Chuyên gia điền kinh: "Ban tổ chức SEA Games đổi lịch rất tùy tiện"
(Dân trí) - Cựu Trưởng bộ môn điền kinh Dương Đức Thủy cho rằng việc Ban tổ chức nước chủ nhà liên tục đổi lịch thi đấu ở môn điền kinh và một số môn khác ở SEA Games 32 là điều không hợp lý.
"Qua nhiều năm thi đấu đỉnh cao cũng như làm Trưởng bộ môn điền kinh từ năm 2005 đến 2021 rồi cùng các vận động viên (VĐV) thi đấu quốc tế, tôi thấy chuyện đổi lịch phi lý như thế này là chưa có tiền lệ", cựu Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục Thể dục thể thao), ông Dương Đức Thủy chia sẻ với Dân trí.
Tại môn điền kinh, lịch thi đấu ở các nội dung liên tục bị thay đổi, thậm chí chỉ ít giờ trước khi các VĐV thi đấu. Đáng chú ý, sau khi đổi lịch, VĐV Nguyễn Thị Oanh phải thi đấu nội dung 1.500m lúc 17h30 và sau đó 20 phút, cô phải bước vào nội dung vô cùng khó khăn 3.000m chướng ngại vật.
Bằng sự nỗ lực cao nhất, Nguyễn Thị Oanh vẫn giành 2 HCV cho đội tuyển điền kinh Việt Nam. Tuy nhiên, việc Ban tổ chức (BTC) SEA Games 32 đổi lịch vẫn tiếp diễn, gây ra rất nhiều khó khăn cho các đoàn, trong đó có Việt Nam.
Theo ông Dương Đức Thủy, đây là một cách xử lý tùy tiện, coi thường các quốc gia tham dự, coi thường VĐV và những người làm chuyên môn.
"Tôi bức xúc suốt từ hôm qua tới giờ. Việc đổi lịch như thế thật sự vô lý", ông Thủy nhấn mạnh.
Về hai nội dung của Nguyễn Thị Oanh, ông Dương Đức Thủy đặt câu hỏi rằng tại sao Ban tổ chức SEA Games đưa 1.500m từ ngày 11/5 lên ngày 9/5, trong khi ngày 10/5 không có nội dung nào?
Điều đáng nói, hai VĐV Philippines cạnh tranh với Oanh ở nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật được nghỉ ngơi hoàn toàn trước khi vào thi, vì không phải chạy 1.500m. Việc đổi lịch rõ ràng là hành động o ép VĐV Việt Nam.
"Nếu lịch giãn ra, Nguyễn Thị Oanh sẽ có thời gian hồi phục để phấn đấu thành tích cao, thậm chí lập kỷ lục mới. Còn thi đấu với mật độ như thế, Oanh chỉ có thể cố gắng đảm bảo thành tích để đạt HCV", ông Dương Đức Thủy nói.
Việc Nguyễn Thị Oanh thi đấu với lịch cách nhau 20 phút như vậy có thể chịu những tổn thất về thể chất. Ông Thủy nhấn mạnh, vấn đề không chỉ đơn giản là mệt mỏi, lượng oxy cần bù, mà còn cả về cơ bắp, vì nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật - với 7 rào nước và 28 rào cạn, đòi hỏi cả yếu tố tốc độ, sức bền lẫn sức mạnh cơ bắp.
"Tôi cảm phục ý chí thi đấu của Oanh, nhưng nếu đặt bản thân ở vị thế một người bố nếu có con gái ở hoàn cảnh của Oanh, tôi rất đau xót, khi việc VĐV bị ép thi đấu như thế vì lỗi của những người khác, vì mục đích và động cơ thế nào đó của họ", ông Thủy nói.
Được biết, lãnh đạo Liên đoàn Điền kinh Việt Nam có mặt ở SEA Games 32 cũng có ý kiến gay gắt, nhưng Ban tổ chức nước chủ nhà không thay đổi.
"Lẽ ra, chúng ta phải có biện pháp quyết liệt hơn, vì việc đổi lịch này là sai luật, mà đã sai thì chúng ta có thể khiếu nại, thậm chí đề nghị dừng thi.
Nếu khiếu nại tại chỗ với Ban tổ chức môn điền kinh không được, đội tuyển phải có ý kiến lên lãnh đạo đoàn Thể thao Việt Nam để họ có tiếng nói với Ban tổ chức SEA Games. Bởi việc đổi lịch như thế ảnh hưởng đến các môn khác nữa, tạo ra một môi trường cạnh tranh không bình đẳng, không công bằng", ông Thủy kết luận.