó có cơ hội được ra sân ở J-League, mà chỉ chờ được HLV trưởng sử dụng ở những giải đấu Cúp của Nhật Bản.

Tại J-League, mỗi trận đấu, các CLB chỉ được đăng ký 18 cầu thủ, tức là ngoài 11 cái tên đá chính, chỉ còn 7 suất dự bị bao gồm một thủ môn. Theo danh sách của CLB Yokohama, đội bóng có đến 9 tiền đạo, trong số này là 3 ngoại binh, bao gồm Công Phượng. Điều đáng nói, ngoài tiền đạo Sho Ito sinh năm 1988, Công Phượng là người nhiều tuổi nhất ở hàng công.

Với 9 tiền đạo, HLV Yomoda lại chỉ dùng sơ đồ 4-5-1. HLV Yomoda có vẻ sẽ không thay đổi nhiều nhân sự và cần thêm các trận đấu để đội hình chính vận hành trơn tru. Điều này đồng nghĩa với việc cơ hội cho một cầu thủ dự bị "hạng hai" như Công Phượng là rất ít.

Những khó khăn được lường trước, nhưng chứng minh được năng lực với bóng đá Nhật Bản là điều không dễ dàng. Bản thân Công Phượng từng sang Nhật Bản và thất bại trong lần đầu tiên xuất ngoại. Giờ đây, anh phải làm gì để thành công như Chanathip của Thái Lan đã làm được, thực sự là rất khó.

Cũng như Quang Hải, lương của Công Phượng vào khoảng 5 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, anh ký hợp đồng có thời hạn 3 năm nên hoàn toàn có thể yên tâm để cống hiến.

Chuyến xuất ngoại lận đận của Quang Hải, Công Phượng, Văn Toàn - 3

Văn Toàn chưa thể hiện được nhiều ở đội bóng Hàn Quốc (Ảnh: Footballist).

Trong các cầu thủ Việt Nam đang chơi bóng ở nước ngoài, có lẽ Văn Toàn lại là người có cơ hội nhất, bởi anh chọn giải hạng Nhì của Hàn Quốc để thử sức, và đội bóng mà mình đầu quân được dẫn dắt bởi cựu HLV CLB Hà Nội.

Thực tế, Văn Toàn đang được trao cơ hội ra sân khá nhiều ở những vòng đấu vừa qua. Dù chưa để lại dấu ấn, nhưng tiền đạo người Hải Dương không đối mặt với tương lai mờ mịt như Quang Hải hay Công Phượng.

Theo tiết lộ, mức lương trung bình tại Seoul E-Land vào khoảng 53.95.022 won/tháng, tức khoảng 100 triệu đồng/tháng. Đây cũng là mức lương mà Văn Toàn có thể nhận được khi gia nhập đội bóng này.