1. Dòng sự kiện:
  2. Hậu trường nhân vật thể thao
  3. Giải chạy Unique Nha Trang H-Marathon 2024

Ông Lê Bửu - Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT:

“Chuyện giáo dục VĐV đã bị thả nổi...”

“Chưa bao giờ vấn đề giáo dục đạo đức, ý thức nghề nghiệp... cho VĐV bị thả nổi như hiện nay”. Đó là một trong những nỗi bức xúc của ông Lê Bửu - nguyên tổng cục trưởng Tổng cục TDTT VN trong cuộc trò chuyện quanh chủ đề: Làm gì cho bóng đá VN trong sạch?

Ông giải mã thế nào về chuyện tiêu cực ở một số cầu thủ U23 tại SEA Games 23?

 

Thì như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát biểu, cái gốc của vấn đề nằm ở chỗ người lớn. Không xem trọng công tác giáo dục thì mấy em nó hư thôi.

 

Theo quan điểm của tôi, sau khi tuyển chọn được VĐV có năng khiếu, việc trước tiên là phải giáo dục đạo đức, ý thức nghề nghiệp, văn hóa; song song đó là dạy kỹ thuật, chiến thuật, huấn luyện thể lực và cuối cùng mới là thi đấu. Trong thực tế, người ta chỉ tập trung cho ăn no, tập đá bóng và thi đấu!

 

Theo ông, nên làm gì để có được một nền bóng đá sạch, phát triển mạnh mẽ?

 

Cách đây vài năm, tôi đã góp ý rất nhiều với các đồng chí có trách nhiệm quản lý thể thao VN, quản lý bóng đá VN rằng: bóng đá VN đã đi chệch đường rồi. Người ta cứ hào hứng về bóng đá chuyên nghiệp ở VN, chứ trong mắt tôi, bóng đá VN cho đến hiện nay vẫn chưa chuyên nghiệp.

 

Chuyên nghiệp không phải là tăng tiền cho cầu thủ, là thuê cầu thủ nước ngoài là đủ. Với tôi, chuyên nghiệp là phải làm việc có quy hoạch, biết trước được tương lai chúng ta sẽ đi đến đâu chứ không phải chắp vá như hiện nay.

 

Tôi đã đúc kết ra năm nguyên nhân khiến bóng đá VN chưa phát triển được mạnh mẽ như ý muốn:

 

1. Lãnh đạo thể thao từ Trung ương đến địa phương làm việc thiếu kế hoạch, chắp vá, chỉ chăm chăm lo cái gần trước mắt là thành tích chứ thiếu hẳn sự đầu tư cho tương lai lâu dài.

 

2. Hệ thống đào tạo lực lượng từ thấp đến cao không có, hoặc có mà không hoàn chỉnh. Tôi lấy ví dụ ở Nghệ An, nơi được xem là làm tốt nhất trong cả nước về khâu đào tạo, nhưng cũng chỉ mới làm được việc nuôi ăn và dạy đá bóng chứ chưa đào tạo được những cầu thủ hoàn thiện từ tài năng đến nhân cách.

 

3. Không xác định được tính mục đích. Với các nhà quản lý thể thao hiện nay, họ chỉ nghĩ đến thành tích, thành tích và thành tích. Họ đã quên rằng còn có nhiều mục đích khác quan trọng hơn cả thành tích. Với tôi, tính mục đích của bóng đá chia làm hai phần đối ngoại và đối nội.

 

Đối ngoại ở đây là đội tuyển bóng đá ra nước ngoài không chỉ có mỗi mục đích kiếm huy chương. Nhiều quốc gia chẳng bao giờ kiếm được huy chương cả nhưng họ vẫn đầu tư mạnh cho bóng đá là vì sao? Vì qua bóng đá, chúng ta sẽ giới thiệu được cho bạn bè thấy một dân tộc VN yêu thể thao, yêu hòa bình... như thế nào.

 

Vì vậy, thời tôi còn lãnh đạo ngành thể thao, tôi luôn nhấn mạnh với VĐV khi ra nước ngoài thi đấu phải luôn nhớ ba điều: Thứ nhất, nỗ lực thi đấu để mang huy chương về cho đất nước. Thứ hai, phải luôn ý thức mình là một sứ giả ngoại giao. Thứ ba, học tập cái hay của bạn để nâng cao mình.

 

Hôm được mời dự lễ tiễn đoàn thể thao dự SEA Games 23, tôi hỏi nhiều em VĐV và tất cả chỉ biết mỗi một chuyện là kiếm huy chương. Chính vì thế mới có chuyện VĐV ra nước ngoài đánh nhau, bán độ...

 

Về mặt đối nội, bóng đá đối với tôi là phương tiện để giáo dục thế hệ trẻ, là để nâng cao thể lực cho người VN. Trong khi đó hiện nay thì sao? Nói tới bóng đá là chỉ nghe mỗi một chữ “tiền, tiền, tiền... và tiền!”.

 

4. Việc thuê cầu thủ ngoại, theo tôi, là con dao hai lưỡi. Số đàng hoàng, có thể làm gương tốt cho cầu thủ VN như Kiatisak là quá ít. Ngược lại, số đi đá thuê, chỉ biết đến tiền là quá nhiều. Vì vậy, học cái hay đâu chưa thấy, chỉ thấy cầu thủ chúng ta giờ đây cũng nhiễm cái bệnh chỉ biết đến tiền.

 

5. Từ trung ương cho đến địa phương, những người làm bóng đá hiện mất đoàn kết trầm trọng. Người ta đã không nghĩ đến cái chung nữa mà chỉ tranh thủ kiếm chác thôi.

 

Ông đã nói những điều này với người đứng đầu ngành thể thao hiện nay là Bộ trưởng Nguyễn Danh Thái?

 

Anh Thái là người tôi rất quý. Sau khi anh Thái làm bộ trưởng đã có mời tôi làm cố vấn nhưng tôi không nhận mà chỉ hứa sẽ góp ý thôi. Vừa qua, trước đại hội VFF nhiệm kỳ V, tôi có góp ý với anh Thái là không nên để anh Thọ tham gia nữa. Trước SEA Games một tháng, tôi cũng góp ý không nên để anh Thọ làm phó đoàn thể thao.

 

Anh Thái có hứa nhưng không biết sao cuối cùng vẫn như cũ. Tôi thấy ở đây anh Thái có một sự ưu ái đặc biệt với anh Thọ - một người mà tôi rất hiểu từ năm 1966 (khi đó ông Bửu là bí thư chi bộ Vụ Thể thao thành tích cao, phụ trách bóng đá) đến nay.

 

Ông nghĩ gì về cái gọi là "dây mơ rễ má" trong làng bóng đá?

 

Chuyện này chỉ mới trầm trọng vài năm gần đây thôi và thể hiện rất rõ. Cụ thể có một số người đụng đâu là tai tiếng, là thất bại đó nhưng bằng cách này cách khác tiếp tục bám trụ. Nếu không nhân dịp này để bóc tách toàn bộ những dây mơ rễ má đó, bóng đá VN khó mà hết bệnh.

 

Xin cảm ơn ông.       

 

Theo Huy Thọ

Tuổi trẻ