Chuyên gia: "HLV Troussier sẽ giúp Việt Nam chơi đa dạng hơn thời ông Park"
(Dân trí) - Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương cho rằng từ quá khứ cho đến hiện tại, Philippines không phải là đối thủ xứng tầm của đội tuyển Việt Nam. Đoàn quân HLV Troussier có ưu thế để giành 3 điểm.
Ông đánh giá thế nào về tương quan thực lực giữa đội tuyển Việt Nam và Philippines?
- Tôi cho rằng đội tuyển Việt Nam mạnh hơn hẳn Philippines từ quá khứ cho đến hiện tại. Theo tôi, mục tiêu đánh bại Philippines trong cả hai lượt trận đi và về là mục tiêu mà đội tuyển Việt Nam phải thực hiện, nếu chúng ta muốn giành quyền lọt vào vòng chung kết (VCK) World Cup.
Có thể trong đội hình của Philippines có một số cầu thủ đang thi đấu tại châu Âu. Họ được gọi về để chuẩn bị cho vòng loại World Cup, cho trận đấu với đội tuyển Việt Nam. Họ có ưu thế về bóng bổng và bóng dài.
Tuy nhiên, đội tuyển Việt Nam vẫn mạnh hơn Philippines. Điều quan trọng là chúng ta có chơi theo ý chúng ta được hay không, có đá kiểm soát bóng trước Philippines hay không. Kết quả thắng thua trong trận đấu sắp diễn ra phụ thuộc hoàn toàn vào sự thể hiện của đội tuyển Việt Nam ở trên sân.
Có vẻ như dưới thời HLV Troussier, các đội tuyển Việt Nam khá yếu trong bóng bổng, chúng ta thường thua vì những pha bóng bổng?
- Chúng ta cần phân biệt những trận đấu thử nghiệm với những trận đấu thật, những trận ở các giải chính thức. Những trận thử nghiệm vừa rồi của HLV Troussier là những trận mà ông ấy đi tìm nhân tố mới, thử nghiệm lối chơi mới, chứ không phải đi tìm kết quả làm vừa lòng số đông.
Tôi cho rằng, khi bước vào trận đấu chính thức thuộc vòng loại World Cup, cụ thể là trận đấu sắp diễn ra với Philippines, HLV Troussier sẽ quay lại dùng bộ khung vững chắc nhất, dựa trên các cựu binh. Khi các cựu binh Văn Lâm, Việt Anh, Thanh Bình, Văn Thanh, Xuân Mạnh trở lại, bóng bổng không còn là vấn đề với đội tuyển Việt Nam.
Có nghĩa là các kết quả thua đậm ở những trận giao hữu vừa qua không phản ánh hình ảnh của đội tuyển Việt Nam ở trận đấu với Philippines tối nay?
- Ở các trận giao hữu mới nhất, đội tuyển Việt Nam toàn gặp các đội mạnh, gồm Trung Quốc, Uzbekistan và Hàn Quốc. HLV Troussier biết chắc chắn đội tuyển của ông ấy sẽ thua những trận như thế, nhưng ông ấy vẫn lựa chọn các đối thủ này để đá giao hữu, chứng tỏ vị HLV người Pháp có toan tính riêng.
Trước khi thi đấu với các đội mạnh trên, chúng ta đã thi đấu với đội yếu cỡ Palestine rồi, nên ông ấy không đi tìm những chiến thắng trước các đối thủ yếu nữa. Mục tiêu của HLV Troussier dài hơi là đoạt vé vào VCK World Cup, nên phải chọn lựa đối thủ đá giao hữu đa dạng.
Chúng ta thua các trận vừa rồi là thua những đội hàng đầu châu Á, còn giờ đối thủ của đội tuyển Việt Nam chỉ là Philippines, vốn khác xa Trung Quốc, Uzbekistan hay Hàn Quốc.
Tôi tin HLV Troussier thừa kinh nghiệm và năng lực để giúp đội tuyển Việt Nam kiểm soát trận đấu này, trước khi giành chiến thắng.
Cụ thể, ông hình dung thế trận trước Philippines sẽ như thế nào, thưa ông?
- Đội tuyển Việt Nam sẽ chơi kiểm soát bóng, tấn công ngay từ đầu, giải quyết bàn thắng trước. Sau đó, chúng ta sẽ dần chơi chậm lại, để bảo toàn thể lực và lực lượng, vì trước mắt chúng ta vẫn còn trận đấu gặp Iraq sau đây ít ngày.
Tôi cũng tin đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Troussier sẽ chơi đa dạng hơn chính chúng ta dưới thời HLV Park Hang Seo. Ông Troussier là một HLV có đẳng cấp, có bản lĩnh. Ông ấy chấp nhận các kết quả không như mong muốn trong các trận giao hữu, để đi tìm sự đa dạng cho đội tuyển Việt Nam.
Một đội bóng muốn tiến xa ở vòng loại World Cup, cần sự đa dạng và khả năng thích ứng linh hoạt như thế. Chúng ta cần biết thích ứng với nhiều dạng đối thủ khác nhau, đá với đội mạnh chơi khác và khi thi đấu với đội yếu hơn sẽ chơi khác. Thậm chí, trong cùng một trận đấu, lối chơi cũng khác nhau tùy theo từng thời điểm và kết quả ở thời điểm ấy.
HLV Troussier đang hướng đội tuyển đến lối chơi như vậy. Trước Philippines, tôi cho rằng đội tuyển Việt Nam sẽ đá với nhịp độ khác nhau, ở những thời điểm khác nhau. Còn kết quả chung cuộc, đội bóng của HLV Troussier sẽ thắng với 2 bàn cách biệt.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!