(Dân trí) - Trận chung kết luôn nghiệt ngã. Đó là nơi là ranh giới giữa đỉnh cao và vực sâu tồn tại chỉ trong quãng thời gian ngắn ngủi. Liệu chăng Anh hay Italia sẽ làm nên lịch sử ở Euro?
Chung kết Euro 2020, Italia - Anh: Trò chơi của số phận
Trận chung kết luôn vô cùng nghiệt ngã. Đó là nơi là ranh giới giữa đỉnh cao và vực sâu tồn tại chỉ trong quãng thời gian ngắn ngủi. Lịch sử sẽ chỉ ghi danh người chiến thắng. Anh hay Italia sẽ làm nên lịch sử ở Euro?
"Vết sẹo" của Italia
"Thành Roma không thể xây trong một ngày" - đó là câu ngạn ngữ nổi tiếng của Italia. Nó dùng để nhắc nhở ai đó về quá trình tích lũy dần dần. Từng viên gạch sẽ là cầu nối để bước tới đỉnh cao vũ đài.
Câu chuyện bước vào chung kết của Italia và Anh cũng vậy. Thành công của họ không phải là cái chớp mắt, mà là quá trình lột xác đầy đớn đau.
Những người Italia nhớ như in "vết sẹo" thất bại ở vòng play-off World Cup 2008 (với Thụy Điển). Cơn tức giận của De Rossi khi bị HLV Ventura đưa ra vào trong thế Italia rất cần bàn thắng chính là tiêu biểu cho nỗi đau của người Italia.
"Tôi vào sân làm gì? Chúng ta cần một chiến thắng, chứ không phải một trận hòa" - De Rossi hét lên với trợ lý HLV khi ngồi trên băng ghế dự bị. Trong khi đó, ngôi sao sáng nhất của Italia ở Euro 2020, Insigne lại chôn chân ở ghế dự bị và không được vào sân ở trận đấu ấy.
Lối chơi phòng ngự Catenaccio đã đưa Italia tới thành công rực rỡ trong quá khứ, tới mức nó giống như chiếc vòng kim cô, trói buộc sự đội bóng này. Tới mức, ngay cả khi thất bại cận kề, Italia cũng không dám thay đổi.
Nhưng trong cuộc sống, đôi khi "vết sẹo" lại giống như món quà của Thượng Đế. Nếu không có thất bại với việc không thể giành vé dự World Cup 2018, có lẽ, những người Italia sẽ mãi đứng yên trong sự huyễn hoặc về lối chơi phòng ngự.
Italia có thể tấn công hay hơn bất kỳ đội bóng nào. HLV Mancini đã chứng minh điều đó. Và sự khát khao giống như dòng sông đổ ra biển. Nó là dòng chảy không ngừng. Chỉ là bạn có biết "khơi thông" nó hay không mà thôi.
Italia của Mancini là hình ảnh của đội bóng hoàn toàn khác so với quá khứ. Nó được xây dựng dựa trên sự khát khao và tận hưởng. Như HLV Mancini từng nói: "Tôi muốn các cầu thủ có thể tận hưởng trận đấu của riêng mình".
Truyện kiếm hiệp của Kim Dung không chỉ là câu chuyện đấu đá trong giang hồ, mà còn ẩn chứa cả tầng triết lý. Đơn cử như truyện "Tiếu ngạo giang hồ" hướng con người ta tới sự giải thoát và hướng tới tự do. Trong đó, bộ võ công "Độc cô cửu kiếm" là minh chứng cụ thể với triết lý "Vô chiêu thắng hữu chiêu". Tại sao bạn luôn cố gắng gò mình vào sự giới hạn của "hữu chiêu"? "Vô chiêu" chính là tư tưởng tự do. Điều quan trọng nhất là phải tận hưởng, giải thoát khỏi "vòng kim cô" của chính mình. Chỉ khi ấy, người ta mới thấy được tinh hoa thực sự và sáng tạo ra những điều mới mẻ.
Nó cũng giống như câu chuyện của đàn gà ngước nhìn đại bàng ở trên bầu trời, để rồi ước ao. HLV Mancini đã tạo ra cho mỗi cầu thủ "bầu trời của riêng mình". Insigne được phép tự do tận hưởng, mà không phải gò mình vào bất kỳ nhiệm vụ nào. Tinh thần ấy cũng tới trong từng bước chạy của Spinazzola. Chiesa…
Sự khát khao đã thực sự nâng tầm họ. Insigne từng là kẻ "thừa thãi". Spinazzola chỉ là cầu thủ "bình thường" cho tới khi Euro 2020 khởi tranh. Hay Chiesa cho tới những trận đấu đầu tiên ở Euro 2020 vẫn chỉ là kẻ dự bị. Nếu muốn sự khát khao của những người Italia lớn tới mức nào, hãy cứ nhìn vào ánh mắt của Bonucci sau trận đấu với Tây Ban Nha.
Đội tuyển Anh xù xì, gai góc
Trong khi đó, đội tuyển Anh cũng đã trải qua màn "lột xác" ngoạn mục ở Euro 2020. Họ không xuất hiện với vẻ hào nhoáng như trước, mà trở nên xù xì, gai góc và khó đoán định hơn rất nhiều.
Đội tuyển Anh của Southgate ở Euro 2020 bước ra từ nghịch lý. Đó là đội bóng mà nếu xét trên từng cá nhân thì có thể xem là kém nhất trong nhiều năm trở lại đây. Họ sống với những chỉ trích xuyên suốt giải đấu. Họ không còn phải đau đầu lựa chọn xem Lampard hay Gerrard đá chính.
Nhưng chính điều ấy gộp lại tạo nên sức mạnh đáng sợ của Tam Sư. Thoạt nhìn, họ giống như "kẻ bất động", không gây nguy hiểm cho đối thủ. Nhưng khi nhận ra rằng đó chỉ là tư thế chuẩn bị của kẻ săn mồi, tất cả đã quá muộn.
"Các cầu thủ đã có bài học trong 3,4 năm qua. Giờ đây, chúng tôi đã trở nên cứng cáp hơn" - HLV Gareth Southgate từng chia sẻ như vậy trước thềm trận chung kết Euro 2020 với Italia.
Điều khiến đội tuyển Anh lột xác không phải là sức mạnh khủng khiếp, mà là việc họ đã biết "cúi đầu". Nó thể hiện qua phát biểu của HLV Southgate: "Chúng tôi vẫn còn rất nhiều điều phải làm mới có thể ngang đẳng cấp của Italia".
Cái "cúi đầu" giúp đội tuyển Anh biết mình là ai. Nó giúp họ tỉnh táo hơn trong mọi hoàn cảnh. Đó chính là "chất keo" giúp đội tuyển Anh trở nên đoàn kết hơn. Chỉ tới bây giờ, người ta mới thấy Tam Sư trở thành một khối.
Những người Italia trong quá khứ luôn tự hào với chiến thuật "dao găm". Có nghĩa rằng, họ không đánh trực diện, vỗ mặt mà luôn đáng sợ nhờ sự rình rập. HLV Ancelotti từng nói: "Italia thi đấu không để chứng minh rằng họ giỏi hơn đối thủ, mà cho thấy họ khôn ngoan hơn".
Giờ đây, đội tuyển Anh cũng nguy hiểm bởi "con dao găm" ấy. Họ chấp nhận chơi dưới cơ đội tuyển Đức ngay ở Wembley không phải vì kém hơn đối thủ, mà vì chờ đợi thời cơ để tung ra những đòn chí mạng.
Họ chẳng cần ngôi sao hàng đầu ở tuyến giữa, mà chỉ cần hai "gã công nhân" Kalvin Phillips và Declan Rice. Nhiệm vụ duy nhất của họ là phá lối chơi của đối thủ. Chính cái "cúi đầu" đã tạo nên sự cần mẫn ấy.
Tới tận bây giờ, người ta vẫn không biết sức mạnh thực sự của đội tuyển Anh. Bởi lẽ, hành trình vào chung kết của họ không quá thuyết phục. Nhưng chính sự "lập lờ" ấy, càng khiến cho Tam Sư trở nên đáng sợ hơn. Ai mà biết đội tuyển Anh sẽ chơi như thế nào và bao giờ họ sẽ tung ra đòn kết liễu.
Chuyên gia Steve Darby từng nói: "Kết quả là điều quan trọng nhất, vượt lên trên mọi yếu tố". Có lẽ, sau quá nhiều bài học về sự "ngây thơ" trong quá khứ, người Anh đã nghiệm ra được chân lý ấy.
Điều đáng mừng là thế hệ đội tuyển Anh giờ đây chịu sức ép tốt hơn so với thế hệ đàn anh. Họ đã biết cách "bỏ ngoài tai" tất cả, để chinh phục những thử thách vô cùng khó khăn. Cái cách bạn vượt qua khó khăn cho thấy con người của bạn.
Những nỗi đau giằng xé
"Tôi chỉ có mục tiêu duy nhất, đó là mang tới niềm vui cho người hâm mộ" - HLV Mancini chia sẻ trước ngày lên đường sang Anh tham dự chung kết Euro 2020. Thật vậy, cả đất nước Italia đã chờ đợi quá lâu cho chức vô địch Euro.
Ít ai biết rằng, xưng hùng xưng bá ở World Cup nhưng Italia lại luôn vô duyên với Euro. Họ chỉ có một lần lên đỉnh vinh quang trong quá khứ. Giải đấu đó đã cách đây…53 năm. Có nghĩa rằng, hơn nửa thập kỷ qua, những người dân của mảnh đất hình Chiếc ủng đã chơi vơi trong khát khao chiến thắng.
Trong quãng thời gian đầy đau đớn ấy, Italia từng có hai lần bước vào trận chung kết Euro vào các năm 2000 và 2012. Điểm chung là họ đều thất bại. Cú vung chân của Trezeguet ở Euro 2000 đã đẩy Italia xuống địa ngục ở giải đấu mà họ đã chơi quá hay. Trong khi đó, tới năm 2012, Italia đã thua thê thảm trước lối chơi tiqui-taka của Tây Ban Nha.
Và còn hơn một lý do để những người Italia muốn thắng. Đó còn là sự giằng xé của chính HLV Mancini. Trong sự nghiệp cầu thủ, ông từng góp mặt ở World Cup 1990 nhưng… không được thi đấu một phút nào.
Trước đó 4 năm, Mancini đá chính ở Euro 1988 (ghi bàn vào lưới Tây Đức) nhưng hành trình của cựu tiền đạo Sampdoria cũng khép lại với chỉ 1 bàn thắng. Ở giải đấu năm ấy, Italia lọt vào bán kết và để thua Liên Xô.
Chính vì lý do này, HLV trưởng của đội tuyển Italia đã nhấn mạnh: "Tôi đã không thể giành danh hiệu cùng Italia với tư cách cầu thủ nhưng tôi sẽ làm được với tư cách của HLV".
Với đội tuyển Anh, nỗi đau còn lớn hơn thế. Không phải ngẫu nhiên mà báo giới Anh đã nhấn mạnh về "hành trình đớn đau kéo dài 55 năm". Kể từ khi giành chức vô địch World Cup 1966, Tam Sư không thể lọt vào trận chung kết giải đấu lớn (Euro/World Cup) thêm một lần nào nữa.
Trong hành trình ấy, có biết bao thế hệ vàng của đội tuyển Anh đã bước ra sân chơi lớn, rồi lại lầm lũi ra về trong thất bại. Hình ảnh bật khóc sau khi thất bại trước Tây Đức ở bán kết World Cup 1990 được xem là hình ảnh tiêu biểu cho sự thất bại của người Anh. Sau này, giọt nước mắt ấy còn được bình chọn là một trong những hình ảnh tiêu biểu trong lịch sử World Cup.
Sau này, người ta còn bắt gặp hình ảnh John Terry đẫm lệ khi đội tuyển Anh bị Bồ Đào Nha loại khỏi World Cup 2006. Hay chỉ cách đây 3 năm, Harry Kane (người hùng của hiện tại) cũng đau đớn rơi nước mắt sau khi chứng kiến đội tuyển Anh bị loại khỏi World Cup 2018.
Hẳn thế hệ của Sterling, Harry Kane, Maguire, rồi những người trẻ hơn Foden, Sancho… từng hơn một lần đau đớn vì thất bại của đội nhà trong quá khứ. Nhưng thế hệ ấy đã trưởng thành, dám đương đầu và bước qua thử thách. Họ đã sẵn sàng lau đi những giọt nước mắt của sự tủi hờn trong suốt 55 năm qua.
Football's coming home hay Rome (Bóng đá trở về nhà hay trở về Rome)?
Football's coming home là câu hát nổi tiếng trong bài Three Lions được David Baddiel và ban nhạc The Lightning Seeds sáng tác để cổ vũ cho đội tuyển Anh ở kỳ Euro 1996 (giải đấu trên sân nhà).
25 năm sau ngày ấy, những giai điệu quen thuộc lại vang lên trên khán đài Wembley. Nó nhắc nhở người Anh không quên đi quá khứ. Nước Anh từng tự hào là nơi sản sinh ra bóng đá hiện đại nhưng họ mới chỉ một lần "đưa bóng đá trở về nhà" ở World Cup 1966, quá ít ỏi so với Italia, Pháp, Tây Ban Nha, Đức.
Nhưng giờ đây, tất cả những người Anh đã sẵn sàng cho ngày hội lớn. Các trường học, công sở ở đất nước này đều thông báo rằng sẽ cho học sinh và công nhân viên chức đi làm muộn trong ngày thứ Hai, để cho họ có thể tận hưởng trọn bầu không khí ăn mừng.
Hiệu trưởng Chris Dyson của trường tiểu học Parklands ở Leeds chia sẻ: "Bọn trẻ mong muốn được nhìn thấy khoảnh khắc lịch sử. Tôi cũng muốn chúng trải nghiệm. Tôi chấp nhận để chúng đi học muộn trong ngày thứ Hai".
Tất cả các cơ quan ở Anh đã thông báo lùi giờ làm việc và học tập xuống 10h30. Cả xứ sở Sương mù đã sẵn sàng tạo nên không khí lễ hội.
Trong khi đó, những người Italia đã sửa lại giai điệu bài hát thành "Football's coming to Rome". Cũng như người Anh, các CĐV Italia đã chờ đợi quá lâu cho thời khắc ăn mừng (lần cuối cùng là World Cup 2006).
Trên những đường phố ở Roma, Milan, Turin, Genoa hay cả những "miền đất chết" như ở Napoli đã ngập tràn sắc xanh sau khi chứng kiến đội nhà giành chiến thắng trước Tây Ban Nha. Theo ước tính sẽ có hàng triệu CĐV Italia đổ ra đường nếu như đội nhà giành chức vô địch Euro 2020.
Có một chi tiết mà báo giới Italia đã nhắc tới trong những ngày qua. Thời điểm diễn ra trận chung kết Euro 2020 trùng với thời điểm mà Italia bước vào trận chung kết World Cup 1982 (thắng Đức 3-1). Họ tin rằng lịch sử sẽ xoay vòng, để tạo nên nhà vô địch thế hệ mới.
Trên tất cả, hàng triệu con tim sẽ hướng về London đêm nay. Đó là thời khắc của lịch sử. Italia và Anh sẽ bước vào trò chơi của số phận. Ranh giới giữa đỉnh cao và vực sâu sẽ được gói gọn trong một cuộc chiến sinh tử.
Lịch sử chỉ vinh danh người chiến thắng và sẽ vô cùng nghiệt ngã với kẻ thất bại…
Dự đoán: Italia 1-1 Anh (Italia thắng ở loạt sút luân lưu).