Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và những lời hứa gió bay

(Dân trí) - Trong khoảng 2 năm ngồi ở ghế chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng không chỉ yếu tầm nhìn, thiếu sáng kiến, mà thật kỳ lạ là người giữ cương vị điều hành toàn bộ nền bóng đá thường xuyên có những lời hứa suông, điều tối kỵ đối với những người ở vị trí như ông.

Yếu cả ở khả năng ngỡ đâu là mạnh nhất

Một trong những lý do để ông Dũng thắng thế so với các ứng cử viên khác trong cuộc đua đến chiếc ghế chủ tịch VFF nhiệm kỳ 7 cách nay 2 năm chính là ở điểm ông Dũng là doanh nhân. Trong bối cảnh mà giới bóng đá nội khi đó quá chán ngán với cách điều hành xáo mòn của cựu chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ lúc bấy giờ, người ta cần một làn gió mới, từ một nhân vật được xem là có tư tưởng hiện đại hơn, phương thức hành động thoáng hơn, mà cái mác doanh nhân ngàn tỷ của ông Lê Hùng Dũng chính là lợi thế lớn của ông này.

Và cũng vì ông Dũng là doanh nhân ngàn tỷ, nên người ta đồng thời cũng hy vọng khả năng tài chính của VFF nhiệm kỳ 7 sẽ tốt hơn hẳn thời của những người tiền nhiệm.

Thực tế là không lâu sau khi nhậm chức, ông Lê Hùng Dũng hùng hồn tuyên bố sẽ kiếm về hơn 380 tỷ đồng cho bóng đá Việt Nam trong nhiệm kỳ của mình (báo chí khu vực Đông Nam Á khi đó sốc với thông tin này).

Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại lời hứa ấy không đủ cơ sở để trở thành hiện thực. Thậm chí, ngay trong những ngày đầu mà ông Dũng chính thức ngồi ghế chủ tịch VFF, thì việc đầu tiên liên quan đến tài chính mà bóng đá Việt Nam phải đối diện đó chính là giải V-League chia tay với gói tài trợ từ Eximbank (ngân hàng do ông Dũng nắm cương vị chủ tịch HĐQT khi đó).

VFF mang tiếng có 2 doanh nhân ngàn tỷ trong đội hình, nhưng kỳ thực 2 doanh nhân này không đóng góp nhiều cho khả năng tài chính của chính VFF
VFF mang tiếng có 2 doanh nhân ngàn tỷ trong "đội hình", nhưng kỳ thực 2 doanh nhân này không đóng góp nhiều cho khả năng tài chính của chính VFF

Thời điểm vừa nêu, V-League, giải hạng Nhất và cúp quốc gia lao đao thật sự khi mất nguồn tài chính kể trên, trong khi vai trò của ông chủ tịch vốn là doanh nhân ngàn tỷ hầu như mờ nhạt hoàn toàn trong việc tìm nguồn sống cho hệ thống các giải chuyên nghiệp trong nước.

Không những thất hứa với việc tìm nguồn tiền cho bóng đá nội, chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng gần như cũng thất bại trong việc tạo dựng bộ sậu hỗ trợ cho mình về mặt tài chính.

Một doanh nhân ngàn tỷ khác cũng xuất hiện tại VFF từ đầu nhiệm kỳ 7 là Phó chủ tịch (PCT) phụ trách tài chính và vận động tài trợ Đoàn Nguyên Đức. Nhưng cũng giống như chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng, bầu Đức hầu như cũng không thể hiện được vai trò, khi không kêu gọi được gói tài trợ nào đáng kể.

Thành ra, khâu tài chính rốt cuộc lại là một trong những khâu yếu nhất của VFF trong khoảng 2 năm qua, dù tổ chức này mang tính sở hữu đến 2 doanh nhân ngàn tỷ. VFF khó đến mức nguyên cả năm 2015, đội tuyển U19 quốc gia không có nổi chuyến tập huấn nước ngoài, trước giải U19 Đông Nam Á và vòng loại giải châu Á, còn đội tuyển bóng đá nữ quốc gia tham dự vòng loại thứ 3 Olympic 2016 trong cảnh thiếu trước hụt sau.

Hàng loạt sai lầm về chuyên môn

Ngay cả ở khả năng tạm gọi là sở trường của mình liên quan đến tài chính mà ông Dũng còn không mạnh, thì cũng không ngạc nhiên khi người đứng đầu VFF liên tục mắc những sai lầm khác trong khâu định hướng.

Lời hứa nổi đình nổi đám thứ hai không thể thành hiện thực (và cũng may là nó bất thành) của ông Dũng chính là việc ông đứng trước Hội nghị Tổng kết mùa giải cách nay 2 năm, tuyên bố sẽ dành suất đá V-League cho CLB V.Ninh Bình, nếu họ có ý định quay lại, sau khi bỏ bóng đá.

Những tuyên bố dành nhiêu ưu đãi cho lứa cầu thủ của bầu Đức từ phía chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng từng gây bão trong dư luận
Những tuyên bố dành nhiêu ưu đãi cho lứa cầu thủ của bầu Đức từ phía chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng cũng từng gây bão trong dư luận

Thời đấy, ông Lê Hùng Dũng chưa chính thức ngồi vào ghế chủ tịch VFF, nhưng trên thực tế ông đã là nhân vật quyền lực nhất của tổ chức này, nên tuyên bố của ông Dũng không khác “thánh chỉ” cho giới bóng đá Việt Nam.

Cũng hồi đấy, lời hứa “bảo lưu” suất đá V-League của đội bóng cố đô Hoa Lư bị phản ứng gay gắt, bởi người hiểu chuyện đã lập luận ngay từ đầu rằng không thể chống tiêu cực bằng phương pháp còn tiêu cực hơn: Ủng hộ đội bóng bỏ V-League, giải tán, đẩy hàng loạt người lao động ra đường.

Tiếp sau đó, không lâu sau khi nhận ghế chủ tịch VFF, ông Dũng còn có tiếp lời hứa khác, lần này là trong nội bộ thường trực cơ quan điều hành bóng đá nội. Đấy là lời hứa với cấp phó Đoàn Nguyên Đức trong việc dùng quân bầu Đức làm nòng cốt để xây dựng các đội tuyển quốc gia trong tương lai.

Ý tưởng này lập tức bị phản ứng dữ dội không khác lời hứa mà ông Dũng dành cho V.Ninh Bình. Và cũng giống như lần tuyên bố trước đó liên quan đến số phận của đội bóng đất Hoa Lư, may mà lời hứa của ông Dũng không trở thành sự thật, bằng ngược lại, việc quá ưu ái cho một lò đào tạo duy nhất có thể bóp chết khát vọng vươn lên của tất cả các lò đào tạo khác của bóng đá Việt Nam.

Sự việc ấy cũng phần nào thể hiện tầm nhìn khá hạn chế, cộng với sự thiếu chiều sâu trong khâu định hướng của người đứng đầu cơ quan điều hành bóng đá nội. Bởi, khi thống nhất trong nội bộ với nhau ý tưởng xây dựng các đội tuyển dựa trên một lò đào tạo duy nhất, xung quanh một lứa cầu thủ duy nhất, những người thống nhất với ý tưởng đấy, trong đó có ông Dũng đã bỏ qua nguyên tắc cơ bản trong mọi lĩnh vực: Rằng người ta không thể làm cái việc là chưa tuyển sinh nhưng đã công bố trước người trúng tuyển!

Trọng Vũ

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng và những lời hứa gió bay - 3