Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng thất bại khi điều hành bóng đá TPHCM

(Dân trí) - Trước khi ngồi ghế chủ tịch VFF, ông Lê Hùng Dũng cũng có hơn nửa nhiệm kỳ ở cương vị chủ tịch Liên đoàn bóng đá TPHCM (HFF). Và cũng giống như khi lãnh đạo VFF, với bóng đá TPHCM, ông Dũng khi tuyên bố thì rất hùng hồn, nhưng làm thì không đến đâu.

Những sai lầm và những thiếu sót của ông Dũng trên cương vị chủ tịch VFF hiện nay cũng hệt như những gì từng xảy ra với bóng đá TPHCM, khi ông Lê Hùng Dũng ngồi ghế chủ tịch của tổ chức này ở nhiệm kỳ 4.

Cũng trong gần 3 năm giữ cương vị là người nắm định hướng cho bóng đá TPHCM (từ năm 2008 – 2011), ông Dũng hầu hết… định hướng sai, mắc nhiều sai lầm mà hậu quả để lại cho bóng đá thành phố đến tận bây giờ.

Ê-kíp làm việc của ông Dũng thời còn ngồi ghế chủ tịch HFF khá giống với cách ông xây dựng bộ máy tại VFF nhiệm kỳ 7. Người được đặt ở vị trí Phó chủ tịch (PCT) phụ trách tài chính và vận động tài trợ của HFF giai đoạn ông Dũng còn tại vị là ông Trần Lệ Nguyên (ông chủ của công ty bánh kẹo Kinh Đô thời đó).

Ông Lê Hùng Dũng (bìa trái) từng thất bại khi điều hành bóng đá TPHCM
Ông Lê Hùng Dũng (bìa trái) từng thất bại khi điều hành bóng đá TPHCM

Nhưng cũng giống hệt với PCT VFF đương thời là ông Đoàn Nguyên Đức, ông Trần Lệ Nguyên khi đó rất ít tham gia vào các hoạt động của tổ chức mà mình đứng danh PCT. Bản thân ông PCT phụ trách tài chính và vận động tài trợ của HFF khi đó hầu như không mang lại gói tài trợ nào đáng kể cho bóng đá TPHCM.

Rồi cũng giống như VFF trong 2 năm qua, HFF thời ông Dũng làm chủ tịch dù mang tiếng có đến 2 “doanh nhân ngàn tỷ” trong bộ máy điều hành, nhưng công tác tài chính là vấn đề đau đầu, do chi vượt hẳn thu.

Để rồi, sau khi ông Dũng rút, HFF cố gồng hết hơn 1 năm cuối của nhiệm kỳ cũ. Đến nhiệm kỳ mới, việc đầu tiên mà những người điều hành nhiệm kỳ 5 phải làm đó là tái cấu trúc lại tài chính cho Liên đoàn bóng đá TPHCM.

Về mặt chuyên môn, điểm nổi bật nhất trong giai đoạn mà ông Lê Hùng Dũng nắm giữ cương vị chủ tịch HFF buồn thay đều là những sự kiện gây xót xa với bóng đá thành phố, thậm chí nhiều tồn tại còn gây tác hại cho đến tận bây giờ.

Đầu tiên là việc CLB TPHCM (tức tiền thân là Cảng Sài Gòn, sau đổi tên thành TMN.Cảng Sài Gòn, rồi thành CLB TPHCM) rớt hạng, trước khi bị xóa sổ. Tiếp đến, 2 đội bóng khác được ông Dũng “đạo diễn” để đưa về thành phố là Navibank Sài Gòn (mua lại suất đá V-League của đội Quân khu 4) và XM Xuân Thành Sài Gòn (mua lại phiên hiệu của đội hạng Nhất XM Xuân Thành Hà Tĩnh).

Cả Navibank Sài Gòn và XM Xuân Thành Sài Gòn sau đó đều “chết yểu”, vì người ta không làm bóng đá căn cơ, chỉ mượn bóng đá để tìm những mối lợi ngoài bóng đá, thông qua việc “nhập khẩu” về TPHCM.

Sự cố đến đột ngột rồi biến mất đột ngột của 2 đội bóng kể trên càng khiến cho niềm tin của người hâm mộ bóng đá TPHCM, nhiệt huyết của người yêu bóng đá TPHCM xuống đến mức cạn kiệt.

Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Lê Bửu:

“Chủ tịch liên đoàn bóng đá không lãnh đạo được, không quản lý được thì phải nghỉ!”

Tôi không lạ về Lê Hùng Dũng. Trước khi cậu ấy lên làm Chủ tịch VFF, tôi đã nói với một số nhà quản lý ngành thể thao lúc đó là là không nên để Dũng làm vì cậu ta có biết gì về bóng đá đâu. Tôi đã góp ý nhưng không ai nghe và giờ thì tất cả đã thấy, bóng đá Việt Nam đi xuống, còn bản thân Chủ tịch VFF bị bệnh. Bóng đá Việt Nam đang phải nhận hậu quả lớn, suy sụp lắm rồi.

Chúng ta phải tìm ngay một vị chủ tịch mới và những người đó phải biết về bóng đá, có đạo đức và trung thực với ngành TDTT. Chủ tịch Liên đoàn bóng đá bị bệnh không lãnh đạo được, không quản lý được thì phải nghỉ, cho người khác làm.


Kim Điền

Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng từng thất bại khi điều hành bóng đá TPHCM - 2