"Chú bé chăn cừu" Messi và những màn kịch ở Barcelona
(Dân trí) - Messi từng không dưới 1 lần tuyên bố muốn rời khỏi Barcelona và đội tuyển Argentina nhưng chưa lần nào, El Pulga thực hiện nổi. Tới mức, người ta cho rằng siêu sao số 10 chỉ... làm màu!
Câu chuyện cổ tích kể về chú bé chăn cừu, sau nhiều lần hô hoán giả bày sói đến ăn thịt đàn cứu, để lừa dân làng. Lần cuối cùng, khi gặp bày sói thật, nhưng lần này, cậu bé đã ra sức hô hoán nhưng rồi chẳng ai còn tin nữa. Và rồi, bày cừu của cậu ta đã bị ăn thịt...
Messi “nói nhưng không làm”
Và có vẻ như Messi cũng đang hóa thân thành “chú bé ăn cừu” như vậy. Sau khi chính thức khẳng định sẽ ở lại Barcelona, Messi lại tự biến mình trở thành... kẻ lừa dối. Anh hô hoán quá nhiều nhưng đều tự rút lại quyết định.
Mùa Hè năm 2016, cả đất nước xôn xao khi Messi quyết định từ giã đội tuyển quốc gia sau thất bại trong trận chung kết Copa America trước Chile. Trên đường phố, người dân tuần hành mong Messi nghĩ lại. Tới mức, Tổng thống Argentina khi ấy, Mauricio Macri cũng phải đăng đàn để tha thiết mời Messi quay về.
Vài tháng sau, Messi đột ngột tuyên bố: “Tôi muốn quay trở lại để đóng góp cho đội tuyển”.
Mùa Hè năm 2017, sau khi lĩnh án 21 tháng tù treo vì cáo buộc trốn thuế, Messi thẳng thừng tuyên bố trên mặt báo: “Lúc này, tâm trạng của tôi trống rỗng và lộn xộn. Tôi thực sự muốn rời khỏi Tây Ban Nha. Tôi thực sự thấy mình bị ngược đãi ở đất nước này”.
Không lâu sau đó, Messi lại phát biểu theo chiều ngược lại. Chẳng có cuộc chia ly nào như tuyên bố.
Và cách đây 10 ngày, người ta ngỡ như quyết tâm của Messi đã lên tới đỉnh điểm khi cầu thủ này gửi bản fax tới Ban lãnh đạo Barcelona thông báo việc muốn chấm dứt hợp đồng.
Nhưng rồi, tới hôm 4/9, Messi tuyên bố sẽ ở lại vì không muốn đối đầu với Barcelona.
Phải chăng, con tim Messi chưa bao giờ chiến thắng nổi lý trí? Và sau những lần “nói dối” ấy, Messi luôn khẳng định tình yêu mãnh liệt. Giả dụ, nếu như sắp tới, El Pulga có xuất hiện để nói về quyết định rời khỏi Barcelona, liệu có ai tin?
Không phải ngẫu nhiên mà trên mạng xã hội, người ta đã nói về thuyết âm mưu của Messi đằng sau những lần tuyên bố ra đi.
Có hay chăng thuyết âm mưu?
Có thực tế rằng, trong trận chung kết Copa America 2016, chính Messi đã đá hỏng phạt đền sau loạt sút luân lưu. Vậy mà, từ chỗ là tội đồ, siêu sao người Argentina đã hướng dư luận về quyết định từ giã của mình.
Những câu chuyện ấy lặp lại sau này. Messi không còn là “tội đồ” trốn thuế sau chỉ tuyên bố muốn rời khỏi Barcelona. Và tới lần này, chẳng ai còn nhớ tới Barcelona từng thua 2-8 trước Bayern Munich.
Thậm chí, trong thời gian cả thế giới bóng đá “rung chuyển” vừa qua, người ta bắt đầu mổ xẻ về những yếu kém trong khâu quản lý của Bartomeu hay việc điều tra cáo buộc tham nhũng của người đàn ông này. Trong buổi trả lời phỏng vấn tờ Goal, Messi còn không ngần ngại gọi người đứng đầu Barcelona là... kẻ nuốt lời.
Tất nhiên, tầm ảnh hưởng của Messi ở thế giới bóng đá là quá lớn. Chỉ cần cầu thủ này “buồn”, ngay lập tức, cả thế giới hướng về nó. Có lẽ, ngoài Messi, chỉ có C.Ronaldo có được “biệt tài” như vậy.
Bán Messi không được, giữ cũng không xong
Không ai phủ nhận những đóng góp và tầm ảnh hưởng quá lớn của Messi nhưng điều đó không có nghĩa rằng El Pulga vô can trong sự sa sút của Barcelona. Trong nhiều năm qua, người ta đã nói quá nhiều về quyền lực ngầm của Messi, tới mức vượt cả HLV trưởng. Thậm chí, ngay cả trong vấn đề chuyển nhượng, Ban lãnh đạo Barcelona cũng được cho là phải hỏi ý kiến của siêu sao số 10.
Những hình ảnh Messi công khai phớt lời sự chỉ đạo của HLV Quique Setien ở mùa giải vừa qua là điều CĐV Barcelona không muốn thấy. Nó chỉ là hình ảnh đại diện cho đội bóng bất ổn.
Và rồi, sau khi Messi gửi bản fax thông báo muốn ra đi tự do, tình hình của Barcelona càng rối ren hơn. Nó đặt CLB vào tình thế để Messi ra đi cũng không được và giữ lại cũng không xong. Nói vậy bởi lẽ, nếu không thu được đồng nào từ việc bán Messi, Barcelona có thể sụp đổ ngay lập tức. Nhưng nếu giữ Messi ở lại, nguy cơ về phòng thay đồ bất ổn vẫn còn hiển hiện.
Ở mùa giải tới, người ta có thể chứng kiến cuộc chiến giữa Messi và HLV Ronald Koeman (người chủ trương cắt quyền lực của Messi) và Messi với Bartomeu (đối đầu về quyền lợi).
Màn kịch ở Barcelona
Ở khía cạnh nào đó, Chủ tịch Bartomeu cũng không phải dạng vừa. Hơn 1 lần, báo giới Tây Ban Nha tố cáo người đứng đầu Barcelona đã sử dụng truyền thông bẩn (thông qua các kênh phát thanh ở xứ Catalan) để gây sức ép và giảm tầm ảnh hưởng của Messi. Nó phần nào hướng sự chú ý (đổ lỗi) vào Messi, để che đậy những yếu kém trong khâu quản lý của Bartomeu.
Trong chia sẻ trên tờ Goal, Messi đã ám chỉ: “Thế giới bóng đá quá nhiều khó khăn, với không ít kẻ giả tạo”. Có lẽ, không ít người phải nhột (trong đó có Bartomeu) khi nghe thấy lời nói ấy.
Trước nay, Barcelona vẫn tự hào với khẩu hiệu: “Hơn cả 1 CLB” để nói về sự đoàn kết, như gia đình. Nhưng có cảm tưởng như trong “gia đình” ấy, bất cứ ai cũng đeo tấm mặt nạ, vì lợi ích cá nhân.
Để rồi, Barcelona như con tàu xuống dốc không phanh...